Tác động của đại dịch Covid-19 đến kết quả kinh doanh của ngành Dệt May Việt Nam

THS. TRẦN HUỲNH KIM THOA, THS. LÊ THỊ MINH, THS. LÊ NGUYỄN TRÀ GIANG (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Dệt May nói riêng. Bài viết này, nhóm tác giả đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành Dệt May Việt Nam thông qua việc phân tích từ dữ liệu báo cáo tài chính của một số công ty Dệt May từ quý 1/2020 đến quý 1/2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam.

Từ khóa: ngành Dệt May, hiệu quả kinh doanh, báo cáo tài chính, đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nước ta đã và đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 có thể kể tới, như: Hàng không, Du lịch và Dệt May.

Đặc biệt, ngành Dệt May phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức khi chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào từ các nước bị gián đoạn, nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm giảm,… Để khắc phục những khó khăn, thách thức này, nhóm tác giả đã phân tích ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến kết quả kinh doanh ngành Dệt May, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Dệt MayViệt Nam trong thời gian tới.

2. Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành Dệt May Việt Nam

Trong những năm qua, ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD (Cục Thống kê), chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, chỉ sau Trung Quốc và đứng thứ tư về quy mô sản xuất dệt may toàn cầu (Bộ Công Thương, 2019).

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp Dệt MayViệt Nam gặp không ít khó khăn. Theo số liệu của Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2020 đạt 35,06 tỷ USD giảm 9,8% so với năm 2019. Do phần lớn nguyên phụ liệu ngành Dệt May nhập khẩu từ nước ngoài nên khi dịch bệnh bùng phát, chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng. Thêm vào đó, 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU hạn chế nhập khẩu để đối phó với dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, nhà máy bị phong tỏa, công nhân bị cách ly,… là những khó khăn mà ngành Dệt May Việt Nam phải đối mặt.

Để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến kết quả kinh doanh của ngành Dệt May Việt Nam, nhóm tác giả tập trung phân tích dữ liệu báo cáo tài chính từ các yếu tố (doanh thu; chi phí nguyên vật liệu; lợi nhuận) của một số doanh nghiệp Dệt May từ quý 1/2020 đến quý 1/2021.

2.1. Doanh thu

Tiếp nối những khó khăn ở cuối năm 2019 đến từ biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, sang đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành Dệt May Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt xấp xỉ 15,3 tỷ USD (Báo cáo thống kê tình hình xuất nhập khẩu của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam), giảm 16,63% so với cùng kỳ 2019.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch (từ ngày 31/12/2019 đến ngày 11/3/2020), dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, ngành Dệt May Việt Nam chủ yếu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhưng doanh thu tiêu thụ chưa bị tác động nhiều, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động với các đơn đặt hàng trước đó. Doanh thu quý 1/2020 của các doanh nghiệp Dệt Maycó sự sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 như CTCP May Sông Hồng giảm 3,4%, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG giảm 4,1%,... Trong khi đó, CTCP Sợi Thế Kỷ vẫn duy trì được hoạt động với mức tăng trưởng 1,9%.  

Tuy nhiên, từ quý 2/2020, dịch bệnh Covid-19 lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, 2 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU bị cuốn vào cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng. Chính phủ Mỹ và EU thực hiện giãn cách xã hội và thực thi lệnh đóng cửa. Điều này khiến nhu cầu các sản phẩm dệt may tại 2 thị trường này giảm mạnh. Đơn hàng giảm mạnh dẫn đến hàng tồn kho tăng cao, cùng với áp lực chi trả tiền lương, nhân công khiến doanh nghiệp Dệt Maygặp nhiều khó khăn. Doanh thu quý 2/2020 của các doanh nghiệp Dệt MayViệt Nam bị sụt giảm mạnh mẽ do tình trạng khan hiếm đơn hàng: CTCP Mirae giảm 32%, CTCP Sợi Thế Kỷ giảm 49%, CTCP Garmex Sài Gòn giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Đứng trước khó khăn, một số doanh nghiệp Dệt May đã chuyển dịch mặt hàng, chủ trương chuyển đổi từ các mặt hàng truyền thống sang sản xuất các mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế trong phòng chống dịch bệnh nhằm cung ứng cho các thị trường nước ngoài hiện đang thiếu hụt. Với nỗ lực này, các doanh nghiệp duy trì được việc làm cho công nhân và hạn chế  được mức tổn thất do ảnh hưởng của Covid-19. Một số doanh nghiệp chỉ gánh chịu mức sụt giảm nhẹ trong doanh thu (CTCP May Sông Hồng giảm 17%, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG giảm 13%) hay CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công có mức tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với nỗ lực sau thời gian đầu bất ngờ với ảnh hưởng của dịch Covid, các doanh nghiệp đã dần dần thích ứng. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, việc dịch bệnh được kiểm soát tại các quốc gia và sự ra đời của vaccine Covid-19, ngành Dệt May thế giới nói chung và Dệt May Việt Nam nói riêng từng bước phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020.

Các quốc gia mở cửa trở lại, gỡ bỏ lệnh phong tỏa, cho phép nhập khẩu hàng hóa, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được cải thiện. Thêm vào đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, nhưng là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Doanh thu của các doanh nghiệp Dệt Mayđã có sự tăng trưởng trở lại trong quý 3 (CTCP Sợi Thế Kỷ tăng 30%, CTCP May Sông Hồng tăng 4% so với doanh thu quý 2), nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019.

Một số nhãn hàng may mặc đã và đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhờ vậy, hàng dệt may Việt Nam mở rộng được thị phần tại thị trường Mỹ. Doanh thu của các doanh nghiệp Dệt Maytiếp tục phục hồi trong quý 4/2020, nhưng vẫn chưa trở về mức trước dịch.

Sang quý 1/2021, dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng các quốc gia đã thích ứng và có kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch, vaccine dần được tiêm đại trà ở nhiều quốc gia, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng dệt may tăng trở lại. Ngoài yếu tố cầu tăng, Dệt MayViệt Nam còn được hưởng lợi từ yếu tố chuyển cung. Nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động. Thêm vào đó, Việt Nam đang từng bước tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA. Từ đó, các doanh nghiệp Dệt Mayliên tục nhận được đơn hàng mới, thậm chí phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý 3 và đến hết năm 2021. CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mạiThành Công (TCM) có doanh thu quý 1/2021 đạt mức tăng trưởng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 25,7% so với quý 4/2020; CTCP May Sông Hồng có doanh thu tăng 1% so với cùng kỳ 2020 và tăng 9,7% so với quý 4/2020,… Điều này cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực đối với các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt May cũng có những bứt phá, đạt 7,21 tỷ USD (Thống kê tình hình xuất nhập khẩu quý 1/2021 của Tổng cục Hải quan), tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020.

2.2. Chi phí nguyên vật liệu

Hiện nay, ngành Dệt May Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc chưa chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu trong nước và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài. Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nước ta trong năm 2020 đạt 35,29 tỷ USD, nhưng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của Ngành lên tới 21,38 tỷ USD (Bộ Công Thương, 2020). Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành Dệt May Việt Nam. Ngoài ra, các công ty may nhập khẩu hơn 63% nhu cầu vải trong khi sợi sản xuất ra phải xuất khẩu 2/3 sản lượng (báo cáo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, 2020). Điều này cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào đã tác động đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp ngành Dệt May.

Vào quý 1 năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu của ngành Dệt may và giá nhập khẩu nguyên liệu tăng. Trong giai đoạn này, một số công ty may mặc trong nước đã dự trữ sẵn nguyên vật liệu trước đó, nên chi phí nguyên liệu chưa ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, các nhà máy dệt Trung Quốc phải ngừng hoạt động từ 10-15 ngày vì dịch bệnh lan rộng khắp Trung Quốc trong quý 1/2020. Điều này tạo lo ngại thiếu hụt nguyên liệu sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi lượng dự trữ cạn kiệt vào quý 2/2020.

Trong quý 2/2020, dịch Covid-19 xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngành Dệt May và giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn chưa giảm nhiệt. Ngoài ra, do việc nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc còn nhiều khó khăn nên các công ty may mặc Việt Nam chuyển đổi nguồn cung sang thị trường Hàn Quốc. Điều này làm tăng chi phí nguyên vật liệu của một số doanh nghiệp trong quý 2, do giá thành nhập vải từ Hàn Quốc cao hơn so với vải Trung Quốc. Số liệu tính toán của nhóm tác giả từ báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp may mặc quý 2/2020 cho thấy, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng như sau: CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công tăng 41,6%, CTCP SXKD & XNK Bình Thạnh tăng 21,65%, CTCP Garmex Sài Gòn tăng 10,05%, CTCP May Sông Hồng tăng 3,9% so với quý 1/2020.

Đến quý 3/2020, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại Trung Quốc, các nhà máy dệt tại đây hoạt động trở lại đã nối lại nguồn cung nguyên liệu cho ngành Dệt May Việt Nam, giá các loại sợi và nguyên liệu giảm liên tục và duy trì ở mức thấp. Vì vậy, chi phí nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp giảm mạnh trong quý 3 (CTCP Garmex Sài Gòn giảm 32,59%, CTCP May Sông Hồng giảm 28,41%, CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công giảm 26,93% so với quý 2/2020).

Bước vào quý 4/2020, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, một số quốc gia gỡ bỏ phong tỏa, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và may mặc của người dân. Điều này đã tác động đến giá nguyên liệu sợi có xu hướng hồi phục, nhu cầu sợi bắt đầu tăng trở lại. Một số doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng từ việc tăng chi phí sản xuất do giá nguyên liệu đầu vào tăng như CTCP May Sông Hồng tăng 32,84%, CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công tăng 9,48% so với chi phí nguyên liệu quý 3.

Ngoài ra, theo báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, chỉ 2 tháng đầu quý 1/2021, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam tăng 0,87% so với năm 2020. Nguyên nhân giá sợi tăng cao trong quý 1/2021, do vụ mùa bông nguyên liệu năm qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp và ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên lượng tồn kho của thế giới thấp. Chính điều này đã thúc đẩy giá sợi tăng 25%, tuy nhiên chuỗi cung ứng chưa tăng giá vải bán ra (Báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, 2020). Chi phí nguyên vật liệu của một số doanh nghiệp ngành Dệt May trong quý 1/2021 tăng cao hơn so với quý 4/2020 như CTCP Garmex Sài Gòn tăng 63,3%, Công ty Sợi Thế Kỷ tăng 3,09%. Từ đó cho thấy thị trường ngành Dệt May Việt Nam hiện nay đang đối mặt với áp lực lớn về giá nguyên liệu đầu vào và tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu do nguồn cung chưa ổn định.

2.3. Lợi nhuận

Từ năm 2020 cho đến nay, các doanh nghiệp Dệt May phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Một lợi ích duy nhất từ dịch bệnh là nhu cầu khẩu trang, đồ bảo hộ và đồ mặc ở nhà tăng cao ở cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có một số ít doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này, do các khó khăn về nguồn nguyên liệu. Những lợi ích này cũng chỉ giúp giảm bớt chứ không thể bù đắp được những thiệt hại dịch bệnh gây ra đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Do vậy, xét về mặt tổng thể, lợi nhuận của các doanh nghiệp Dệt May đều giảm trong thời gian từ năm 2020 đến hết quý 1/2021, nổi bật lên vài doanh nghiệp duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận dương, như: CTCP Sản xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công (TCM).

Các chỉ số sinh lợi ROA, ROE của phần lớn các công ty Dệt May giảm sâu ở nửa đầu năm 2020 khi dịch bệnh bắt đầu diễn ra, sự bị động trong sản xuất được phản ánh rõ nét thông qua kết quả kinh doanh của quý 1 - 2/2020. Từ nửa cuối năm 2020, các doanh nghiệp từng bước có sự điều chỉnh và thích ứng tốt hơn, do đó các chỉ số sinh lợi cũng được cải thiện. (Biểu đồ 1)

Tuy nhiên, đến quý 1/2021, các chỉ số đang cho thấy sự sụt giảm trở lại, mặc dù doanh thu quý 1/2021 đã dần phục hồi, nhưng chi phí đầu vào gia tăng từ nguồn cung nguyên vật liệu vẫn là gánh nặng đối với các công ty và giá bán đầu ra vẫn chưa được điều chỉnh tăng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các rủi ro dịch bệnh trong nước. Nếu doanh nghiệp để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy hoặc nhà máy nằm trong vùng dịch thì doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, ngừng sản xuất và gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cơ bản cho người lao động, chưa kể đến các khoản phạt nếu không thực hiện đúng hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.

3. Giải pháp để ngành Dệt may Việt Nam phát triển bền vững

- Cắt giảm chi phí: Theo văn bản số 147/2021/VITAS-CS, Hiệp hội Dệt may Việt Nam góp ý dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 của Chính phủ, Hiệp hội đã cho rằng: cần cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp. Cụ thể là giảm giá điện, ngừng thu phí cảng biển, giảm đóng BHXH, ngừng đóng phí công đoàn, các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp,…

- Hạn chế cắt giảm lao động: Ảnh hưởng của Covid-19 khiến các doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm lao động hoặc cắt giảm giờ làm. Điều này tạm thời sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí lao động. Song về lâu dài, việc này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng và đào tạo, khi hoạt động sản xuất dần quay trở lại với nhịp độ bình thường, thậm chí cao hơn bình thường để đáp ứng kịp thời các đơn hàng bị gián đoạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động.

- Chuyển đổi sản phẩm để phù hợp với nhu cầu hiện tại: khi dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được đẩy lùi thì những nhu cầu về các sản phẩm phục vụ cho y tế, đồ mặc nhà hay đồ tập thể thao vẫn tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp nên linh hoạt chuyển đổi sản phẩm để tận dụng các cơ hội này.

- Chủ động nguồn cung nguyên vật liệu: đây là một bài toán khó giải của doanh nghiệp dệt may. Để hoạt động sản xuất được liên tục, các doanh nghiệp nên sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay vì nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp lớn có thể tự sản xuất nguyên vật liệu, từ đó tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dựa vào liên kết ngành để tìm kiếm và hỗ trợ nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho nhau.

- Chuyển đổi sản xuất và kinh doanh để tăng giá trị gia tăng: muốn phát triển lâu dài buộc các doanh nghiệp dệt may phải từng bước cải tiến sản xuất để có giá trị gia tăng cao hơn. Đối với các doanh nghiệp may mặc, nếu tham gia chuỗi cung cứng với phương thức CMT (Cut-Make-Trim) và sử dụng chi phí sản xuất thấp là một lợi thế để cạnh tranh thì giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp nhận được sẽ rất thấp và không bền vững. Các doanh nghiệp nên chuyển đổi sang phương thức ODM (Original Design Manufacturing) hoặc OEM (Original Equipment Manufacturing) có giá trị gia tăng cao hơn. Để làm được điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính lớn, qui mô lớn, đẩy mạnh tự động hóa, đầu tư vào công nghệ, nâng cao chuyên môn của người lao động, đảm bảo được nguồn cung nguyên vật liệu.

- Liên kết các doanh nghiệp trong ngành: việc này không chỉ mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp mà còn giúp các doanh nghiệp tìm được nguồn cung nguyên liệu trong nước. Các doanh nghiệp có thể chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, công nghệ, phương thức quản lý hay hỗ trợ pháp luật… từ đó tạo ra một hàng rào bảo vệ lẫn nhau trước các sức ép cạnh tranh của nước ngoài, dễ dàng vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế.

- Tăng cường sức mạnh đàm phán thương mại: các doanh nghiệp Dệt May gặp rất nhiều tổn thất khi các đối tác nước ngoài hủy, hoãn đơn hàng do dịch bệnh mà không có bồi thường hay hỗ trợ cho người lao động. Điều này cho thấy điểm yếu trong đàm phán thương mại của các doanh nghiệp Dệt May, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một hợp đồng thương mại công bằng khi chia sẻ lợi ích cho 2 bên và đồng thời chia sẻ cả rủi ro. Các doanh nghiệp cần nắm rõ pháp luật của các quốc gia, giữ chặt mối liên kết ngành để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong đàm phán thương mại. Có như vậy, mới có thể bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động trong điều kiện khủng hoảng.

4. Kết luận

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống - kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, các công ty Dệt May Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng tác động. Ngành Dệt May Việt Nam phải đối mặt với các khó khăn và thách thức trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, đó là: nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy, bị hủy hoặc hoãn các hợp đồng xuất khẩu, nhu cầu sản phẩm thay đổi, rủi ro dịch bệnh phải ngưng sản xuất. Tuy nhiên, “trong nguy, có cơ” các doanh nghiệp Dệt May dần tìm ra những cơ hội để thay đổi sản xuất, từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho tới sản phẩm đầu ra, tận dụng những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do. Năm 2021 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp Dệt May nói chung, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm, khi tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp Dệt May cần chủ động nguồn cung ứng nguyên vật liệu, thích ứng một cách linh hoạt và nhanh chóng với những thay đổi của nhu cầu thị trường, quản trị tốt rủi ro dịch bệnh trong doanh nghiệp, giải quyết được các vấn đề về hiệu quả lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. VIETSTOCK (2021), Báo cáo tài chính của các công ty dệt may niêm yết trên sàn chứng khoán.

2. Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (2019), Báo cáo thống kê tình hình xuất - nhập khẩu năm 2019 . < https://vcosa.vn/vi/nam-2019-gia-soi-nguyen-lieu-nhap-khau-giam-10-39- >.

3. Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (2020), Báo cáo thống kê tình hình xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020. <https://vcosa.vn/vi/6-thang-dau-nam-2020-xuat-khau-hang-det-may-bang-38-73-kim-ngach-thuc-hien-nam-2019 >,.

4. Tổng cục Thống kê (2020),Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020. <https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/baocao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2020/ >.

5. Fpts (2020), Báo cáo cập nhật ngành Dệt May năm 2020. <http://www.fpts.com.vn/FileStore2/File/2020/03/31/Bao_cao_cap_nhat_nganh_det_may_-_T32020_003ddfa7.pdf >.

6. Thạch Lâm (2019), Bức tranh ngành Dệt May quý 3: ngành Sợi gặp khó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng. < https://cafef.vn/buc-tranh-nganh-det-may-quy-3-nganh-soi-gap-kho-van-con-nhieu-doanh-nghiep-co-loi-nhuan-tang-truong-20191120135610909.chn >.

7. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (2021), Góp ý dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 < http://www.hiephoidetmay.org.vn/vitas-tham-gia-y-kien-du-thao-nghi-quyet-ho-tro-dn-trong-boi-canh-covi_p1_1-1_2-1_3-632_4-5593.html>,.

8. Thu Ngọc (2021), Kinh tế thế giới năm 2020 và triển vọng năm 2021. <https://thitruongtaichinhtiente.vn/kinh-te-the-gioi-nam-2020-va-trien-vong-nam-2021-33446.html >.

9. Phan Trang (2021), Kỳ 1: Dệt may Việt Nam và những thách thức nội tại. <http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Ky-1-Det-may-Viet-Nam-va-nhung-thach-thuc-noi-tai/426983.vgp>.

10. Mạnh Đức (2021), Mãi chưa giải được bài toán phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu https://vneconomy.vn/mai-chua-giai-duoc-bai-toan-phu-thuoc-vao-nguyen-lieu-nhap-khau-20210415105900352.htm>.

11. Tổng cục Thống kê (2020), Số liệu xuất nhập khẩu các tháng năm 2019.<https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2019/11/tri-gia-xuat-nhap-khau-phan-theo-nuoc-va-vung-lanh-tho-chu-yeu-so-bo-cac-thang-nam-2019/ >.

12. Tổng cục Thống kê (2020), Số liệu xuất nhập khẩu các tháng năm 2020.<https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/10/tri-gia-xuat-nhap-khau-phan-theo-nuoc-va-vung-lanh-tho-chu-yeu-so-bo-cac-thang-nam-2020-2/>.

13. Tổng cục Thống kê (2021), Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021. < https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2021/>.

14. Tổng cục Thống kê (2020), Triển vọng kinh doanh của ngành Dệt may trong năm 2020 . <https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/07/trien-vong-kinh-doanh-cua-nganh-det-may-trong-nam-2020/ >.

Impacts of the COVID-19 pandemic on the garment and textile industry in Vietnam

 Master. Tran Huynh Kim Thoa 1

Master. Le Thi Minh 1

Master. Nguyen Tra Giang 1

1 Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has seriously affected many businesses in different industries, especially in the garment and textile industry. This paper analyzes the impacts of COVID-19 pandemic on the performance of some listed Vietnamese textile companies over the period from the first quarter of 2020 to the first quarter of 2021. The results show that the COVID-19 pandemic has adverse impacts on the performnace of Vietnamese listed textile companies.

Keywords: garment and textile industry, business performance, financial statements, COVID-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]