Vài nét về tình hình phát triển công nghiệp VKTTĐPN
Trong những năm qua, sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp của VKTTĐPN đã ngày càng trở nên quan trọng đối với nến kinh tế đất nước. Về cơ cấu kinh tế theo thành phần, đóng góp của các thành phần kinh tế trong nước (QD và NQD) vẫn chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm, từ 54,1% (2001) xuống 52,8% (2003). Trong khi đó, khu vực có vốn ĐTNN đã tăng từ 45,9% (2001) lên 47% (2003). Về cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các tỉnh trong Vùng. Các tỉnh có GTSXCN lớn nhất lần lượt là: TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. Chỉ riêng 4 tỉnh này đã chiếm tỷ trọng trên 50% (2003) so với cả nước, các tỉnh còn lại, mức đóng góp còn chiếm tỷ lệ rất thấp so với toàn vùng: Tây Ninh 1,6%; Bình Phước 0,5%.
Xuất phát từ tiềm năng và nguồn lực của các tỉnh, thành phố trong Vùng, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ nói chung và VKTTĐPN nói riêng thành một trong những vùng kinh tế phát triển năng động, với tốc độ nhanh và cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ, liên kết chặt chẽ với các vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, những thành tựu đạt được của VKTTĐPN trong năm qua là rất to lớn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc chiến tranh ở Irắc, dịch bệnh Sars, cuộc cạnh tranh giữa các sản phẩm trong nước với sản phẩm Trung Quốc, nhất là đối với mặt hàng da- giầy ngày càng khốc liệt. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam nói chung và của VKTTĐPN nói riêng. Song, nhờ có những chính sách hỗ trợ, các giải pháp chỉ đạo, điều hành, môi trường sản xuất- kinh doanh ngày càng thông thoáng, đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm đã và đang tác động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, xâm nhập, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Nhiều thị trường xuất khẩu vẫn được duy trì, mở rộng như EU, Nhật Bản, các nước Asean, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ...
Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch định hướng phát triển của ngành công nghiệp ở các tỉnh, thành được quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy thế mạnh của từng tỉnh, thành, khu vực. Nhiều doanh nghiệp đã tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với những thuận lợi trên, năm 2003, ngành Công nghiệp VKTTĐPN đã thực hiện được những kết quả sau: GTSXCN ước đạt 186.366 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2002. Trong đó: CNQD đạt 60.441 tỷ đồng, NQD 39.828 tỷ đồng, khu vực có vốn ĐTNN đạt 86.097 tỷ đồng. So với các vùng khác trên địa bàn cả nước, công nghiệp VKTTĐPN chiếm tỷ trọng cao nhất (hơn 60%) trên tổng GTSXCN cả nước. Trong đó, 4 tỉnh có GTSXCN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị công nghiệp cả nước (59,3%) là: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. Nhìn chung, mức tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp các tỉnh VKTTĐPN khá cao, so với cùng kỳ 2002, các tỉnh đều có mức tăng khá, trên 11%, hai tỉnh có mức tăng cao nhất là Tây Ninh (49,8%) và Bình Phước (49,6%).
Từ tốc độ gia tăng hoạt động kinh tế trên địa bàn VKTTĐPN đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các KCN. ở thời điểm tháng 4 năm 2000, VKTTĐPN mới có 33 KCN và khu chế xuất được cấp phép thành lập với tổng diện tích là 7.106 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp gần 4.800 ha, đã cho thuê 1.636 ha, trong đó chỉ có 7 KCN có tỷ lệ cho thuê, đạt trên 50%. Doanh thu từ các KCN, KCX năm 1999 ước đạt 2.029 triệu USD, trong đó xuất khẩu 1.466 triệu USD, tạo việc làm cho gần 12,3 vạn lao động. Tính đến nay, chỉ riêng tỉnh Đồng Nai đã có 23 KCN với tổng diện tích 7.686 ha, trong đó có 15 khu được Chính phủ phê duyệt chính thức với tổng diện tích là 4.139 ha. Các công ty phát triển hạ tầng đã đầu tư khoảng 80 triệu USD xây dựng hạ tầng các KCN. Diện tích cho thuê đối với 10 KCN được phê duyệt trước đây chiếm 76,68% diện tích dành cho thuê. Đến cuối năm 2003, đã có 263 doanh nghiệp ĐTNN hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Còn ở Bà Rịa - Vũng Tầu, Chính phủ dự kiến phát triển 9 KCN với tổng diện tích là 5.200 ha, tập trung chủ yếu dọc theo trục quốc lộ 51 và bờ sông Thị Vải, sông Dinh. Đến nay, Chính phủ đã cho phép thành lập 7 KCN với tổng diện tích là 2.590 ha. Các KCN đã thu hút được khoảng 86 dự án với diện tích đất cho thuê được 665,53 ha, đạt 38,1%, trong đó có 34 dự án đầu tư nước ngoài. Một số huyện như Châu Đức, Tân Thành, Thị xã Bà Rịa... hoàn thành công tác quy hoạch và đang xúc tiến thủ tục chuẩn bị đầu tư. Trên địa bàn Tỉnh dự kiến sẽ quy hoạch 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 400 ha, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 200 tỷ đồng.
Các KCN ở Bình Dương cũng sôi động không kém. Bình Dương hiện có 9 KCN, tổng diện tích 1.772 ha, đạt tỷ lệ lấp kín 66,7% đất công nghiệp cho thuê. Tổng số dự án là 516, trong đó đầu tư nước ngoài là 317 dự án, vốn đầu tư là 1,698 triệu USD. Hiện nay có 2 KCN đã được quy hoạch với tổng diện tích là 130 ha là KCN Dệt may Bình An và KCN Việt Hương 2. Tỉnh cũng chủ trương mở rộng KCN Mỹ Phước từ 377 ha lên 900 ha, xây dựng KCN Dầu Tiếng và KCN Tân Uyên. Trong quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn, ngoài việc đầu tư vào các KCN, đã hình thành tự phát 23 cụm công nghiệp tập trung, tổng diện tích là 3.573 ha.
Tây Ninh cũng đã có 2 KCN với diện tích 2.260 ha được Chính phủ phê duyệt, trong đó, KCN Trảng Bàng đã lấp đầy giai đoạn I, đang triển khai thực hiện giai đoạn II mở rộng trên 1.000 ha. Có 37 dự án được cấp phép và 24 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Tại đây, KCX Linh Trung 3 được giao 204 ha đã triển khai xây dựng hạ tầng với tiến độ được ghi nhận là nhanh nhất. Tây Ninh cũng đã quy hoạch được 8 cụm công nghiệp ở các huyện, tổng diện tích là 1.108 ha.
Phát triển công nghiệp vùng bền vững và những vấn đề đặt ra
Theo kế hoạch, GTSXCN năm 2004 của vùng Đông Nam Bộ dự kiến sẽ tăng bình quân 17,4%, trong đó các tỉnh có kế hoạch tăng cao so với năm 2003 và Bình Dương (34%) và Bình Phước (25%), các tỉnh còn lại trên 11%. Để đạt được những mục tiêu trên, ngoài việc khắc phục những vướng mắc về công tác quản lý ngành, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
- Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhất là sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
- Đẩy nhanh tiến trình sắp xếp cổ phần hóa DNNN, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị với chi phí thấp để tăng tính cạnh tranh, chương trình quản lý chất lượng theo thệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO
- Tăng cường hợp tác ngành công nghiệp giữa các tỉnh thành, nhằm khai thác triệt để tiềm năng của địa phương.
- Đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng cơ sở, các khu- cụm công nghiệp cần được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhằm thu hút mọi nguồn lực, nguồn vốn đầu tư cho ngành công nghiệp.
- Hiện tại, các tỉnh trong VKTTĐPN và trong cả nước nói chung còn có nhiều ban quản lý KCN. Vì vậy, Bộ Công nghiệp cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở Công nghiệp với các Ban quản lý KCN, chức năng quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sau giấy phép. Bộ Công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển ngành cơ khí chế tạo máy- ngành được xem là mũi nhọn.
Riêng TP. Hồ Chí Minh, cần hoàn thiện đề án quy hoạch ngành Công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2010, tầm nhìn 2020, trên cơ sở phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa thành phố và các tỉnh vùng phụ cận để trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2004. Tiếp tục xây dựng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có uy tín, mang thương hiệu thành phố để hỗ trợ phát triển. Cần phân làm 2 nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm cần hỗ trợ để có hướng phát triển cụ thể. Các dự án xây dựng nhóm sản phẩm, ngành nghề như ngành cơ khí, điện tử, dệt- may, da- giầy, nhựa- cao su, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, công nghiệp xây dựng, công nghiệp hoá chất... cần nhanh chóng trình thành phố phê duyệt để làm căn cứ hỗ trợ đầu tư theo hướng kích cầu.
Tương tự như vậy, Tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã quan tâm quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp và ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vào các cụm công nghiệp. Đây là chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển các ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp ở một số địa bàn huyện, thành phố còn chậm. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai cần chỉ đạo triển khai nhanh việc đầu tư các cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết và tiếp tục quy hoạch bổ sung thêm các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong nước, nhằm phát huy nội lực. Trong chương trình công tác năm 2003, Sở Công nghiệp có đưa vào hạng mục cấp điện cho Cù Lao 3C TP. Biên Hoà và Cù Lao Vàm Ô huyện Nhơn Trạch từ điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, do dân cư trên 2 cù lao này sống rải rác không tập trung và chi phí đầu tư rất lớn, vì phải thực hiện phần vượt sông, nên hiện nay, ngành Điện chưa thể đầu tư để cấp điện cho 2 cù lao này. Sở Công nghiệp đề nghị Tỉnh công bố dự án cấp điện và cho 2 cù lao này vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức dự án điện độc lập, kèm theo một số điều kiện ưu đãi để sớm cấp điện cho khu vực này.
Vấn đề nổi cộm hơn cả trong quá trình phát triển của VKTTĐPN là thiếu một cơ chế quản lý để điều phối sự phát triển chung của Vùng, không phân biệt theo địa giới hành chính. Vì vậy, để tiếp tục phát huy thế mạnh của một vùng kinh tế lớn nhất cả nước, các nhà quản lý cần ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp, nhằm phát triển bền vững vùng kinh tế nhiều tiềm năng này. /.