Các quan chức Nhật Bản và châu Âu cũng có cùng quan điểm như vậy và nói bóng gió rằng, các điều kiện trong các nền kinh tế của họ cũng có thể tốt hơn. Trong khi đó, các chỉ số kinh tế cho thấy, người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn, số người Anh bị mất việc làm ít hơn và Đức bắt đầu thoát khỏi tình trạng trì trệ. Tại Uỷ ban Quốc hội ở Oasinhtơn, ông Greenspan nói: “Chúng tôi tin rằng, chúng ta đang ở vào giai đoạn bước ngoặt và đánh giá tốt nhất của chúng tôi là mọi việc sẽ được cải thiện”.
Những ý kiến trên cùng với cam kết duy trì lãi suất ở mức thấp lập tức đã gây ra phản ứng lẫn lộn từ các thị trường tài chính, nhưng bao trùm lên vẫn là những nhận định phù hợp với thái độ của các nhà đầu tư chính rằng, các nền kinh tế đang được cải thiện. Matthew Wickens, nhà kinh tế toàn cầu của Ngân hàng ABM AMRO viết trong một báo cáo kinh tế: “Cả cổ phiếu và trái phiếu đều cho thấy tốc độ phát triển sẽ phục hồi”. Ông Wickens nói, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ lên đến mức hơn 4% trong năm 2003 sau khi từ từ tăng tốc trong thời gian còn lại của năm nay. Trong khi đó, ông Greenspan tỏ ý lạc quan rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ bắt đầu được cải thiện.
Thống đốc Ngân hàng Bundesbank của Đức, ông Ernst Welteke vừa đưa nhận xét tương tự rằng, chính sách tiền tệ châu Âu hiện nay có thể đủ để giải quyết các điều kiện kinh tế. Welteke, một thành viên có thế lực của Hội đồng Hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói rằng, ông không hy vọng sẽ có sự cắt giảm lãi suất mới của ECB trong thời gian hiện nay. Ông nói: “Lãi suất của khu vực đồng Euro ở vào mức thấp trong lịch sử và tiền mặt vẫn có đủ. Việc cắt giảm hơn nữa lãi suất có lẽ sẽ không có bất kỳ tác động tích cực nào đối với nền kinh tế”.
Ngay cả các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản cũng hầu như không thấy được tia sáng nào trong nền kinh tế trì trệ kéo dài của họ. Mới đây, Ngân hàng Nhật Bản đã có sự điều chỉnh theo hướng tích cực đầu tiên trong năm nay về triển vọng kinh tế, các hoạt động kinh tế vẫn được duy trì, nhưng đã ngừng nói về tình trạng yếu kém trong xuất khẩu. Một loạt tin tức tốt lành mới đây đã kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, với những chỉ số cho thấy có sự phục hồi trong đầu tư kinh doanh. Phát biểu tại Nghị viện Nhật Bản, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Toshihiko Fukui nói, những bấp bênh trong nền kinh tế Nhật Bản đã làm giảm những hy vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu và lợi nhuận trong thị trường chứng khoán. Một loạt chỉ số kinh tế gần đây trên toàn cầu đã góp phần làm tăng thái độ lạc quan của các nhà hoạch định chính sách. Mỹ vừa thông báo doanh số bán lẻ đã tăng trong tháng 7 và chi tiêu của người tiêu dùng - động lực chính - có vẻ tăng trong mùa hè này. Lĩnh vực chế tạo ở bang Niu Yóoc cũng duy trì được mức phục hồi trong tháng 7, khiến mọi người hy vọng rằng, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại trong tháng 8 này. Tại Đức, một chỉ số về tâm lý tăng vọt so với dự kiến, làm dấy nên những hy vọng rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ thoát khỏi tình trạng gần như là suy thoái. Chỉ số về Đức của Viện kinh tế ZEW đã tăng 20,6 điểm trong tháng 7, lên 41,9 điểm, mức cao nhất trong gần một năm. Viện tuyên bố: “Giá chứng khoán tăng, đồng Euro giảm chút ít và sự tiến bộ trong cuộc tranh luận về cải cách góp phần cho tinh thần lạc quan mới.” Chỉ số chứng khoảng DAX của Đức đã tăng khoảng 56% kể từ khi xuống đến mức thấp nhất trong tháng 3. Trong khi Chính phủ Anh thông báo tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp của hai năm trong vòng 3 tháng tính đến tháng 7, cho thấy sự phục hồi bất ngờ trong hoàn cảnh kinh tế thế giới vẫn còn trì trệ.