Kinh phí dành cho khuyến công tăng gần 70%

Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết: Năm nay, kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương của 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ là 27,4 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí dành cho khuyến công tăng 69,32% so với năm 2008, hoạt động khuyến công của các tỉnh đều tập trung vào hỗ trợ đào tạo nghề mới (chuyển đổi nghề) cho lao động của các cơ sở nông nghiệp nông thôn có nhu cầu đổi mới sản phẩm, các doanh nghiệp khó khăn phải giãn nợ, ngừng sản xuất.

Đặc biệt, nguồn kinh phí trên hỗ trợ lao động mới cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn có đơn hàng, hợp đồng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước hay cần mở rộng sản xuất và đầu tư mới.

Bên cạnh đó, kinh phí khuyến công còn hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, nhập khẩu thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ để duy trì sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, với nguồn kinh phí khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, xây dựng, đăng ký thương hiệu và các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm giải quyết các khó khăn về thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương, hiện Phú Thọ, Thái Nguyên, Điện Biên, Yên Bái và Lai Châu là những tỉnh có hoạt động khuyến công phát triển mạnh với nguồn kinh phí dành cho khuyến công trong năm nay từ 1,2 - 5,4 tỷ đồng/tỉnh.

Đến nay, mới có 7/14 tỉnh phê duyệt chương trình khuyến công địa phương đến năm 2012. Trong khi đó, do đội ngũ cán bộ của các Trung tâm khuyến công còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên vẫn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công quốc gia.