I. Phong cách làm việc khoa học.
Từ lời nói đến việc làm, chúng ta học được ở Bác Hồ một phong cách làm việc khoa học. Bác đã căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Chúng ta cần phải nghiên cứu những chỉ dẫn của Người trong phong cách làm việc khoa học để đổi mới phong cách làm việc của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng.
Người đã chỉ rõ: “Lãnh đạo đúng nghĩa là: “Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng”. “Phải tổ chức sự thi hành cho đúng” “Phải tổ chức sự kiểm tra, kiểm soát”.
1. Phải quyết định cho đúng. Bác đã chỉ rõ:
- “Muốn quyết định cho đúng, trước tiên phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng”. Người nói: “Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì cán bộ, đảng viên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn” không ăn khớp gì hết”.
Ngay từ khi Đảng mới nắm chính quyền, Bác đã lên án tội “báo cáo láo”. “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch... Thế là dối trá với Đảng... Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”. Để nắm được tình hình, Bác đã nhắc chúng ta phải lắng nghe ý kiến của Đảng viên và nhân dân. Người lãnh đạo phải bố trí thời gian làm việc để nghe với thái độ đúng đắn, để động viên khuyến khích người nói phản ánh đúng sự thật, ngăn ngừa những thái độ tiêu cực, vụ lợi của người nói.
- Muốn quyết định đúng, Bác đã dạy phải biết phân tích so sánh. Người nói: “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”.
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng.
- Bác dạy chúng ta có 2 cách lãnh đạo rất cơ bản khi thi hành các chủ trương công tác, phải gắn bó chặt chẽ với quần chúng và phải tổ chức chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm rồi mở rộng ra. Bác nói: “... bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng. Chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”.
- Phải tổng kết kinh nghiệm công tác. Bác căn dặn: mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải rút kinh nghiệm đến cội rễ, phân tích rõ ràng rồi kết luận để làm “khuôn phép” cho những công việc khác, và đó là “chìa khóa” phát triển công việc để giúp cho cán bộ tiến tới.
- Để tổ chức thực hiện, Bác rất quan tâm đến vấn đề cán bộ và cho nhiều chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận khoa học để giải quyết tốt vấn đề cán bộ. Điều quan trọng trước tiên theo Người, là phải hiểu biết đúng cán bộ. Muốn vậy, phải chí công vô tư trong việc xem xét cán bộ, không nên tự cao tự đại, ưa nịnh hót và do yêu ghét mà xem xét cán bộ. Phải thật khách quan, toàn diện, đi sâu vào bản chất con người, chống lối “duy ngã” siêu hình, cứng nhắc, chỉ nhìn bề ngoài, thiên vị cá nhân để xem xét cán bộ. Người còn dạy: phải biết sử dụng cán bộ, cũng như khi đánh giá cán bộ phải rất vô tư, phải thật sự dân chủ, tôn trọng và biết phát huy sáng kiến, phải làm cho họ có tinh thần chủ động sáng tạo trong công tác.
3. Phải tổ chức sự kiểm tra, kiểm soát.
Bác đã dạy: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm bớt đi”.
II. Phong cách làm việc thiết thực, cụ thể, làm đến nơi, đến chốn:
Bác đã kịch liệt phê phán bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh “hình thức”. Người đã vạch rõ những biểu hiện của bệnh ấy trong nhiều mặt hoạt động. Trong việc ra các chỉ thị, nghị quyết... không gắn với điều kiện thực tế, không gắn với quần chúng, với cơ sở và không có tính hiện thực, trong chỉ đạo không có kế hoạch cụ thể, không có những biện pháp hướng dẫn cụ thể, không kiểm tra, không tổng kết kinh nghiệm; khi khai hội thì làm hình thức rầm rộ, nhưng nội dung rỗng; trong tuyên truyền, huấn luyện thì nội dung cao xa, không gắn với thực tế; nói và viết không phù hợp với người nghe.
Để sửa chữa bệnh hình thức, Bác đã cho chúng ta nhiều chỉ dẫn cụ thể. Khi ra quyết định công tác, định cách tổ chức, cách làm việc phải căn cứ vào tình hình thực tế về mọi mặt. Không được chỉ ngồi trong bàn giấy, nghe người ta báo cáo rồi ra quyết định, mà phải đi sâu sát thực tế, xem tận nơi, tận chỗ...
III. Phong cách làm việc sâu sát quần chúng.
Trước hết, Bác Hồ đặt lòng tin vào quần chúng. Người nói: “Chúng ta phải biết rằng, lực lượng dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước đã cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Với niềm tin và lòng nhân ái bao la đối với quần chúng, Người thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thực sự của người cán bộ với quần chúng. Người đi vào thực tế cuộc sống của quần chúng để tìm hiểu tình hình thực tiễn ở cơ sở. Người nói chuyện với mọi lớp người bất cứ ở nơi nào, bên cạnh máy, giữa cánh đồng, từng tập thể nhỏ, từng gia đình... Bác nói không nhiều, nhưng người nghe rất chăm chú và khi nói, Bác căn dặn cụ thể, dễ hiểu, ngắn gọn những việc cần làm. Người nghiêm khắc lên án: “Tệ quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó đi, để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.
IV. Phong cách làm việc dân chủ, khiêm tốn:
Bác nhắc người cán bộ lãnh đạo: “Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến cấp dưới.
Đức tính khiêm tốn rất cần cho tất cả cán bộ đảng viên, càng rất cần cho người lãnh đạo. Với đức tính đó, người lãnh đạo mới tập hợp được trí tuệ của nhiều người và đó là nguồn gốc để đưa ra các chủ trương, quyết định chính xác. Đó cũng là cơ sở để đoàn kết, xây dựng những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, vì khiêm tốn là biểu hiện của việc tôn trọng con người, không tự cho mình là đủ mà phải học hỏi và dân chủ đối với mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng, đó là tiền đề để họ tiến bộ không ngừng.
Vì vậy, để xây dựng được mối quan hệ bình đẳng, dân chủ thật sự giữa các cán bộ, đảng viên, giữa người lãnh đạo ở bất cứ cấp nào với cán bộ, đảng viên và quần chúng, cần phải được thể chế hóa trong cơ chế tổ chức, chế độ làm việc theo đúng nguyên tắc tổ chức của Đảng và luật pháp Nhà nước. Nhưng điều quan trọng hiện nay là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở các cơ sở theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã được Chính phủ ban hành.
V. Phong cách tự phê bình và phê bình.
Bác chỉ rõ: Đảng ta gồm những người có tài, có đức, có những thành tích rất vẻ vang. Nhưng không phải tất cả mọi người đều tốt, mọi việc đều hay. Trong Đảng vẫn có những người chưa bỏ hết thói hư tật xấu. Hơn nữa, sự nghiệp cách mạng rất khó khăn. Công việc làm của cán bộ, đảng viên có lúc đúng, lúc sai. Vì vậy, Bác khuyên trong công tác, Đảng phải luôn luôn tự xét mình và xét đảng viên “Thang thuốc duy nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình”.
Người còn vạch rõ những thái độ sai đúng trong phê bình. Bọn cơ hội lợi dụng những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên để công kích Đảng, có một số cán bộ, đảng viên có thái độ bàng quang, mặc kệ, không kiên quyết đấu tranh. Người cho đó là thái độ “ươn hèn yếu ớt”. Trái lại, cũng có những người đứng trước sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên thì đao to búa lớn, muốn trừng trị ngay. Người đã nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác với bọn xu nịnh: “Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà xa cách cán bộ tốt”. Người đã chỉ rõ thái độ trong phê bình là phân biệt đúng sai rõ ràng, không bỏ qua, góp sức sửa chữa khuyết điểm và không cho nó phát triển. Khéo dùng cách tự phê bình và phê bình, để giúp đồng chí sửa chữa, đồng thời chú trọng củng cố đoàn kết, nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.
Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời về phong cách làm việc
TCCT
Phong cách Hồ Chí Minh phản ảnh phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ yêu nước và quốc tế lỗi lạc, mà thủy chung. Người đã cống hiến tất cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho lợi ích của Tổ quốc ta,