Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực cao độ của toàn thể CBCNV, cùng sự chỉ đạo kịp thời của EVN và Bộ Công nghiệp, Công ty Điện lực 1 đã làm tốt công tác đảm bảo cấp điện an toàn liên tục cho sản xuất kinh doanh của các ngành và các địa phương, đồng thời đẩy mạnh công tác kinh doanh điện ngày càng có hiệu quả, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Tỉ lệ tổn thất điện năng từ 29,5% (năm 1990) giảm xuống còn dưới 8% (năm 2003).
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, ngay từ đầu năm 2002, EVN đã giao nhiệm vụ cho Công ty Điện lực 1, chọn tỉnh Hải Dương để làm thí điểm việc phối hợp giữa ngành Điện và địa phương trong công tác xây dựng mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn. Một mặt, Công ty cùng Điện lực Hải Dương phối hợp với tỉnh tổ chức triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương. Mặt khác, Công ty chỉ đạo Điện lực của các tỉnh còn lại, mỗi nơi chọn 1 đến 2 xã để làm thí điểm, riêng Thanh Hóa chọn 5 xã. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Công ty, đến cuối năm 2002, toàn Công ty Điện lực 1 chuyển đổi được 95 HTX điện độc lập, trong đó riêng tỉnh Hải Dương chuyển được 41 HTX. Nội dung đợt thí điểm này chủ yếu tập trung xây dựng mô hình HTX điện độc lập (HTX dịch vụ điện năng), thành lập mới hoặc tách từ HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, do đó việc nhân rộng ra nhiều xã cũng gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến tiến độ chậm.
Quí 3/2003, Công ty Điện lực 1 đã họp hội đồng giám đốc và ra Nghị quyết, năm 2003 phải thực hiện bằng được công tác chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn. Để thực hiện được Nghị quyết này, Công ty đã trực tiếp làm việc với một số tỉnh có khó khăn, đồng thời ủy quyền cho các Điện lực xây dựng phương án cụ thể để thực hiện trước ở một huyện, sau đó nhân ra các huyện trong phạm vi toàn tỉnh và trực tiếp báo cáo UBND tỉnh, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp của địa phương phối hợp thực hiện bằng được. Cụ thể, Công ty đã chỉ đạo Điện lực Bắc Ninh lập phương án chọn thí điểm trước ở huyện Gia Bình và tỉnh Thái Bình làm tại huyện Kiến Xương. Kết quả, chỉ trong gần 1 tháng (7/2003), toàn bộ huyện Gia Bình và huyện Kiến Xương đã chuyển đổi xong, bắt đầu tiến hành nhân rộng ra các huyện trong toàn tỉnh. Đến ngày 8/9/2003, toàn tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành và đến ngày 19/9/2003, tỉnh Thái Bình cũng thực hiện xong. Từ kết quả ở Bắc Ninh và Thái Bình, nhiều tỉnh khác đã tổ chức đến học tập, rút kinh nghiệm, nhờ đó đến 30/9/2003, đã có thêm 4 tỉnh nữa thực hiện chuyển đổi xong là Bắc Kạn, Hưng Yên, Tuyên Quang và Hà Giang, cùng 18 huyện thuộc 7 tỉnh khác hoàn thành khối lượng chuyển đổi.
Kết thúc quí 3/2003, Công ty Điện lực 1 đã tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời tính toán giao kế hoạch cho các Điện lực và phát động phong trào thi đua, đến 31/12/2003, toàn Công ty cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn. Sang quí 4/2003, Công ty tập trung cao độ, đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt các Điện lực còn lại. Tất cả Giám đốc Điện lực các tỉnh đều được huy động tham gia, nhiều cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả cao đã được áp dụng. Trong đó, đáng tuyên dương là hai tỉnh Nghệ An và Hòa Bình. Nghệ An là tỉnh có khối lượng lớn, gần 400 xã, khi mới triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng bế tắc. Công ty Điện lực 1 đã mời Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Nghệ An đi tham quan mô hình ở Bắc Ninh và Thái Bình, sau khi về Giám đốc Sở Công nghiệp và Giám đốc Điện lực Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo, ngoài những kinh nghiệm học được ở Bắc Ninh, Thái Bình, còn có những sáng kiến áp dụng những giải pháp phù hợp, nên Nghệ An đạt kết quả mỹ mãn. Còn Hòa Bình là tỉnh thuộc vùng lòng hồ sông Đà có nhiều dân tộc ở tản mạn trên 131 xã là tỉnh cuối cùng trong tổng số 25 tỉnh thuộc Công ty Điện lực 1 quản lý bán điện triển khai công tác này. Và với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Tỉnh, đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh, đến ngày 18/12/2003, toàn bộ 131 xã của tỉnh đã chuyển đổi xong mô hình quản lý bán điện nông thôn. Tính đến hết quí I/2004, đã có 24/25 tỉnh hoàn thành toàn bộ, còn lại tỉnh Thanh Hóa có khó khăn nên mới hoàn thành được 79% khối lượng, nâng tổng số xã có mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn hợp pháp lên 4.623 xã, trong đó chủ yếu là mô hình HTX (chiếm trên 95%). Cho đến ngày 15/4 vừa qua, Thanh Hóa cũng đã thực hiện xong công tác chuyển đổi. Như vậy, Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành 100% công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn.
Trong quá trình triển khai công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, Công ty Điện lực 1 đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:
- Sự kiên quyết chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố tới các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định sự thắng lợi của công tác chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn.
- Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công nghiệp và Điện lực với các ngành có liên quan tại địa phương như Sở Tài chính – Vật giá, Liên minh các HTX… để chủ động dự thảo các hướng dẫn liên ngành trình UBND tỉnh, thành phố ban hành, làm cẩm nang cho các đơn vị thực hiện, đồng thời tham mưu trong việc chỉ đạo tiến độ thực hiện.
- Có sự chỉ đạo hiệu quả của Công ty và đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo của các Điện lực trong việc tham mưu giúp lãnh đạo các tỉnh, phối hợp nhịp nhàng với Sở Công nghiệp và các sở, ban, ngành của tỉnh, đồng thời, có sự đóng góp quan trọng về người, phương tiện và một phần kinh phí của các huyện, xã tại địa phương cho công tác tổ chức thực hiện, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ.
- Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rằng, qua việc chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn, người nông dân sẽ được trực tiếp thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước về điện mà không phải thông qua các tầng nấc trung gian như trước kia. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong tư tưởng của người sử dụng điện, của các cấp chính quyền và của các tổ chức quản lý điện nông thôn mới.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc bán điện đến các hộ nông dân thông qua một đơn vị trung gian (không phải là Nhà nước) vẫn có nhiều điều phải bàn. Tại một số nơi đã xảy ra tình trạng, HTX trung gian mua điện của Công ty với giá thấp (450 đ/kWh), nhưng bán lại cho nông dân với giá gần 700 đ/kWh (theo giá Nhà nước qui định), phần chênh lệch họ được hưởng và tự do chia nhau, không dành cho tái đầu tư. Như vậy, ngành Điện bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, nhưng phần lãi thì các trung gian được hưởng. Sẽ đến lúc đường dây hỏng, cần đầu tư thì dân lại kêu ngành Điện.
Tóm lại, mô hình quản lý điện nông thôn đã có. Song trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn khá nhiều điều bất cập đang từng bước nảy sinh, cần có thời gian để chiêm nghiệm và giải quyết.