Một vài kiến nghị xung quanh việc thực hiện

Ngày 3 tháng 12 năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 199/2004/NĐ-CP. Ban hành kèm theo Nghị định này là Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và trao đổi với nhiều chuyên gia quản lý tài chính, chúng tôi thấy Nghị định 199/2004/NĐ-CP còn có chỗ chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý doanh nghiệp khi triển khai thực hiện Nghị định, thậm chí còn có những điểm mâu thuẫn với những nghị định đã ban hành trước đây.

Xin được dẫn chứng cụ thể. Tại Khoản 2 Điều 44 của Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 quy định: Bộ Tài chính, trong thời gian chưa chuyển giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, là đại diện chủ sở hữu “Số vốn nhà nước ở Tổng Công ty nhà nước, Công ty nhà nước độc lập do bộ, ngành quyết định thành lập được cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp”.

Trong khi đó, tại Điều I Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp lại quy định: Bộ Công nghiệp “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các ngành Công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật”.

Tại Tiết d, khoản 10, Điều 2 Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: Làm đầu mối tổng hợp về tình hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; xử lý theo thẩm quyền những vấn đề về vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp theo phân cấp của Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ và quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, nếu thực hiện theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP thì lại có những điểm mâu thuẫn với những nghị định, quy định chức năng của các bộ quản lý ngành.

Hơn nữa nếu chuyển chức năng quản lý nhà nước về tài chính sang Bộ Tài chính thì vấn đề nhân sự sẽ như thế nào? Có chuyển không ? Điều này Nghị định 199/2004/NĐ-CP chưa thấy đề cập đến cũng làm cho các bộ quản lý ngành gặp khó khăn khi thực hiện.

Thực tế quản lý và điều hành nền kinh tế đã cho thấy, những vấn đề về kỹ thuật, tài chính luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Dù là Bộ Tài chính, hoặc sau này là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, là đại diện chủ sở hữu thì cũng rất khó khăn khi quyết định mọi vấn đề về chiến lược phát triển tất cả các chuyên ngành trong nền kinh tế quốc dân vì lực bất tòng tâm. Bởi vì muốn làm được điều này đòi hỏi phải có bộ máy quản lý rất lớn bao gồm rất nhiều chuyên ngành khác nhau, như vậy cơ quan này rất có thể lại trở thành một bộ tổng hợp.

Rất mong Chính phủ nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, điều chỉnh lại điều 44 Nghị định 199/2004/NĐ-CP sao cho phù hợp với Nghị định số 55/2003/NĐ-CP và Nghị định số 77/2003/NĐ-CP. Trước mắt khi chưa thành lập Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, đề nghị Chính phủ tiếp tục giao cho bộ quản lý ngành là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, mà không phải chuyển giao cho Bộ Tài chính. Làm như vậy sẽ giảm bớt thủ tục bàn giao và thực tế, bộ quản lý ngành vẫn phải chịu trách nhiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội khi có vấn đề xảy ra tại doanh nghiệp./.

  • Tags: