Ai quản lý chất lượng hoa quả?

Chưa bao giờ hoa quả được bày bán tại Hà Nội lại phong phú, đa dạng cả về chủng loại và số lượng như hiện nay. Nhiều loại hoa quả trước kia người tiêu dùng chỉ biết qua sách vở, nhưng nay đã xuất hiện

Thấy nó… không héo mà lo!

Dạo quanh các khu chợ lớn nhỏ, nhất là các dãy phố sầm uất ở Hà Nội, đâu đâu cũng thấy bày bán hoa quả. Hàng nội có, hàng ngoại cũng chẳng thiếu, thậm chí còn có vẻ lấn lướt hàng nội. Vì nhiều người Hà Nội bây giờ rất giàu có, khá giả. Giá vài chục thậm chí hơn trăm nghìn một kg hoa quả ngoại với họ cũng chẳng đáng gì. Sức tiêu dùng rất lớn và người bán cũng không dại gì bỏ qua cơ hội này. Nhiều loại hoa quả ngoại mà trước đây người ta mới chỉ nghe qua sách vở như: nho Mỹ, táo Niu-di-lân, cam úc, xoài Thái, lê nâu Hàn Quốc… thì nay đã xuất hiện đầy rẫy trên các sạp hàng, thậm chí cả trong siêu thị. Một thời gian dài, người tiêu dùng rất yên tâm khi bỏ tiền ra mua những thứ hoa quả ngoại này về dùng trong gia đình. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng phát hiện ra vụ lập lờ đánh lận nguồn gốc hoa quả ở một siêu thị có tiếng là Seiyu, và các chủ hàng ở chợ đầu mối Long Biên “công bố” phần lớn hoa quả nhập ngoại ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, thì nhiều người mới giật mình. Bởi từ lâu, nhiều người vẫn biết hàng tấn lê, táo, quýt to nhỏ của Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam đều đã bị ngâm tẩm hóa chất, để hàng tháng không héo. Và như thế không ai dám đảm bảo những thứ hoa quả được dán mác cao cấp kia không có hóa chất? Tuy nhiên, sau vụ “động trời” này, chỉ có các siêu thị là e dè với mặt hàng hoa quả, còn lại trên các tuyến phố, trong các khu chợ, lê, táo, nho, cam, xoài, bưởi.... úc, Mỹ, Thái, Newzeland, Hàn Quốc…vẫn vô tư bày bán. Chẳng biết, nguồn gốc thực sự của những mặt hàng là từ đâu, nhưng nhiều bà nội trợ hàng ngày vẫn thấy các chủ hàng hoa quả cầm hàng nắm tem ngoại, dán lên đống quả bóng bẩy, bày kín sạp.

Và sau vụ phát hiện sai phạm trên, một số người đã trở nên dè dặt với mặt hàng hoa quả ngoại. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng vẫn… tặc lưỡi mua, chẳng kém gì trước kia. Cái lý của họ đưa ra là: trong thời buổi hiện nay, kiếm đâu ra cái gì ngon mà không có hóa chất. Muốn ăn thì cứ ăn thôi, đằng nào chẳng chết, chẳng lẽ lại nhìn à ? Tuy “mạnh mồm” như thế, nhưng không phải là họ không lo. Chúng tôi từng được nghe tâm sự của nhiều người nội trợ ở Thanh Xuân, Kim Liên, chợ Đồng Xuân, Hàng Da… họ đã từng mua nhiều loại hoa quả “xịn”, nhưng lắm khi bỏ quên trên bàn thờ đến nửa tháng, thậm chí cả tháng mà không thấy hoa quả bị héo, ăn vào vẫn thấy giòn tan. Nhiều quả lê, quả táo bề ngoài vẫn tươi nguyên, căng mọng, nhưng bổ ra thì thấy chi chít những vết như kim châm. Chị Hằng, ở Thanh Xuân Bắc bức xúc bày tỏ với chúng tôi: “Mua hoa quả về, hai ba tuần không ăn đến, không để trong tủ lạnh vẫn thấy nó… không khéo mà lo. Chẳng biết nó có bị ngâm tẩm hóa chất không. Mà hóa chất gì ? Khéo ăn vào chẳng thấy béo bổ đâu, sau này chỉ thấy… ung thư thì khổ”.

Không chỉ lo lắng về chất lượng của hoa quả nhập ngoại mà người tiêu dùng hiện nay còn rất hoang mang về chất lượng của hoa quả trong nước. Nhiều người mua cam Vinh, Hà Giang về đề hàng tháng trời trong điều kiện bình thường mà vẫn thấy cam không bị héo và chuyển màu chút nào. Những người hay theo dõi, hẳn vẫn còn nhớ phóng sự “Nỗi lo cam… hãm” đăng trên báo Lao động cách đây không lâu. Bài báo cho biết, nhiều gia đình trồng cam ở Hà Giang khi thu hoạch thường ngâm hóa chất nhập lậu của Trung Quốc, để hàng thàng trời mà cam vẫn không bị héo hỏng, chờ đến khi hết vụ mới tung ra bán cho được giá… Riêng mặt hàng nhãn, chúng tôi từng được một người bán hoa quả ở chợ Kim Liên mách rõ, đâu là nhãn thật và đâu là nhãn đã được… phù phép bằng ngâm tẩy hóa chất. Nhãn cứ vàng rộm, mượt mà, trông rất đẹp, nhưng không giống với màu thật, thì đó chính là nhãn đã được ngâm tẩy… Người tiêu dùng bây giờ sướng mà cũng khổ hơn người xưa rất nhiều. Giữa một rừng thực phẩm toàn của ngon vật lạ, ăn mà không thấy ngon, thấy yên tâm. Rau thì lo nhiễm thuốc trừ sâu; tôm cua, cá ốc thì lo nhiễm nồng độ chì, asen quá mức cho phép; tim, cật, thịt thà, lo bị ướp phoóc-môn, hàn the; đến hoa quả thì lo bị ngâm tẩy, ướp chất bảo quản… Chẳng lẽ, người tiêu dùng bây giờ chỉ được và chỉ nên ăn mấy nải chuối trứng quốc, quả đu đủ ương, hay quả dứa, quả bưởi Năm Roi, Đoan Hùng…?

Ai quản lý chất lượng hoa quả?

Sau vụ phát hiện sai phạm ở siêu thị Seiyu, nhiều người tiêu dùng đã mừng thầm khi các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc, quan tâm đến chất lượng hoa quả ảnh hưởng ra sao đến sức khoẻ của người tiêu dùng? Tuy nhiên, chưa kịp mừng đã vội thất vọng, vì từ đó đến nay, chưa thấy Sở ra một thông báo nào về chất lượng của các loại hoa quả đã được kiểm tra. Những gì Sở Y tế thực hiện được chỉ là phát hiện ra việc “treo đầu dê, bán thịt chó”, nhằm móc túi người tiêu dùng, tức là làm thay công việc của bên quản lý thị trường mà thôi! Và chất lượng hoa quả được bày bán trên thị trường hiện nay ra sao, có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người tiêu dùng- điều đáng quan tâm nhất, vẫn là một câu hỏi chưa có giải đáp. Vậy thì, bao giờ người tiêu dùng sẽ có câu trả lời về vấn đề này? Họ có thể nhờ cậy cơ quan nào? Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Phạm Bá Dục, Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, cơ quan ông chỉ chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra về hoạt động thương mại như nhập lậu, trốn thuế hay hàng giả… không liên quan đến chất lượng thực phẩm. Vởy, phải chăng, phần việc này thuộc về Sở Y tế? Tuy nhiên, khi tiếp xúc với một cán bộ của Sở Y tế thì chúng tôi được biết, họ cũng không có trách nhiệm quản lý về chất lượng hoa quả. Theo cán bộ này, trong định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, không có cụm từ hoa quả. Và trách nhiệm về chất lượng hoa quả, nhất là hoa quả nhập ngoại trước hết là thuộc về bên quản lý thị trường?!

Như vậy, có thể nói, thị trường và chất lượng hoa quả đang bị thả nổi, mà không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Sức khoẻ người tiêu dùng vì thế cũng được phó thác cho lương tâm người bán hàng, đôi khi là người sản xuất. Mà không ai dám đảm bảo, lương tâm của nhóm người sau cùng này không bị chi phối bởi lợi nhuận! Thiết nghĩ, đã đến lúc, các ban ngành chức năng cần vào cuộc, phân định rõ trách nhiệm cũng như sự phối kết hợp giữa các cơ quan, nhằm quản lý chất lượng cũng như thị trường này, nhằm bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng cũng như cả cộng đồng. Điều này càng trở nên cần thiết khi thời gian qua, một số cơ quan chức năng đã lên tiếng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng, có tìm thấy dư lượng thuốc diệt cỏ trên một số mẫu cam Hà Giang, cũng như một số loại hoa quả Trung Quốc như: cam, táo, lê. Trong đó, một số mẫu đạt tiêu chuẩn cho phép, song cũng có một số mẫu vượt quá hàm lượng cho phép!./.

  • Tags: