Du xuân trên Mã Yên Sơn

Cố đô Hoa Lư là một danh lam thắng cảnh tỉnh Ninh Bình, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Từ thị xã Ninh Bình theo Quốc lộ 1A đi về hướng Bắc, đến km 12, có tấm biển đề “Di tích lịch sử Hoa Lư”, tại

Tất cả du khách đã đến thăm cố đô Hoa Lư ở Trường Yên đều không thể bỏ qua danh sơn Mã Yên, vì trên đỉnh núi có lăng vua Đinh, và ở chân núi có lăng vua Lê, là hai vị anh hùng dân tộc đã từng đóng đô ở đây.
Đứng trước đền vua Đinh Tiên Hoàng trông về phía tay phải, một ngọn núi cao chót vót, đỉnh núi hai đầu nhô cao, ở giữa võng xuống, đó chính là núi Yên Ngựa, tên chữ là Mã Yên Sơn, cao chừng hơn 200m.
Theo các nhà phong thủy, xưa kia, vua Đinh đóng đô ở Hoa Lư đã lấy núi này làm tiền án. Sau khi vua băng hà, quần thần đã rước thi hài táng trên đỉnh núi Mã Yên.
Từ chân núi lên đến lăng phải trèo qua 150 bậc đá. Các bậc đá lâu ngày đã đổ nát, cỏ dại, lau lách mọc um tùm, nhiều quãng che khuất cả lối đi. Những bậc đá này tuy đã được tu sửa nhiều lần, nhưng không theo kịp sự hủy hoại ghê gớm của thời gian và nắng mưa sương gió. Năm 1960, Nhà nước đã cho trùng tu lại đền vua Đinh và vua Lê, và các bậc đá lên lăng vua Định cũng được sửa sang lại. Tuy vậy, đường lên lăng vẫn còn khá cheo leo, gập ghềnh.
Lăng mộ được đặt ở chính giữa núi, nơi võng xuống thấp mà dân gian hình dung là cái yên ngựa. Không hiểu do chính tự thiên nhiên hay có bàn tay con người san lấp mà yên ngựa rất bằng phẳng, rộng đến vài trăm mét vuông. Lăng xây bằng đá, có một bệ thờ, trên đặt một lư hương cũng bằng đá. Trước lăng dựng một tấm bia đá có đề chữ: “Đinh triều, Tiên Hoàng đế chi lăng, Minh Mệnh nhị thập nhất niên ngũ nguyệt, sơ nhị nhật phụng sắc kiến”. Mặt sau bia cũng có đề “Hàm Nghi nguyên niên cửu nguyệt, nhị thập tứ nhật trùng tu tiên đế lăng”. Qua bia đá, người đời sau mới biết lăng được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21 và đến năm Hàm Nghi thứ nhất có trùng tu lại.
Theo Đại Việt sử ký Toàn thư thì khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, quần thần đem an táng tại Tràng An sơn lăng vào năm Kỷ Mão (979). Càng ngắm nhìn địa thế khu lăng, lòng du khách mới thán phục người xưa đã khéo chọn đỉnh núi Mã Yên làm nơi an nghỉ nghìn năm cho người anh hùng lập quốc.
Từ trên đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn bao quát toàn cảnh cố đô Hoa Lư. Phía trước Mã Yên sơn là dãy núi Rù trùng điệp như một bức tường thành bao vây lấy đền vua Đinh, vua Lê. Rặng Phi Vân sơn điệp lên nền trời như một áng mây bay. Xa xa là sông Hoàng Giang như con rồng uốn khúc. Kia là núi Kiếm trông như một thanh gươm tuốt trần. Núi Cột Cờ cao vút mà bóng cờ của nước Đại Cổ Việt như vẫn còn thấp thoáng tung bay. Dưới chân núi là ruộng đồng, đường sá kẻ thành ô ngang dọc như bàn cờ. Nhà cửa, làng mạc ẩn hiện giữa một miền nước non hoang động như thực, như mơ...
Cụ Thám Hoa Vũ Phạm Hàm ngày xưa, nhân dịp lên núi thăm lăng Tiên Đế đã có bài thơ cảm tác “Mã Yên sơn lăng” còn lưu lại đến ngày nay. Nguyên văn bằng chữ Hán và được ông Đinh Gia Thuyết dịch thơ:
Dưới sập đá rồng vàng quanh quất
Thành Hoa Lư cao ngất nghìn trùng
Khói mù mờ mịt trên không
Là nơi thị đế vẫy vùng ngày xưa
Cờ với kiếm còn trơ cây cỏ
Nền kim, ngân mấy độ tang thương
Thánh triều ân ý khác thường
Chép vào bia đá biểu dương tiền triều.
Năm 1925, ông Đông Châu đến cố đô Hoa Lư, nhân lên thăm Mã Yên sơn cũng có bài thơ cảm hoài như sau:
Yên ngựa chon von ngất đỉnh đèo
Sơn lăng dấu cũ đá cheo leo
Đìu hiu ngọn gió cờ lau phất
Văng vẳng sườn non tiếng mục reo
Nền miếu Tràng An còn vững đá
Tấm bia Tiên Đế chửa mờ rêu
Non sông Cồ Việt nào đâu đó?
Bảng lảng thành Hoa bóng ác chiều
Lên viếng lăng vua Đinh xong, du khách lần bước theo thềm bậc đá xuống dưới chân Mã Yên Sơn đi về hướng nam là đến lăng vua Lê Đại Hành, người kế tục sự nghiệp nhà Đinh lập ra nhà tiền Lê. Hai bên lăng có hai quả núi mà theo các nhà phong thủy cho là “Long chầu, hổ phục”. Lăng cũng được xây bằng đá như lăng vua Đinh. Trước lăng cũng có văn bia dựng từ đời Minh Mạng.
Hàng năm, tại làng Trường Yên - cố đô Hoa Lư - có mở hội từ ngày 15 đến 20 tháng 2 âm lịch, để tưởng nhớ đến công đức của nhị vị anh hùng dân tộc, thu hút đông đảo người hành hương từ khắp nơi về tham  dự. Và câu ca dao sau đây như nhắc nhở mọi người:
Ai là con cháu rồng tiên ?
Tháng hai mở hội Trường Yên thì về
Về thăm đất cũ Đinh, Lê
Non xanh nước biếc bốn bề như xuân.

  • Tags: