Xây dựng Đảng trong các xí nghiệp tư nhân ở Trung Quốc

Hiện nay, ở Việt Nam, vai trò của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa được phát huy tốt, hoạt động của tổ chức Đảng còn tách rời Chính quyền, chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Để tìm hiểu vấn đề

Tạp chí “Tiền duyên lý luận” số 21/2003 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài của tập thể các nhà lý luận hàng đầu của Đảng là Hạ Đức Căn, Vương Vũ Đông, Trương Trí về vấn đề xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc. Bài lý luận viết:

     Cùng với quá trình đi sâu cải cách mở cửa, kinh tế ngoài quốc doanh ở Trung Quốc phát triển nhanh, trong xã hội Trung Quốc, bắt đầu xuất hiện nhiều tầng lớp giai cấp khác nhau như chủ doanh nghiệp và nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý ở các doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể, các tổ chức trung gian môi giới… Sự thay đổi về tầng lớp giai cấp xã hội đó, ảnh hưởng to lớn đến công tác xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong tình hình mới, muốn củng cố địa vị cầm quyền, Đảng Cộng sản không những phải tiếp tục tăng cường cơ sở giai cấp của mình, mà còn phải mở rộng các tổ chức cơ sở quần chúng của Đảng. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh là lĩnh vực mới của công tác xây dựng Đảng. Từ đó xuất hiện nhiều tình hình mới và vấn đề mới. Công tác xây dựng Đảng trong lĩnh vực này đang đứng trước nhiều thách thức.

     Công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác với công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, do tư liệu sản xuất trong các doanh nghiệp đó không phải là công hữu, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp, có quyền chi phối con người, tài sản, vật chất và quyết định sản xuất kinh doanh. Vì vậy, giữa công nhân viên chức với chủ doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ phụ thuộc của người làm thuê đối với ông chủ. Theo phương thức vận hành chính trị của Trung Quốc hiện nay, địa vị “hạt nhân lãnh đạo” của Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước có cơ sở pháp lý và sự bảo đảm mang tính bắt buộc. Trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổ chức Đảng không thể kiểm soát được tài sản của doanh nghiệp, sự tồn tại của tổ chức Đảng hoàn toàn tách rời với chính quyền. Tính chất đặc thù đó buộc công tác xây dựng Đảng phải thay đổi sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế.

     Vấn đề đổi mới chế độ công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh bao gồm hai tầng nấc: Một là, tổ chức Đảng các cấp từ trung ương đến địa phương phải xây dựng kiện toàn theo chế độ quy định; Hai là, bản thân tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải tự hoàn thiện cơ chế vận hành. Tuy nhiên, dù ở tầng nấc nào, công tác xây dựng Đảng đều được thể hiện qua việc phát triển Đảng, xây dựng và phát huy vai trò tổ chức Đảng.

      Căn cứ vào sự khác biệt về lợi ích của các thành phần trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh, họ được phân chia thành 3 tầng lớp: tầng lớp chủ doanh nghiệp, tầng lớp quản lý kinh doanh (nhưng không phải ông chủ) và tầng lớp làm thuê. Vấn đề cơ bản nhất và cũng nhạy cảm nhất là vấn đề kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng.

      Trong bài phát biểu ngày 1-7-2001, khi còn là Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giang Trạch Dân đã nói: “Đảng viên xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức, quân nhân, cán bộ là bộ phận hợp thành và là lực lượng cốt cán cơ bản nhất trong đội ngũ Đảng, đồng thời cần kết nạp những phần tử ưu tú khác thừa nhận cương lĩnh và điều lệ Đảng, tự giác phấn đấu cho đường lối và cương lĩnh của Đảng, đã qua thử thách lâu dài, phù hợp với tiêu chuẩn của đảng viên. Không thể đơn giản lấy việc có hay không có tài sản, có ít hay nhiều tài sản làm tiêu chí đánh giá tiên tiến hay lạc hậu về chính trị, mà chủ yếu là cần xem xét tình hình chính trị tư tưởng và biểu hiện thực tế của họ”. Đây chính là cơ sở lý luận và chính sách để kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Trong giai đoạn hiện nay cũng chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có năng lực và tư cách để trở thành hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc. Vì vậy, chủ doanh nghiệp tư nhân muốn thực hiện mục tiêu phấn đấu của mình thì sự lựa chọn tốt nhất là đi theo Đảng Cộng sản, nỗ lực phấn đấu gia nhập Đảng. Đây cần phải là khuynh hướng chính trị cơ bản của đa số chủ doanh nghiệp tư nhân.

     Mặc dù trong số chủ doanh nghiệp tư nhân có không ít nhà doanh nghiệp có tài, nhưng về tổng thể, chất lượng không cao lắm. Theo số liệu điều tra, hơn 40% chủ doanh nghiệp tư nhân có học vấn thấp, năng lực kinh doanh cá nhân kém; 10% doanh nghiệp tư nhân không xây dựng nổi bất cứ chương trình nào bằng văn bản, chỉ làm theo lời ông chủ, mang đặc điểm gia trưởng, phong kiến rõ rệt. Điều này gây khó khăn, kìm hãm việc triển khai công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

     Trong vấn đề kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, phải thận trọng và nắm vững hai nguyên tắc:

     Một là, phải xác định cho đúng vấn đề để thu hút những phần tử ưu tú vào Đảng, phải xác định chủ doanh nghiệp như thế nào là ưu tú. Theo ông Giang Trạch Dân, phẩm chất và hành vi của chủ doanh nghiệp phải phù hợp với yêu cầu cương lĩnh và điều lệ Đảng, và phải có cống hiến cho xã hội. Sự cống hiến đó được tính từ nhiều phương diện, bao gồm tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ, uy tín cá nhân. Đối với các vấn đề đó, hiện vẫn còn thiếu thước đo.

     Hai là, phải coi trọng công tác khảo sát và hướng dẫn chuẩn mực giá trị của chủ doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ hoặc kìm hãm công tác phát triển xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh, vì vậy phải điều tra nghiên cứu và định hướng giá trị của họ, xây dựng chế độ quy định về công tác điều tra nghiên cứu. Công việc này có thể bắt đầu từ lợi ích mà chủ doanh nghiệp quan tâm, từng bước chuyển sang giám sát, đôn đốc về chính trị như kinh doanh hợp pháp, bảo đảm sự nhất trí cơ bản giữa sự phấn đấu của bản thân họ và môi trường do tổ chức Đảng tạo ra.

     Công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường gặp một số tình trạng như khó xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức Đảng khó hoạt động, không được sự đồng tình của chủ doanh nghiệp. Tình trạng này do 3 nguyên nhân: Một là, công tác tổ chức cơ sở Đảng không theo kịp tình hình mới, tư duy và phương thức công tác lạc hậu; Hai là, người làm công tác Đảng và đối tượng công tác, thậm chí bản thân doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều mang tính biến động lớn; Ba là, một số chủ doanh nghiệp không mặn mà trong việc tiếp nhận tổ chức Đảng. Muốn giải quyết khó khăn này, cần phải đổi mới phương thức công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

     Về vấn đề xây dựng tổ chức Đảng, trước hết đòi hỏi phải tìm tòi nghiên cứu phương thức xây dựng Đảng trong loại hình doanh nghiệp này, phải tiến hành công tác xây dựng Đảng căn cứ vào loại hình khác nhau, đặc điểm khác nhau của doanh nghiệp và tình hình phân bố đảng viên để quyết định, hình thức có thể đa dạng. Ví dụ, có thể do Đảng uỷ hoặc tổ chức Đảng ở ban, ngành hành chính có liên quan đưa người vào doanh nghiệp để xây dựng, hoặc để công ty xí nghiệp tổ chức xây dựng, hoặc tổ chức mang tính nghề nghiệp hay địa phương cơ sở quản lý, cũng có thể giữ lại tổ chức Đảng khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, ngoài quốc doanh.

      Sau đó, cần tìm tòi nghiên cứu mô hình quản lý có hiệu quả về công tác tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh; cần xây dựng cơ chế mang tính đa dạng hoá để công tác xây dựng Đảng từng bước đi vào cơ chế hoá. Nói chung, công tác xây dựng và công tác quản lý tổ chức Đảng là thống nhất, ai xây dựng thì người đó quản lý. Về mối quan hệ giữa ngành chủ quản với chính quyền địa phương, nói chung ngành nào ở đâu thì trực thuộc địa phương đó. Đây là nguyên tắc cơ bản để tổ chức xây dựng Đảng, thực hiện Đảng cầm quyền theo quy định mới. Đảng uỷ địa phương cần lãnh đạo toàn diện công tác tổ chức Đảng trong địa bàn của mình, cho dù tổ chức Đảng được thành lập theo ngành dọc thì cũng vẫn rất cần Đảng uỷ địa phương quản lý.

     Trong điều kiện kinh tế thị trường, vai trò hạt nhân chính trị của Đảng đối với doanh nghiệp tư nhân, bao hàm nội dung chủ yếu là tìm tòi nghiên cứu sự kết hợp tốt nhất giữa xây dựng Đảng với phát triển doanh nghiệp, trọng tâm xoay quanh vấn đề tăng cường hiệu quả làm ăn kinh tế của doanh nghiệp để xây dựng Đảng, xây dựng Đảng để thúc đẩy hiệu quả làm ăn kinh tế của doanh nghiệp, bảo đảm và giám sát đôn đốc doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hợp pháp, đoàn kết quần chúng, đưa doanh nghiệp phát triển, thực hiện các bên cùng giàu có.

      Về phương thức công tác của tổ chức Đảng: Vì đặc thù của quan hệ quyền sở hữu, quan hệ lao động và phương thức quyết sách trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nên phương thức công tác tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác với trong doanh nghiệp nhà nước. Cần phải nắm vững hai nguyên tắc: Một là, việc sắp xếp lãnh đạo tổ chức cơ sở Đảng cần phải giải phóng tư tưởng hơn nữa, việc có thích hợp hay không với công tác lãnh đạo cơ sở Đảng phụ thuộc vào năng lực giỏi, tính đảng cao, tác phong tốt, tinh thông nghiệp vụ; Hai là, phải tăng cường chức năng tổ chức cơ sở Đảng. Hiện đang có nhiều vấn đề mới liên quan đến việc phát huy chức năng tổ chức Đảng cơ sở, ví dụ như trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh sử dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao, thì cần có biện pháp mới trong công tác xây dựng Đảng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được xây dựng ở địa phương, nên đòi hỏi tổ chức Đảng phải dựa vào địa phương, tận dụng thế mạnh của tổ chức Đảng ở địa phương để mở ra lĩnh vực mới trong công tác xây dựng Đảng.

  • Tags: