Ngoài việc coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nước ta đang thực hiện những đề án phát triển các vùng kinh tế ven biển, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp-khu chế xuất, các khu kinh tế mở, phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng toàn quốc… Một trong những tư tưởng lớn mang tầm vóc chiến lược đó là Dự án Đường Hồ Chí Minh, đang được Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI xem xét.
Trên thực tế, được Quốc hội phê duyệt, từ năm 2000 đến nay Đường Hồ Chí Minh đã hình thành ở mức sơ cấp, với chiều dài trên 2.500 km, đã có nhiều đoạn nhân dân dồn ra ven đường để làm kinh tế. Tổng vốn đầu tư đã và đang thực hiện trong giai đoạn 2000-2005 dự kiến trên 17.000 tỷ đồng. Nội dung chủ yếu mà Kỳ họp Quốc hội lần này cần quyết là việc xác định tổng chiều dài (3.167 km) của con đường, với điểm đầu và điểm cuối từ Cao Bằng/Lào Cai đến Cà Mau, đi qua địa phận của 30 tỉnh, thành, nâng cấp lên 2 làn xe, để sau năm 2010 sẽ từng bước nâng cấp lên thành đường cao tốc; và phê duyệt dự toán tổng vốn đầu tư cho cả thời kỳ 2000-2010 là 33.646 tỷ đồng.
Khác với tình hình 4 năm về trước, đến nay có lẽ không còn hiện tượng phân tâm về ý nghĩa chiến lược cực kỳ lâu dài và toàn diện của con Đường huyền thoại này đối với sự phát triển đất nước. Riêng đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp và nông thôn thì việc xây dựng và hiện đại hoá Đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng
lớn, nó sẽ là tiền đề cho rất nhiều
ngành công nghiệp phát triển.
Vì vậy, chỉ còn lại 2 nội dung cơ
bản khiến các đại biểu Quốc hội tập trung bàn thảo là việc huy động đủ vốn và thực hiện đầu tư có hiệu quả. Vấn đề là, để làm mới 17% chiều dài còn lại của con đường và nâng cấp lên 2 làn xe trong giai đoạn 2006-2010 cần những 16.624 tỷ đồng. Vốn đầu tư cho một km đường lên tíi 12 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với 9,55 tỷ đồng/km ở thời kỳ trước. Vốn đầu tư và suất đầu tư lớn như vậy đã hợp lý chưa?. Chắc chắn các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến xác đáng về những vấn đề này. Còn theo ý kiến của nhiều cử tri thì, đối với một dự án quốc sự quan trọng như vậy, việc kêu gọi nhân dân đóng góp theo hình thức công trái hay trái phiếu là không khó, miễn là đồng vốn không bị tham nhũng. Mặt khác, tuỳ theo từng cung đoạn, nếu doanh nghiệp tư nhân có điều kiện nhận thầu xây dựng theo hình thức BOT thì cũng nên khuyến khích. Đó là chưa nói tới khả năng thu hút vốn ODA đối với một số cung đoạn nhất định, mà nhà tài trợ quan tâm.
Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ý quan ngại rằng, Dự án Đường Hồ Chí Minh thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư, trong khi theo kế hoạch đã định, còn cần phải hoàn thành những dự án trọng điểm quốc gia khác, như Lọc dầu Dung Quất, Khí - điện - đạm Bà Rịa -Vũng Tàu, 5 triệu ha rừng…Chia sẻ với tâm trạng quan ngại đó, nhiều cử tri cho rằng, nếu cứ “vơ tất cả cho quốc doanh làm” thì đáng lo ngại thật, mà không riêng gì những dự án lớn, ngay cả dự án nhỏ cũng chẳng bớt lo. Đơn cử một dự án nhà máy xi măng có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, đã được khởi công và cũng đang thi công ỳ ạch vì thiếu vốn, bởi vì đây là công trình liên doanh giữa các đại gia nhà nước, tức các tổng công ty nhà nước, nhưng góp không đủ vốn, nên vẫn phải nhờ Nhà nước bảo lãnh vay nước ngoài, mà vay cũng dễ đâu!
Vì vậy, nếu chỉ dựa vào vốn nhà nước (vốn ngân sách nhà nước và vốn tự có của DNNN) thì không thể làm tốt được nhiều dự án dân sự phát triển kinh tế. Đó là điều chắc chắn. Hơn nữa, ngoài dự án Đường Hồ Chí Minh, nước ta đang thực hiện nhiều tư tưởng lớn, nhiều đề án chiến lược khác như Đề án Phát triển kinh tế-xã hội Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ theo Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị. Vùng này bao gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, nơi chiếm 29,1% diện tích, 55% bờ biển và 23,5% dân số cả nước; Đề án phát triển kinh tế-xã hội 3 Vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn 2020 (theo Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm 20 tỉnh, thành phố, cả 3 vùng hiện đang đóng góp 62% GDP cả nước, sẽ tăng lên 79,5% trong năm 2010; dự án Thuỷ điện Sơn La đã được Quốc hội phê duyệt; dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp- khu chế xuất (bao gồm các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất)…Chỉ bằng ấy dự án lớn đã thấy “ngợp”, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.
Có lẽ, từ nay đến năm 2020 sẽ còn xuất hiện thêm nhiều tư tưởng mới nữa. Bởi đó là những đại lộ để thực hiện “dân giàu, nước mạnh”, để rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế của nước ta, để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là kết quả thực tế. Để hiện thực hóa những ý tưởng lớn này, cần có điều kiện cần và đủ. Trước hết cần có bộ máy chỉ đạo điều hành đủ mạnh đối với từng đề án, dự án. Nhiều chuyên gia cho rằng, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển kinh tế-xã hội 3 vùng trọng điểm bị chậm chủ yếu là do hiệu lực và hiệu quả của công tác tổ chức phối hợp chỉ đạo điều hành. Đối với mỗi tư tưởng lớn, mỗi dự án công trình cần có một vị “tư lệnh”, nếu không, mọi chậm trễ và sai phạm đều sẽ “hoà cả làng”. Thứ hai là cần giải phóng các kênh huy động vốn phù hợp. Luật Doanh nghiệp mới ra đời và phát huy hiệu quả được vài năm nay, nhưng vẫn là rất chậm so với Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ 1988. Sự khấp khểnh giữa 2 luật này, sự chậm ban hành Luật Đất đai và sự chậm chạp trong việc cổ phần hoá DNNN chính là lực cản lớn nhất trong việc giải phóng các nguồn nội lực và ngoại lực. Vì vậy, đã đến lúc cần thu hút mọi nguồn lực này vào việc triển khai thực hiện các ý tưởng lớn, các công trình thế kỷ nêu trên.
Đã gần 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhưng kinh tế và bộ mặt đất nước thay đổi mạnh nhất có lẽ mới chỉ trong vòng 8-9 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy triển vọng hết sức sáng sủa trong sự nghiệp phát triển đất nước, nếu tổ chức thực hiện tốt những ý tưởng lớn đã được Quốc hội khẳng định. Thời gian tới năm 2020 không còn nhiều, khoảng 3 kỳ Đại hội Đảng và 3 khoá Quốc hội nữa. Thời gian sẽ là người nghiệm thu, đánh giá chất lượng các công trình và cũng là người phán xử chất lượng cán bộ của mỗi thời kỳ. Đấy là điều tất cả chúng ta, những người đương thời, cần ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với thế hệ sau./.