Một thoáng với người anh hùng

Nghe tên và những thành tích làm nên anh hùng của chị đã một thời, nhưng đến hôm ấy mới gặp mặt chị trong Hội nghị tổng kết phong trào giỏi việc nước đảm việc nhà của công đoàn tỉnh Nghệ An. Chị là mộ

Chị mặc chiếc áo dài tuyết nhung đỏ thắm, phong cách giao tiếp giản dị, mộc mạc, chân tình. Dù mái tóc đã pha sương, nhưng chị vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn, ánh mắt sáng, nụ cười cởi mở, nét mặt phúc hậu, môi đỏ quết trầu. Là Giám đốc khách sạn du lịch lớn, ăn nên làm ra nhiều năm ở thời thị trường mở cửa mà vẫn răng đen, ăn trầu có lẽ cũng hiếm, tôi chưa từng nghe nói bao giờ. Mà cũng không nghe nói trường hợp hai người phụ nữ là chị em ruột, làm những công việc khác nhau, ở những miền đất rất xa nhau lại cùng được phong Anh hùng Lao động trong một ngày như chị em chị.

Chị kể: Hoàng Thị Tuất là em gái tui, làm công nhân ở Nông trường 19 - 5 Nghệ An và nhiều năm cũng phấn đấu đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Thì cũng bình thường vậy thôi. Năm 1977, cấp trên điều động cả một đội sản xuất và giao cho Tuất làm đội trưởng vào một đồn điền cà phê ở Đắc Lắc mà chủ đã bỏ chạy khi giải phóng miền Nam. Bẵng đi, chị em cũng ít có tin tức gì về nhau, chẳng biết trong nớ nó mần ăn, sinh sống ra răng. Rồi đến khi trên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam công bố danh sách anh hùng nghe thấy tên Hoàng Thị Tuất số 52, Hoàng Thị Liên số 98. Liên thì là tui rồi, mà Tuất thì cứ ngờ không biết có phải em mình không. Đến khi gặp nhau tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Hà Nội mới tin là thật. Lần ấy, Tuất đi trong đoàn miền Nam được ưu tiên ở Nhà khách Chính phủ, còn tui chỉ ở Nhà khách cấp Bộ thôi. Chị cười “nỏ mô”.

Nay Tuất đã nhiều tuổi. Các anh lãnh đạo bảo chọn người thay thế, làm Bí thư dẫn dắt bọn trẻ khi nào thấy được thì thả, thì nghỉ. Thời gian như chim bay, thoáng cái đã già. Những ngày chiến tranh tưởng như mới hôm qua, hôm kia đây thôi, khốc liệt là thế mà khi đó, tuổi trẻ, cứ thấy nhẹ như không, cứ thấy vui, thấy hăng say.

Ngày ấy, mấy chị em làm cửa hàng ăn uống ở Bến Thủy. Nơi này là huyết mạch giao thông trên đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam nên máy bay địch đánh dữ lắm, chà đi xát lại bằng mưa bom bão đạn. Bốn gian nhà tranh làm cửa hàng, rộng quá cho bộ đội cơ yếu ở nhờ một gian cho vui. Sau một trận bom, bay hết không còn biết nhà trước ở chỗ mô. Mầy mò tìm nhặt xác đồng đội, mảnh còn, mảnh mất...

Từ vài người ban đầu, mấy gian nhà lá, lưng vốn mỏng, các chị đã kinh doanh xây nên hai khu khách sạn mười hai ngàn mét vuông ở bãi biển nghỉ mát Cửa Lò, mười chín ngàn mét vuông ở Bến Thủy. Đấy là những tòa ngang, dãy dọc cao tầng mấy chục phòng khép kín, nội thất sáng choang, lịch sự. Cơ ngơi ấy bây giờ hơn chục tỷ chưa chắc đã xây dựng được. Trăm linh năm cán bộ, công nhân viên có đủ việc làm, thu nhập ổn định khoảng năm trăm ngàn mỗi người một tháng. Lúc ấy mức lương này là khá lắm.

Con người ta dù vẫy vùng dọc ngang trời đất mấy thì rồi cũng đến lúc già, hết cái thời của mình. Khi nhận quyết định về hưu, tui chưa công bố vội để đi thu hết nợ, trả hết nợ, toàn tiền tỷ cả. Sau đó mới bàn giao. Thật thanh thản, khỏi mang tiếng để nợ cho thế hệ sau, chứ thực ra nhà cửa, tài sản còn đó cũng là tiền chứ sao.

Sau khi về hưu, nghĩ mình là anh hùng, phải giữ gìn. Con cái đã yên bề, tiền lương tạm đủ ăn, lao vào bươn chải với cuộc đời sẽ có lời khen, tiếng chê. Nhưng rồi bạn bè cùng làm ăn với nhau bao nhiêu năm trước, lúc này, lúc khác hỏi han, bàn bạc, nhờ việc này, việc kia. Nhà máy thuốc lá Thăng Long Hà Nội mời làm Trưởng ban đại diện ở Vinh với mức lương sáu trăm ngàn, tiền thưởng cũng được mức như mọi người trong nhà máy và chi năm trăm ngàn để tui thuê một nơi đặt văn phòng.

Dần dần mối quan hệ mở rộng ra. Tới nay chị đã làm đại lý, đại diện cho sáu nhà máy, xí nghiệp bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá... trong Nam ngoài Bắc. Công việc làm ăn phát triển, chị thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên Hồng. Hàng tháng chị trả công những người giúp việc năm trăm ngàn. Năm vừa rồi doanh số Công ty của chị khoảng năm trăm triệu, nộp thuế cho phường ba chục triệu.

 Chị bàn với vợ chồng người con thứ đem nhà thế chấp để chị vay hộ tiền mua ô tô tải chạy hàng. Một thời gian ngắn đã trả xong nợ. Thấy vậy, các con khác cũng nhờ mẹ, viết đơn xin thế chấp nhà đất, có chữ ký của hai vợ chồng và cam đoan cho mẹ bán nhà để đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng khi cần thiết. Bằng cách đó, sáu con chị, ba con trai, ba con rể đã mua được bảy xe ô tô tải mới và nghe đâu đã trả nợ xong. Hàng hóa hai đầu đi về Bắc Nam chị lo cho xe các con chạy đều vì bạn hàng tin tưởng chị qua nhiều năm, giao cho nhau vài tỷ tiền hàng là chuyện thường. Chị nói, mình chạy đường xa phải dùng xe tốt để giữ đúng hẹn, không phải sửa vặt. Khi xe chạy sắp đến lúc phải sửa chữa, lại bán, lại mua mới, như thế mới có lợi nhiều. Đó cũng là một cách nghĩ lạ. Mới vừa rồi một chiếc xe bị va chạm, chị lập tức điều một xe khác đến chở tiếp hàng đi, rồi mỗi đứa con góp dăm triệu, được hai chục triệu để sửa xe trong một vài ngày, chạy tiếp, mọi lẽ phải trái, tính sau.

- Các con đã có nhà, có ô tô riêng, hai ông bà già ăn hết mấy mà chị làm dữ thế?

Chị cười:

-  Bây giờ thu nhập của tôi hơn khi đương chức Giám đốc doanh nghiệp nhà nước. Nhưng làm việc nó vui. Mình còn sức khỏe, còn những quyết sách ra tiền, ra việc, lại quen biết rộng sao không làm. Mình chẳng có tiền cho các con thì hướng dẫn chúng nó làm, tạo việc cho người khác làm chứ.

Đi đâu có công chuyện chị cũng có xe ô tô con, nhưng là xe riêng chị tự bỏ tiền ra mua, còn tài xế là anh con trai cả của chị.

- “Tui” dự định xin một mảnh đất ở trung tâm thành phố để mở rộng Công ty Liên Hồng và làm việc từ thiện nữa.

 Trước lúc ra về, chúng tôi có qua thăm nhà chị. Vẫn căn nhà trong dãy nhà tập thể cạnh khách sạn nơi chị nguyên là Giám đốc. Căn phòng thì nhỏ, đồ dùng thì cũng giường tủ, bàn ghế gỗ bình thường như bao cán bộ, nhân viên khác xung quanh.

Khi chúng tôi về đến Hà Nội rồi, còn nhận được quà của chị gửi theo. Chai nước mắm chị cho, vị thật là thơm và đậm. Lại nhớ tiếng cười sảng khoái của chị:

- Còn mần ăn được, còn mần tới chứ.

  • Tags: