Theo kinh nghiệm lịch sử, tăng trưởng kinh tế cao luôn gắn với thương mại quốc tế. Tăng trưởng đòi hỏi tập trung được một khối lượng tiềm lực kinh tế đủ lớn. Tiềm lực này, ở mỗi giai đoạn lịch sử, vốn có giới hạn cụ thể là giới hạn quy định phạm vi diễn ra tăng trưởng kinh tế. Hiện tượng thiếu điều kiện phát triển kinh tế một cách phổ biến ở nhiều nước, hiện tượng ảnh hưởng tiêu cực của các nước thành đạt với các nước còn lại,... chứng tỏ hiện nay, sự phát triển của lực lượng sản xuất chưa đủ sức tạo ra điều kiện mở rộng phạm vi tăng trưởng cao đồng thời dành cho nhiều nước. Do vậy, một nước đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững thì ngoài sự nỗ lực bản thân của nước đó, còn đánh dấu cả mức độ phát triển của lực lượng sản xuất mà xã hội loài người cho phép mở rộng giới hạn quy mô phát triển kinh tế. Ngược lại, ở những nước còn lạc hậu, thì không phải chỉ hạn chế về nỗ lực chủ quan của họ, mà còn vì họ phải chờ thời cơ mới do tiến trình phát triển của lực lượng sản xuất của xã hội tạo ra.
Tăng trưởng bền vững sẽ phụ thuộc vào mức độ tận dụng được nhiều hay ít các cơ hội. Trường hợp của các nước NICs Châu á là minh chứng điển hình. Trong mấy chục năm gần đây, các nước công nghiệp mới Châu á đã nắm bắt được ít nhất các cơ hội lớn như: ảnh hưởng của cuộc cách mạng KH&CN lần thứ 3; cuộc điều chỉnh cơ cấu ngành nghề mang tính quốc tế; quá trình luân chuyển vốn dư thừa trên phạm vi thế giới... Kinh nghiệm cho thấy, cơ hội xảy ra nếu không được nắm bắt thì sẽ bị bỏ qua và không quay trở lại. Mặt khác, cơ hội xuất hiện khá đa dạng, từ nhiều phía. Điều này khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các nước đang phát triển để nắm bắt cơ hội phát triển thực sự gay gắt và quyết liệt. Chiến thắng trong cuộc ganh đua chớp lấy cơ hội mở ra nhằm phát triển đất nước không phải chỉ nhờ nhận thức rõ về những cơ hội mới xuất hiện, mà điều quan trọng là độ sẵn sàng các điều kiện nội lực để nắm bắt cơ hội đó.
Các tiền đề, điều kiện cho công nghiệp hoá phải gắn liền với trình độ tiên tiến của thời đại. Trình độ mới của phát triển kinh tế và công nghệ là tiền đề tiên quyết của công nghiệp hoá trong lịch sử, mặt khác lại tô đậm thêm một số điều kiện không thể bỏ qua: Trình độ giáo dục và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Phân tích trên cho thấy, phải thận trọng với nhận định và đánh giá liên quan tới “cất cánh”, “hoá rồng”... bởi nếu không, sẽ gây nên nhiều ảo tưởng. Mặt khác, dù nền kinh tế còn lạc hậu, vẫn phải mạnh dạn tích cực chuẩn bị cho sự phát triển nhảy vọt. ở đây cần phân biệt với quan điểm của Rostow. Phát triển nhảy, vọt là tiếp cận tới những trình độ tiên tiến nhất đòi hỏi tiền đề khác hẳn “cất cánh” mà theo quan niệm của Rostow là giai đoạn thấp, còn xa mới đạt tới trình độ hiện đại của thế giới.
Tóm lại, để hướng tới mục tiêu rút ngắn khoảng cách với các nền kinh tế hàng đầu, cần chú ý tới một loạt vấn đề có quan hệ lôgíc với nhau: Tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, cạnh tranh với các nước công nghiệp phát triển, nhằm chen chân vào thị trường thế giới, nắm bắt liên tục các cơ hội mở ra, tích cực chuẩn bị điều kiện đảm bảo chiến thắng trong việc giành giật các cơ hội bên ngoài. Đó là căn cứ giúp chúng ta nhìn nhận đúng thực trạng về tình hình Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, nền kinh tế nước ta đã có tốc độ tăng trưởng cao và thu hút được nhiều chú ý, đánh giá tích cực của dư luận trong và ngoài nước. Tăng trưởng đạt được không chỉ do đổi mới cơ chế mà nhờ cả đổi mới cơ cấu; không phải chỉ do mở rộng thị trường và khai thác nguồn lực bên trong, mà nhờ cả hướng ra thế giới và thu hút nguồn lực bên ngoài. Mặc dù vậy, đổi mới cơ cấu kinh tế vẫn chưa tiếp cận sâu vào các ngành tiên tiến; hội nhập quốc tế vẫn chưa tạo ra chỗ đứng ổn định trong hệ thống phân công kinh tế quốc tế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế hiện nay do yếu tố vốn đầu tư đóng góp chiếm 57,5%, do yếu tố lao động đóng góp chiếm 20%, do yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp chiếm 22,5%. Điều đó chứng tỏ, tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu về số lượng, phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển biến về chất lượng và phát triển theo chiều sâu. Rõ ràng, bức tranh kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế. Báo cáo trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khoá XI, Thủ tướng Chính phủ đã nhận xét: Trong 4 năm qua, nền kinh tế nước ta còn chậm chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, về hiệu quả và sức cạnh tranh; hệ thống thị trường chưa phát triển đồng bộ, chưa vận hành thông suốt và có trật tự, các nguyên tắc của kinh tế thị trường chưa được quán triệt đầy đủ; hệ thống tài chính - tiền tệ chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và có mặt thiếu lành mạnh.... Có thể bổ sung vào đánh giá này một ý quan trọng là: Thiếu cơ sở đảm bảo cho tăng trưởng cao và bền vững.
Tăng trưởng kinh tế của chúng ta mấy năm qua mang lại nhiều tác dụng trên thực tế, nhưng không thể gán cho nó ý nghĩa thu ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước hàng đầu trên thế giới. Trái lại, chúng ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị các nước đi trước bỏ xa hơn. Hơn nữa, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam chính ở chỗ bỏ qua những cơ hội mở ra cho phát triển, ở sự thiếu sẵn sàng cao trong việc chuẩn bị điều kiện để cạnh tranh nắm bắt các cơ hội đó.
Cuối cùng, cũng cần cảnh giác với xu hướng quá nhiệt tình nói về kinh tế tri thức. Một mặt, chúng ta còn chưa chuẩn bị điều kiện khả dĩ sẵn sàng nắm bắt trực tiếp nhiều cơ hội phát triển mà kinh tế tri thức mở ra; mặt khác, tránh vì sa vào những vấn đề to tát kiểu kinh tế tri thức để rồi bỏ qua hoặc coi nhẹ các cơ hội rất cụ thể đang mở ra như: Quá trình tự do hoá thương mại toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại toàn cầu mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển; thế giới đang tiếp tục quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà theo đó, các nước đi trước bỏ ngỏ những lĩnh vực truyền thống để nước đi sau tiếp nhận, đặc biệt công nghệ mới cũng tạo cơ hội cho các nước đang phát triển phát triển nhảy vọt, trở thành đối tượng cạnh tranh với các nước công nghiệp phát triển. Ví dụ, công nghệ thông tin cho phép các nước đang phát triển đột phá vào công nghệ cao mà không cần đầu tư quá lớn nhờ tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực; giá lao động ở các nước công nghiệp phát triển và các nước NICs tăng nhanh, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển xuất khẩu hàng kỹ thuật thấp với giá rẻ; nguồn vốn đầu tư trên thế giới tăng lên đáng kể nhờ được bổ sung bởi nguồn dự trữ ngoại tệ lớn từ Đài Loan, Singapo, Hàn Quốc.