Sự thay đổi là tất yếu!
Thầy Hà Xuân Quang - Phó hiệu trưởng tâm sự: Trước đây, chúng ta mải lo đầu vào, lo cung cấp cho các em tất cả những kiến thức cần thiết trong 3 năm đào tạo, còn khâu luân chuyển đầu ra, phối hợp với các doanh nghiệp thì chưa có. Điều đó đã làm cho các sinh viên sau khi ra trường gặp nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường sản xuất thật sự. Gần đây, sau khi tiếp xúc lấy ý kiến của doanh nghiệp, ý kiến sinh viên và trao đổi với cán bộ lãnh đạo Bộ Công nghiệp, Nhà trường đã rút ra kết luận, thay đổi mô hình đào tạo tiên tiến là tất yếu trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn lại quá trình lịch sử, 106 năm hình thành và phát triển, trải qua bao thăng trầm của đất nước, Nhà trường đã đào tạo ra bao lớp công nhân, phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng đứng trước xu thế phát triển chung, Nhà trường không thể bằng lòng với những thành tựu đã đạt được trong quá khứ. Phải đổi mới, đó là quyết tâm của toàn thể Ban lãnh đạo Nhà trường. Trong những năm gần đây, quán triệt quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, đồng thời căn cứ vào chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo và định hướng, phát triển ngành công nghiệp, với mục tiêu phấn đấu trở thành trường đại học trong tương lai gần nhất - một trường ĐH của công nhân, có kiến thức, trình độ kỹ thuật, tay nghề cao, Nhà trường đã đi tới một quyết định táo bạo - chuyển đổi toàn bộ mô hình đào tạo trong toàn trường.
Hiện trường đang tích cực đổi mới, đa dạng hoá ngành nghề, chủ động đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao và tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Ngoài kết hợp với các trường đào tạo trong Bộ Công nghiệp và các trường CĐ, ĐH trong nước, Trường còn kết hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản), làm dự án “Tăng cường kỹ năng đào tạo công nhân kỹ thuật trường CĐCNHN”. Thông qua đó, dự án JICA đã đầu tư cho Nhà trường nhiều máy móc, thiết bị hiện đại của Nhật như: máy CNC, máy đo 3D, máy đo độ nhám SJ402, hệ thống đo lực cắt của hãng Kistle (Thuỵ Sỹ)… Bên cạnh đó, Dự án cũng giúp Trường xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại. Toàn Trường đã xây dựng hệ thống mạng kết nối Internet và xây dựng trang Web riêng để phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu và quản lý, để đảm bảo nhu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo, rèn luyện tay nghề cao cho sinh viên.
Một nhà máy trong nhà trường
Đây là câu nói đã trở thành quen thuộc của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Sau buổi cơm chiều, các sinh viên lại hối hả trở về trường để tham gia thực hành sản xuất. Không khí làm việc như trong một xưởng máy thực thụ, cũng có quản đốc - chính là các tiến sĩ, thạc sĩ của các khoa trực tiếp quản lý hướng dẫn. Vào xưởng thực hành, sinh viên phải nhanh chóng cởi bỏ vai chính của mình, để nhập ngay vai công nhân kỹ thuật của nhà máy. Các em vẫn gọi đây là giờ ca ba, giờ nhà máy. Tôi hỏi: "Liệu các em có chịu được sức ép làm việc như thế này không?" Các em cười vui vẻ và đồng thanh trả lời: "Bọn em đang là công nhân, nếu không quen phong cách làm việc này, sau khi ra trường làm sao đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị trong và ngoài nước." Còn thầy Hà Xuân Quang thì giải thích: Xếp lịch học ca 3, không phải vì nhà trường thiếu phòng thực hành và trang thiết bị, mà chủ yếu rèn cho các em thói quen làm việc như trong các nhà máy, để khi ra trường, các em không bị bỡ ngỡ, mất thời gian để thích nghi công việc. Điều này có nghĩa là, khi được tuyển vào trường, các em phải xác định luôn tư tưởng vào "lò luyện bát quái". Không chỉ lý thuyết trên lớp, mà quan trọng là phần thực hành, có sản phẩm lao động của chính mình. Nhờ vậy, các em sẽ có tác phong công nghiệp, đôi tay chính xác, khéo léo của những công nhân kỹ thuật cao, cùng với trình độ kiến thức, trình độ tư duy của một nhà khoa học. Đó chính là người công nhân trong thời đại mới, mà Nhà trường muốn hướng sinh viên của mình tới.
Nhìn bên ngoài, thì tất nhiên đây là một ngôi trường. Nhưng khi vào bên trong, nghe tiếng máy chạy, thấy không khí hối hả của sinh viên trong giờ thực hành, thấy màu xanh áo công nhân và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các em, thì người ta như lạc vào một nhà máy. Đó chính là nhịp sống mới của sinh viên trường kỹ thuật.
Thầy Quang hướng dẫn chúng tôi tham quan một vòng qua các phòng thực hành. Mỗi khoa mang một màu sắc riêng, không chỉ hiện trên màu áo của các em, mà còn trên các trang thiết bị của phòng thực hành. Ấn tượng nhất với tôi là khoa Cơ khí. Theo như báo cáo của Nhà trường, Khoa là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn cho các nhà máy, xí nghiệp và các ngành kinh tế khác. Hiện Khoa đang quản lý trên 3000 sinh viên. Đây là khoa mạnh nhất của Trường cả về số lượng cán bộ, sinh viên, lẫn quy mô vốn đầu tư, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm. Các em Khoa Cơ khí cho chúng tôi hay, khi xưa đi học chỉ có quyển vở trên tay nghe thầy nói gì chép nấy. Còn bây giờ, các em được nghiên cứu đầy đủ giáo trình, được thực hành trong “nhà máy” của trường, đi thực tập ở các nhà máy, xí nghiệp khác. Trong trường, các em được nghiên cứu lý thuyết, qua thực hành trên máy vi tính thông thạo, mới qua thực tập trên máy thật, thông qua dự án JICA - HIC. Như vậy, sinh viên Khoa Cơ khí ra trường ngày càng trở thành “của độc” trong các nhà máy. Hiện nay, số lượng thí sinh đăng ký vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội ngày càng đông. Năm 2004 và 2005, số hồ sơ đăng ký dự thi lên tới 60 nghìn, không hề thua kém một số trường Đại học có tiếng. Bởi khi ra trường, có đến 82 - 87% sinh viên nhận được việc làm ngay. Đây là những hạt giống trong vườn ươm của Trường Cao đẳng Công nghiệp để nảy nở, phát triển trong môi trường thực tế. Ngành cơ khí của đất nước đang ở vào giai đoạn phát triển cao, nhưng đội ngũ những người thợ vẫn còn ở trình độ thấp. Với mô hình đào tạo nói trên, nếu được nhân rộng, thì khoảng trống đó sẽ nhanh chóng được lấp đầy, để công nhân Việt Nam đuổi kịp công nhân các nước tiên tiến về trình độ, về phong cách CNH…