Nhận thức được vấn đề này, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, Chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư cho bảo vệ môi trường. Bình quân hàng năm, Chính phủ dành từ 1-1,3% GDP để bảo vệ môi trường. Riêng thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải, dành từ 3-4% GDP, trong đó, phần kinh phí từ ngân sách chiếm 10-20%, các doanh nghiệp đóng góp 60-70%, cộng đồng và các tổ chức xã hội: 10-20%; Đồng thời, coi trọng áp dụng "Công cụ kinh tế trong quản lý môi trường", có luật thuế môi trường, thu lệ phí, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao; ¦u tiên đầu tư vào các khu bảo tồn thiên nhiên, xây dựng quỹ môi trường địa phương. Ngoài ra, để tạo nguồn vốn cho đầu tư bảo vệ môi trường, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới, chủ yếu trong 3 lĩnh vực: Thực hiện dự án khống chế ô nhiễm, chủ yếu tập trung vào giải quyết vấn đề môi trường ở các lưu vực sông, các vùng trọng điểm và thành phố; Hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về môi trường qua kinh nghiệm của các nước; Giới thiệu các công nghệ và các quỹ hỗ trợ thông qua nhiều kênh khác nhau...
Hợp tác với các tổ chức quốc tế
Ngân hàng thế giới (WB): Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng vốn vay từ WB. Nói chung, các dự án đầu tư của WB phù hợp với chương trình bảo vệ môi trường của Trung Quốc. Giai đoạn 1996-2000, WB đã hỗ trợ cho Trung Quốc khoảng 50 triệu USD cho các lĩnh vực: chuyển giao công nghệ môi trường, xây dựng hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường trong cả nước, nghiên cứu và phát triển các mẫu kiểm tra môi trường, nghiên cứu các chính sách sản xuất sạch, các dự án thực nghiệm, giáo dục môi trường, đào tạo tài năng, quản lý môi trường ở các thị trấn và trong các doanh nghiệp, nghiên cứu sinh thái, quy hoạch mạng lưới kiểm tra sinh thái, khống chế ô nhiễm do khí thải của ô tô, xe máy, và nhiều dự án khác....Việc thực hiện các dự án của WB đã góp phần thúc đẩy bảo vệ môi trường ở Trung Quốc.
Ngân hàng phát triển châu á (ADB): Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, ADB đã quan tâm đến các dự án bảo vệ môi trường ở Trung Quốc. Năm 2000, ADB đã tài trợ cho Trung Quốc trị giá 62 triệu USD cho hỗ trợ chuyển giao công nghệ môi trường và dành ưu tiên cho vay vốn tín dụng cho các dự án bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2001-2003, ADB đã hỗ trợ Trung Quốc 2 tỷ USD vốn tín dụng để bảo vệ môi trường và 16 triệu USD cho chuyển giao công nghệ môi trường, chủ yếu ưu tiên cho các dự án chống hiện tượng sa mạc hóa và bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Quỹ hỗ trợ đa phương: Quỹ này được thành lập để hỗ trợ các nước đang phát triển, sử dụng các chất không làm phá hủy tầng ô zôn. Năm 2000, Quỹ này đã hỗ trợ Trung Quốc trị giá 323 triệu USD cho việc bảo vệ tầng ôzôn, chủ yếu ở các khu vực công nghiệp hóa chất, điều hòa không khí, thiết bị lạnh, giặt là...Đến nay, Trung Quốc đã dần dần cấm sản xuất và tiêu thụ các chất gây ra lỗ hổng tầng ô zôn. Với sự tài trợ của Quỹ hỗ trợ đa phương, Trung Quốc đã nỗ lực trong việc hủy bỏ các chất có hại cho tầng ô zôn. Các sản phẩm máy lạnh và điều hòa không khí được sản xuất tại Trung Quốc đã thâm nhập được vào thị trường của các nước đang phát triển ở châu Âu và Mỹ.
Tổ chức hỗ trợ môi trường toàn cầu (GEF): Là một tổ chức tài chính được thành lập, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển để thực hiện các vấn đề môi trường. Phần lớn các dự án được tài trợ bởi GEF cho Trung Quốc là các dự án thực hiện nhằm giảm khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính. Trong những năm gần đây, các dự án của Trung Quốc do GEF tài trợ, tập trung vào lĩnh vực bảo tồn sự đa dạng sinh học ngày càng tăng.
ủy ban châu Âu: Năm 1995, Hội đồng châu Âu đã thông qua "Chiến lược hợp tác dài hạn" giữa EU và Trung Quốc, trong đó, lĩnh vực bảo vệ môi trường được ưu tiên hàng đầu. Trong dự án bảo vệ môi trường tổng thể, EU đã tài trợ cho Trung Quốc trị giá 37 triệu euro cho việc xây dựng các văn bản pháp luật trong nước, tăng cường kỹ thuật sản xuất sạch; Tài trợ 13 triệu euro cho chương trình nghiên cứu và phát triển, xây dựng năng lực, phát triển công nghiệp...như kỹ thuật sản xuất sạch và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 14000, cũng như việc truyền bá và phổ biến thông tin.
Hợp tác với các nước thuộc
ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC)
Trong những năm gần đây, hợp tác giữa Trung Quốc với các nước thuộc DAC về môi trường ngày càng phát triển. Năm 2001, Trung Quốc đã ký 35 hiệp định, biên bản ghi nhớ, chương trình hành động và bản tuyên bố chung với 26 nước về lĩnh vực môi trường, trong đó có Nhật Bản và CHLB Đức.
Nhật Bản: Năm 1994, Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Nhật Bản đã ký: "Hiệp định hợp tác về bảo vệ môi trường, thông qua 40 dự án hợp tác về chuyển giao công nghệ và thành lập Trung tâm bảo vệ môi trường năm 1996", trong đó, Nhật Bản đã hỗ trợ trị giá 10,5 tỷ Yên và tiếp tục hỗ trợ, hợp tác kỹ thuật. Các hoạt động hợp tác kỹ thuật bao gồm, Nhật Bản cử chuyên gia sang Trung Quốc giúp đào tạo, tập huấn cán bộ, đồng thời, Trung Quốc gửi sinh viên tham gia các công trình nghiên cứu tiên tiến của Nhật Bản. Năm 1997, Nhật Bản đã thành lập chương trình bảo vệ môi trường hướng tới thế kỷ XXI với nội dung chính bao gồm, hỗ trợ miễn phí hơn 20 triệu USD để xây dựng hệ thống thông tin môi trường cho 100 thành phố của Trung Quốc và chọn 3 thành phố làm thí điểm cho hợp tác môi trường.
Về các dự án nghiên cứu: Trung Quốc có 8 dự án nghiên cứu đạt được tiến bộ đáng kể, như nghiên cứu và phát triển quá trình xử lý hệ thống tưới tiêu mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý hệ thống nước cống gồm khử nhiễm bẩn đất; nghiên cứu và đánh giá tiêu chuẩn môi trường; sự tái tạo đất trồng trọt, đánh giá việc đo nồng độ bụi và công nghệ thu hồi bụi; nghiên cứu và phân tích ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe và biện pháp ngăn chặn.
CHLB Đức: Năm 1994, Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Đức đã ký: "Hiệp định hợp tác môi trường" và đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác về lĩnh vực môi trường, gồm cải cách chính sách, chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực, khai thác nguồn năng lực mới, quản lý nước thải độc hại, xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và xóa đói giảm nghèo...Trung Quốc và CHLB Đức đã có những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng năng lực bảo vệ môi trường. Hai nước đã có 4 dự án hỗ trợ kỹ thuật được thực thi: Phát triển thực phẩm hữu cơ tại các vùng nghèo (trị giá 3 triệu Mác); Xây dựng và tư vấn năng lực bảo vệ môi trường (3 triệu Mác). Trong dự án phát triển nguồn tài nguyên sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, Trung Quốc đã hoàn thành việc đo lường và đánh giá nguồn tài nguyên này, thông qua sử dụng hệ thống đo lường tiên tiến do Đức cung cấp. Đồng thời, thiết kế và phát triển thành công hệ thống cung cấp năng lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng khác nhau. Hệ thống cung cấp năng lượng này đã được lắp đặt thành công tại 16 làng mạc của Trung Quốc và có hơn 100 hộ chăn nuôi gia súc đã lắp đặt hệ thống năng lượng và hệ thống cung cấp gió (ánh sáng).
Tóm lại, trong những năm qua, việc mở rộng hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường là việc làm tối quan trọng đối với các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc. Việc tăng cường hợp tác này đã cung cấp cho Trung Quốc vốn, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại, giúp Trung Quốc ngăn ngừa ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, duy trì sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.