Một kỹ sư giàu tính sáng tạo

Sau một hồi say sưa kể về công việc thường ngày của những Kiểm định viên phòng KCS (Kiểm định đo lường) - Công ty Điện lực Hà Nội, quay sang chúng tôi, anh dè dặt: “Xin hỏi thật, các bạn định viết thế

Về Phân xưởng Điện tử – Nhà máy Điện thông Hà Nội ngay sau khi ra quân (1981), anh bộ đội thông tin Vũ Văn Bách mang theo mình hành trang duy nhất là niềm say mê điện tử. Vừa làm, vừa học hàm thụ Đại học Bách khoa, Khoa Vô tuyến điện, với thâm niên 10 năm trong nghề, những tưởng đã mãn nguyện vì tìm được “đất” để “dụng võ”, song cơ chế thị trường với sự “tấn công” ồ ạt của hàng điện tử nước ngoài đã đẩy chàng kỹ sư vô tuyến điện chân chỉ, chất phác vào cảnh “thất nghiệp” khi những sản phẩm điện tử nội địa bị xếp xó, nhường ngôi cho hàng ngoại nhập. Cực chẳng đã, anh xin chuyển sang ngành Điện với hy vọng sẽ tìm được một chỗ phù hợp với mình. Năm 1991, sau một khoá đào tạo ngắn hạn, anh được Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường cấp bằng Kiểm định viên và bắt đầu “gia nhập” đội kiểm định của Công ty Điện lực Hà Nội - một đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng Nhà nước uỷ quyền kiểm định ban đầu, định kỳ và bất thường các thiết bị đo lường điện như: công tơ điện 1 pha, 3 pha các loại; máy biến dòng (Ti). Đã đến lúc những mơ ước của một thời trai trẻ cũng phải nhường chỗ cho cuộc mưu sinh. Không mất nhiều thời gian, anh nhanh chóng tìm cho mình cách làm quen với công việc mới, hoàn toàn khác với chuyên môn được đào tạo. Cùng với sự dìu dắt của đồng nghiệp, lòng nhiệt tình hăng hái, không ngại khó, ngại khổ và những nỗ lực học hỏi của bản thân đã giúp anh tìm được sự hứng khởi trong công việc. Dần dần anh đã đảm nhận những nhiệm vụ mang tính chuyên môn cao như: hiệu chỉnh toàn bộ số công tơ mẫu cho Xưởng Công tơ; sửa chữa các thiết bị kiểm định (băng thử); tìm và phát hiện các thủ đoạn ăn cắp điện tinh vi trong công tơ; tiếp nhận và sử dụng những băng thử mới hiện đại, có thao tác phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn xác cao... Hằng tháng, anh thường xuyên đạt 115 - 120% định mức với chất lượng tốt.

Có thể nói, cơ chế thị trường với tính hai mặt của nó đã đẩy Vũ Văn Bách ra khỏi con đường đã chọn, song chính nó cũng giúp anh tìm lại được đúng con đường ấy, để rồi trở lại với những đam mê trong công việc của mình - điều mà anh tưởng chừng khó có thể lặp lại ở cái tuổi còn khoẻ nhưng không còn trẻ này. Cuối năm 1999, ngành Điện bắt đầu nhập các loại công tơ điện tử của Anh và Pháp với nhiều tính năng ưu việt như: đo được nhiều biểu giá trong ngày, đo theo mùa, có thể truyền dẫn số liệu từ xa... Đầu năm 2001, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Phòng KCS bắt đầu được giao kiểm định các loại công tơ điện tử 1 pha, 3 pha, 3 giá. Đây là một khó khăn lớn đối với các kiểm định viên do chưa kịp tiếp cận với kỹ thuật hiện đại của loại công tơ này, cũng như các thiết bị điều khiển điện tử đắt tiền nhập từ nước ngoài, nhưng lại chính là cơ hội để chàng kỹ sư vô tuyến điện có chuyên môn về điện tử duy nhất trong đơn vị được “trổ tài”. Sau gần 10 năm chuyển nghề, đã đến lúc anh quay lại “văn ôn, võ luyện” để không chỉ tìm cách kết hợp giữa chuyên môn cũ và mới, bắt kịp với kỹ thuật tiên tiến mà còn bồi huấn chuyên môn cho anh em. Vào thời điểm đó, người ít, việc nhiều, yêu cầu công việc đòi hỏi cao và trách nhiệm cũng rất nặng nề, trong khi nhiều vấn đề kỹ thuật chưa giải quyết được như: chương trình phần mềm cho công tơ GEC bị hỏng không có khả năng mua mới, công tơ hỏng tồn đọng nhiều... Thử thách chồng chất khó khăn, song niềm hạnh phúc khi được quay trở lại với nghề mình yêu thích đã trở thành động lực giúp anh vượt qua tất cả. ở cương vị Tổ trưởng tổ Công tơ điện tử, đồng thời là Phó bí thư Chi bộ Phòng, anh đã vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu và cùng anh em trong tổ từng bước nắm bắt, làm chủ công nghệ một cách vững chắc, đưa công tác quản lý công tơ điện tử vào nền nếp, giải quyết mọi vướng mắc trong khâu kỹ thuật, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành vượt mức kế hoạch của đơn vị. Năm 2002, KCS đã kiểm định: 141.168 công tơ kho và lưới qui đổi (đạt 112,92% kế hoạch, tăng 38,5% so với năm 2001); 1.400 công tơ điện tử 3 pha 3 giá; 2.136 bộ máy biến dòng; lập biên bản kiểm tra điện cho 208 công tơ 1 pha và 120 công tơ 3 pha. Chất lượng kiểm định ở mức cao với tỉ lệ bảo hành là 0,013% (phần lớn do các khâu ngoài kiểm định). Ngoài ra, đơn vị cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao thêm ngoài kế hoạch như: nâng cấp 1 băng kiểm SU6800 từ 6 lên 14 công tơ/lượt; tiếp nhận và đưa vào vận hành thiết bị mới MTE 10.10; hợp đồng kiểm Teromet và Mêgômmét cho các đơn vị trong Công ty; kiểm cài đặt 90 công tơ điện tử 1 pha và 1424 công tơ điện tử 3 pha. Năm 2002, đơn vị có 5 sáng kiến cấp tiểu ban và Công ty với giá trị làm lợi hơn 120 triệu đồng, được thưởng 1,6 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2003, sản lượng kiểm định của Phòng đã đạt 101,64% kế hoạch với tỉ lệ bảo hành giảm đáng kể xuống còn 0,0097%; kiểm định, cài đặt, cấp phát 545 công tơ điện tử 3 giá; phục vụ tốt chương trình đọc, ghi chỉ số từ xa,... Riêng tổ Công tơ điện tử do anh điều hành, năm 2002 đã cài đặt 1.516 công tơ 3 pha (gấp 8 lần so với năm 2001); kiểm định 108 chiếc 1 pha cho đo xa, lắp 100 Modul, Modem cho các đơn vị thực hiện dự án DSM.       

Để có được những kết quả trên là công sức của cả một tập thể, song nếu thiếu những cá nhân như Vũ Văn Bách thì quả thật khó có thể làm nên thành công. Tính từ năm 1999 đến năm 2002, chỉ riêng anh đã đóng góp 8 sáng kiến cải tiến hợp lý hóa được công nhận như: Thiết kế đèn báo tự động khi có đấu tắt cuộn dòng; sửa chữa màn hiển thị (đặc chủng) của băng thử ETALOGY 1002; cải tiến cách Install phần mềm PYE900 giải quyết hiện tượng máy tính bị treo; thay thế Triac BT 138 cho bo mạch Optotrac trong mạch điều khiển dòng điện của băng thử PYC900; cải tiến cổng nối tiếp trên máy tính 486 cũ thay thế cho Noterbook điều khiển băng thử PYC900 hỏng; xử lý CPU băng thử SU 6800 không thực hiện được bước kiểm sai số; khôi phục 60 công tơ điện tử bị hỏng; thay thế phần mềm công tơ điện tử ABB cho công tơ GEC bị hỏng... Tổng giá trị làm lợi hơn 100 triệu đồng, tiết kiệm hàng trăm giờ công lao động và được Giám đốc Công ty trực tiếp gửi thư, tặng quà khen thưởng. Bằng những thành tích trên, anh được Tổng Công ty Điện lực VN tặng Bằng khen năm 1999 và 2000, được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 4 năm liền (1999-2002). Chiếm được sự tin cậy và tín nhiệm của tập thể, hiện Vũ Văn Bách đang được đề nghị công nhận Chiến sĩ thi đua cấp Bộ và xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Với sự cần mẫn và nỗ lực không ngừng, anh chủ động nghiên cứu và phát hiện, tự tìm cho mình một bí quyết riêng để không chỉ làm tốt công việc “đơn điệu”, căng thẳng và dễ sai sót của một Kiểm định viên mà còn tăng thêm nguồn cảm hứng sáng tạo trong công việc.

Đúng như cái vẻ giản dị bề ngoài, con người và tính cách của anh cũng hết sức bình dị và khiêm tốn. Khi được hỏi: Nếu được phép làm một điều gì đó tốt hơn cho công việc của mình, điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì? Vẫn với nụ cười rất đỗi hiền lành, nhưng vẻ ngại ngần dường như đã bị che khuất sau bản chất cương trực và thật thà của một người lính: Tôi chẳng có hoài bão gì to tát, chỉ muốn làm trọn vẹn trọng trách của mình và đóng góp nhiều sáng kiến để công việc ngày càng tốt hơn...

  • Tags: