Kết quả đạt được
Trong những năm gần đây, sản phẩm dệt may đã dần được đa dạng hoá với các mặt hàng được sản xuất bằng công nghệ cao như hàng xơ sợi tổng hợp của Công ty Formosa Industrial (Đồng Nai), các mặt hàng sợi CLC xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thiên Nam (Bình Dương), sợi lõi co dãn của Công ty Tainan Spinning (Đồng Nai)... các loại vải thun 4 chiều và đa chức năng của Tổng Công ty Dệt - May Hà Nội, Công ty Lan Trần, Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công TPHCM... Sản phẩm Corel xuất khẩu sang châu Âu của Công ty Scavi, nhóm sản phẩm cao cấp của các tổng Công ty May Việt Tiến, May 10, Công ty Cổ phần Sài Gòn 2...
Mặc dù đã có thế đứng nhất định, nhưng hàng may mặc trong nước vẫn chưa đẩy lùi được hàng ngoại nhập. Tỷ lệ hàng Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường hàng may sẵn của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu thời trang của các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Italia, Anh, Pháp, Thái Lan... và gần đây là sự xuất hiện ồ ạt của thời trang Hàn Quốc. Tính đến tháng 10 - 2008, có trên 140 thương hiệu thời trang nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam.
Do mẫu mã, thiết kế vẫn còn đơn điệu, chưa tạo được dấu ấn riêng, độc đáo, nên thời trang, đặc biệt là cho giới trẻ không sánh được với hàng Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tổng công ty May Việt Tiến đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng 5 thương hiệu: Việt Tiến, T- up, San Sciaro, Manhattan, Vee Sendy cho thị trường nội địa, nhưng doanh thu cũng chỉ chiếm 25%. Tại các trung tâm thương mại như Zen Plaza, Diamond Plaza, Parkson cos towis… 65% hàng thời trang mang nhãn hiệu ngoài nước. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tiêu thụ trên thị trường nội địa mới chiếm 30% doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, còn lại xuất khẩu chiếm tới 70%.
Thực tiễn và những vấn đề đặt ra
Trở thành thành viên của WTO, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tăng lên. Tuy nhiên, để có thể phát huy được ưu thế này, ngành Dệt may Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Thực tiễn cho thấy, để có thể xuất được số hàng dệt may trị giá 7,75 tỉ USD, Việt Nam phải chi tới 5,2-5,3 tỷ USD để nhập nguyên phụ liệu sản xuất. Như vậy, giá trị mà ngành Dệt may tạo ra để thực hưởng vẫn quá khiêm tốn, chỉ khoảng 25-30% kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng chính là tồn tại mà ngành này vẫn chưa xóa được đặc thù của mình là gia công. Phần nhiều các sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường như EU, Hoa Kỳ được tiến hành qua một trung gian thứ ba là các đối tác như Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... Với vai trò là những nhà thầu phụ (sub- suppliers), các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc của Việt Nam cung cấp hàng hóa theo các hợp đồng ký kết với những đối tác này và giao hàng thẳng cho các nhà bán lẻ của Hoa Kỳ và EU hoặc cũng có thể giao trực tiếp cho những đối tác này. Vì vậy, hình thức xuất khẩu này làm cho việc xuất khẩu hàng may mặc của các doanh nghiệp may Việt Nam trở nên thụ động, phụ thuộc vào nước thứ ba, dẫn đến giá trị xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế.
Thời trang hoá sẽ tạo ra thương hiệu cho dệt may Việt Nam. Đây cũng là xu hướng của dệt may thế giới. Các nhà sản xuất phải hướng vào thị hiếu và phân khúc thị trường của mình, đưa yếu tố thiết kế và thời trang của chính người Việt Nam vào từng sản phẩm quần áo. Như vậy rất cần có sự “bắt tay chặt chẽ giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất ”.
Người Việt Nam chi 18% tổng chi tiêu để mua sắm thời trang, với 60% dân số trẻ, nên Việt Nam là thị trường tiềm năng phát triển kinh doanh may mặc thời trang. Dự báo năm 2010, tiêu dùng thời trang trong nước sẽ đạt khoảng 6 tỉ USD, tăng từ 18%-20%. Hội thảo “Thúc đẩy kinh doanh dệt may, thời trang nội địa” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatex) cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức cũng vừa công bố kết quả thăm dò tiêu dùng các sản phẩm dệt may, thời trang được thực hiện tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 10-2008. Kết quả cho thấy, sau lương thực - thực phẩm, thời trang là sản phẩm mà người tiêu dùng chi từ 150.000 đồng - 500.000 đồng/tháng để mua sắm, chiếm 18% tổng chi tiêu hằng tháng. Độ tuổi từ 20 – 25, mua quần áo nhiều nhất với 4 6,4%, tiếp đến là độ tuổi từ 26 - 35 với 23,8%; 70% người tiêu dùng mua sắm thời trang hằng tháng hoặc từ 2 - 3 tháng/lần và hình thức khuyến mãi được ưa chuộng nhất là giảm giá với 73,1% so với hình thức tặng phiếu mua hàng (16%) và tặng quà (10,9%).
“Việt Nam đã có nền công nghiệp thời trang, nhưng chỉ mới ở dạng sơ khai, dù thực tế đó đã được xúc tiến, đầu tư cách nay hơn 1 thập kỷ và đang phải củng cố lại nền móng”. Công nghệ thời trang là chuỗi liên kết 5 yếu tố: thương hiệu - nguyên vật liệu - thiết kế - sản xuất - phân phối. Tuy nhiên, rất hiếm những DN chú trọng phát triển đồng đều cả 5 yếu tố trên. Thiết kế ít nhiều được chú trọng, sản xuất dựa theo công nghệ hiện đại trong việc sản xuất xuất khẩu; còn nguyên vật liệu, bán hàng, xây dựng thương hiệu vẫn là điểm yếu của các DN dệt may. Nếu được đầu tư thêm cho thiết kế, thương hiệu, thì lợi nhuận dự tính sẽ tăng lên 50%, thay vì chỉ là 20% như hiện nay - theo đánh giá của một số chuyên gia.
Ngành thời trang Việt Nam hiện vẫn còn khoảng cách lớn với ngành thời trang thế giới. Khâu tạo mẫu bao gồm thiết kế mẫu vải, tạo dáng sản phẩm của Việt Nam còn yếu kém, đơn điệu và chậm thay đổi, chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường. Mặc dù hiện nay đã có một số nhà sản xuất của Việt Nam cố gắng xây dựng và đưa thương hiệu của mình vào sản phẩm xuất khẩu như May Phương Đông xuất khẩu sản phẩm F-house, May Việt Tiến xuất khẩu Vee-sendy, Công ty thời trang Việt Nam đã xuất khẩu Nino Maxx, Công ty Scavi đã xuất khẩu sản phẩm Corel... nhưng hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng mới đang chỉ ở giai đoạn thăm dò thị trường. Các doanh nghiệp trong Ngành hiện đang phải đối diện với 3 vấn đề nan giải: kinh tế Mỹ đang suy thoái; giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng hơn 20%; lương công nhân phải tăng so với hiện nay (ít nhất 10%).
Giải pháp cho thời gian tới
Mức độ xâm nhập vào Việt Nam của các thương hiệu hàng may mặc nước ngoài, đặc biệt từ nhóm thương hiệu của các công ty đa quốc gia, nhóm thương hiệu mạnh của các nước Đông Nam Á khác và nhóm thương hiệu của các công ty Trung Quốc sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh quốc tế trên thị trường nội địa. Bên cạnh sức ép rất lớn từ các thương hiệu nước ngoài như vậy, nhiều thương hiệu Việt Nam còn phải đương đầu với tình trạng hàng lậu, hàng gỉa và hàng nhái.
Các nhà quản lý, nghiên cứu đều cho rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu của ngành Dệt may Việt Nam sẽ còn gặp phải khá nhiều khó khăn. Tỷ lệ 20 - 25% trong chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm mà chúng ta có được chủ yếu là nhờ gia công, phần tự xuất FOB rất nhỏ. Cũng cần kể đến một vấn đề là ngành Dệt may Việt Nam đang có xu hướng nhấn mạnh nhiều đến thương hiệu sản phẩm hơn là thương hiệu doanh nghiệp...
Nhìn chung, các doanh nghiệp may thường sử dụng một nhãn chung cho tất cả các sản phẩm trên tất cả các thị trường trong và ngoài nước. Trừ một số rất ít doanh nghiệp đã sử dụng chiến lược nhiều thương hiệu cho các sản phẩm của mình (ví dụ các công ty May 10, Việt Tiến… đưa ra nhiều thương hiệu cho các sản phẩm may mặc của mình, giúp khách hàng phân định được chất lượng của từng loại sản phẩm may mặc). Con đường xây dựng và phát triển thương hiệu hiện tại chủ yếu là kế thừa lịch sử tên gọi công ty và thường dựa vào cách đơn giản hóa hoặc cách gọi tắt theo tiếng Anh để tạo biểu tượng cho công ty/sản phẩm.
Một số công ty may của Việt Nam khó giữ được nguyên bản thương hiệu cả công ty khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ như VIEX, GARCO 10, TC TEX, Phong Phú TEXCO. Thương hiệu của các công ty này đã bị các công ty khác đăng ký sở hữu với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ, theo luật pháp của quốc gia này, các công ty này vẫn chậm chạp trong việc làm giấy khai sinh cho các thương hiệu của mình. Đặc biệt, phát triển về công nghiệp thời trang dệt may của Việt Nam hầu như bị “bỏ ngỏ”, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, vì thế khó có thể hội nhập sâu vào thế giới. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để biến ngành công nghiệp thời trang dệt may từ “định hướng” sản xuất đơn giản sang thời trang hội nhập sâu thế giới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng thừa nhận: “Cái tồn tại, điểm yếu của thời trang Việt Nam là mới chỉ có thiết kế ra một số sản phẩm quần áo tiêu thụ trên thị trường nội địa, còn tính định hướng cho người tiêu dùng sẽ phải sử dụng chất liệu vải gì, thời trang gì trong tương lai thì còn bất cập. Thời trang Việt Nam luôn đi sau phần lớn các nước trong khu vực, chưa nói là các nước trên thế giới”. Hiệp hội Dệt may có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị thương hiệu, hiệp hội có thể xem xét ưu tiên phát triển bộ máy tư vấn bên cạnh hoặc bên trong hiệp hội, thiết lập các cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường chuyên ngành để cung ứng cho các hội viên, bao gồm các thông tin về: Quy mô thị trường, cấu trúc thị trường (các phân mảng). Các chuẩn giá trị tiêu dùng của xã hội qua các giai đoạn phát triển. Sức mua, lối sống, ý thích và thị hiếu của từng nhóm người tiêu dùng khác nhau. - Nhận định của khách hàng về các thương hiệu đang cạnh tranh với nhau qua các lợi ích hay các cảm nhận có ý nghĩa đối với họ.
Đây là các thông tin cần được thu thập, xử lý và kiểm chứng trong lâu dài, hết sức tốn kém và nằm ngoài khả năng tự thực hiện của mỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng hết sức có ý nghĩa để giúp các doanh nghiệp hoạch định chiến lược thương hiệu cũng như đáp ứng cao hơn các nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Trong bối cảnh thương hiệu Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp nhằm xây dựng một hình ảnh chung cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam và quảng bá hình ảnh chung đó một cách mạnh mẽ trên thị trường quốc tế là một cách làm có thể tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả cao hơn so với việc xây dựng chỗ đứng trên thị trường cho từng thương hiệu nhỏ lẻ. Để tận dụng được các cơ hội khi gia nhập WTO, trước mắt, ngành Dệt may Việt Nam cần tập trung giải quyết các vấn đề sau: Tăng cường quá trình phát triển 2 trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu tại Hà Nội và TP. HCM; Đẩy mạnh hoạt động thiết kế, xây dựng thương hiệu và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cùng với việc xây dựng hình ảnh ngành Dệt may Việt Nam với “Chất lượng - Thời trang - Thân thiện Môi trường”; Thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho toàn Ngành (cấp cao, kỹ thuật, thợ lành nghề, các nhân viên marketing, nhân viên bán hàng, các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp ...; Hoàn thiện hệ thống thông tin chiến lược toàn Ngành.