P.V: Với tư cách là Phó chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Việt Nam, phụ trách công tác An toàn - Bảo hộ lao động (AT-BHLĐ), ông có nhận xét gì về công tác bảo đảm an toàn lao động cho công nhân ngành Công nghiệp thời gian qua?
Ông Nguyễn Ngọc Chiến: Phải khẳng định rằng, trong những năm gần đây, công tác AT-BHLĐ trong ngành Công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. ở các tổng công ty, công ty và các đơn vị cơ sở, đều đã thành lập Hội đồng bảo hộ lao động do Phó giám đốc kỹ thuật làm chủ tịch, chủ tịch Công đoàn làm phó chủ tịch Hội đồng. Hệ thống tổ chức quản lý công tác AT-BHLĐ từ Bộ Công nghiệp đến các Tổng công ty, công ty và xí nghiệp, cơ sở trong toàn Ngành Công nghiệp đã được kiện toàn theo hướng chuyên môn hoá cao, gọn nhẹ và hiệu quả. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác an toàn lao động, nên ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động về công tác này đã được nâng lên một bước, thay đổi hẳn tư duy lỗi thời trước đây ở các đơn vị sản xuất, là những người yếu chuyên môn thì chuyển sang làm công tác an toàn. Bây giờ, khi chọn những người làm công tác an toàn, đặc biệt là những cán bộ quản lý (trưởng, phó phòng ban an toàn), các cơ sở sản xuất trong ngành đều phải tuân thủ tiêu chí, người đó phải giỏi chuyên môn và có sức khoẻ tốt. Tôi lấy ví dụ như ở Tổng Công ty Than Việt Nam, tiêu chuẩn đầu tiên của người ứng cử vào chức vụ Phó giám đốc Kỹ thuật mỏ phải là người đã kinh qua chức vụ Trưởng phòng kỹ thuật an toàn mỏ.
Bên cạnh công tác kiện toàn hệ thống tổ chức, tuyên truyền đổi mới tư duy trong công tác an toàn, các đơn vị sản xuất trong ngành cũng chú trọng hoàn thiện mạng lưới an toàn viên cấp cơ sở, có quy định rõ ràng trách nhiệm và quyền lợi của đội ngũ an toàn viên.
Tuy nhiên, trong công tác AT- BHLĐ, ngành Công nghiệp cũng còn một số tồn tại cần tháo gỡ, đó là: Các doanh nghiệp trong ngành có công nghệ khác nhau, có những loại thiết bị lạc hậu, chưa được đầu tư thay thế. ở nhiều cơ sở, môi trường lao động chưa đảm bảo an toàn, tiềm ẩn những nguy cơ về sự cố thiết bị và tai nạn lao động. Trình độ tay nghề của công nhân tuy đã được nâng lên, nhưng nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Việc quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, có nơi làm chưa nghiêm túc, những vẫn chưa có chế tài xử phạt. Việc kiểm tra phát hiện bệnh nghề nghiệp ở nhiều nơi còn chưa thực hiện kịp thời.
P.V: Xin ông cho biết vai trò của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn ngành trong công tác AT-BHLĐ.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác AT-BHLĐ, nên ngay từ khi thành lập, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã tham gia xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức về an toàn từ Bộ Công nghiệp xuống các cơ sở.
Khi Nhà nước ban hành Bộ Luật Lao động (sửa đổi), cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lao động, Công đoàn Ngành đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt để họ nắm bắt được nội dung của Bộ luật, đặc biệt là những phần quan trọng, quy định về công tác AT-BHLĐ và các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Hàng năm, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã phát động nhiều đợt thi đua lao động sản xuất trong toàn Ngành với mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Cán bộ đoàn viên Công đoàn các cấp còn tham gia biên soạn, góp ý, bổ sung các văn bản pháp quy, quy trình quy phạm an toàn về vận hành thiết bị, về an toàn lao động, hoàn thiện nhiều quy trình, quy phạm về kỹ thuật AT-BHLĐ tại các doanh nghiệp.
Công đoàn Công nghiệp Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác an toàn cho cán bộ, công nhân chuyên trách về AT-BHLĐ, bổ túc kiến thức về an toàn cho mạng lưới an toàn viên tại các cơ sở.
Công đoàn cũng thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý sức khoẻ và bệnh nghề nghiệp của lao động.
Hàng năm, Bộ Công nghiệp và Công đoàn CNVN đều thành lập Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN để đôn đốc chỉ đạo các tổng công ty, các cơ sở trong toàn Ngành hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về AT-VSLĐ-PCCN do Chính phủ phát động.
ở những ngành lao động nặng nhọc, độc hại như ngành Than, ngành Thép, Xây dựng Công nghiệp, Hoá chất... Công đoàn Công nghiệp Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn các tổng công ty tổ chức nhiều phong trào thi đua, đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, tổ chức các cuộc thi bổ ích giúp người lao động có ý thức hơn trong vấn đề an toàn lao động và tự biết bảo vệ mình. Điển hình là cuộc thi tìm hiểu về BHLĐ, thi sáng tác các tiểu phẩm có nội dung về an toàn, ký giao ước thi đua giữa các đơn vị trong Ngành, không để xảy ra tai nạn lao động, tổ chức kiểm tra chéo về an toàn... Những giải pháp này đã có tác dụng thiết thực làm giảm tai nạn lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong công tác an toàn.
P.V: Ông có những kiến nghị gì với Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn cho người lao động trong ngành Công nghiệp?
Ông Nguyễn Ngọc Chiến: Những năm qua, ngành Công nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động về công tác An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ. Vì vậy đã hạn chế được TNLĐ xảy ra trong ngành.
Tuy nhiên, để công tác an toàn lao động trong ngành Công nghiệp thực sự có hiệu quả, chúng tôi kiến nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sửa đổi bổ sung và sớm ban hành Thông tư số 10 TT/TLĐ (sửa đổi), điều chỉnh lại chế độ bồi dưỡng cho người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại vì quy định trước đây không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
- Nhà nước sớm ban hành bổ sung danh mục các bệnh nghề nghiệp mới phát sinh như: bụi bông (trong Dệt-May), tê tay (do sử dụng máy đầm rung) trong xây dựng và khai thác khoáng sản.
- Bổ sung nghề sửa chữa, tháo lắp ô tô tải trọng lớn vào danh mục nghề lao động nặng nhọc, độc hại.
- Nhà nước cũng sớm nghiên cứu ban hành quy định cụ thể về chế độ phụ cấp cho mạng lưới an toàn viên - vệ sinh viên trong các doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện mức phụ cấp cho ATV-VSV rất tuỳ tiện, tuỳ theo khả năng của các đơn vị.