Tham dự Hội nghị có đại diện của UBND, sở Công nghiệp, một số Ban ngành liên quan của các tỉnh trong Vùng, các vụ chức năng và một số Tổng công ty thuộc Bộ Công nghiệp.
Trong 3 năm qua, các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn ngành Công nghiệp. Có được thành tích đó là do các tỉnh trong Vùng đã có nhận thức tốt về CNH, tăng cường sự chỉ đạo điều hành quản lý nhà nước từ cấp Bộ đến các sở Công nghiệp, huy động và khai thác tốt hơn các nguồn lực nội sinh, tiếp nhận có hiệu quả hơn nguồn lực nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, Đ/c Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, công nghiệp vùng Đông Nam bộ phải thể hiện được vai trò cực kỳ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm, với vị trí trung tâm là Tp. Hồ Chí Minh- đầu tầu công nghiệp của Vùng và cả nước. Muốn vậy, các tỉnh trong Vùng cần tiếp tục chuyển dịch mạnh công nghiệp theo hướng chú trọng đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao, có giá trị tăng thêm lớn và phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp truyền thống, để đạt mục tiêu đi trước cả nước về kinh tế.
Đồng chí Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một số giải pháp cần tập trung đẩy mạnh trong năm 2004 và các năm tiếp theo, đó là:
- Các sở Công nghiệp cần tham mưu đề xuất định hướng phát triển công nghiệp cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Tích cực đẩy mạnh các mối liên kết chặt chẽ trong Vùng và tăng cường các mối liên kết với các tỉnh ngoài Vùng; làm tốt công tác cổ phần hoá DNNN ngành Công nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển các nguồn lực xã hội khác, thu hút có hiệu quả nguồn FDI, kết hợp chuyển dịch cơ cấu ngành, chú trọng tầm nhìn 2020.
- Sử dụng có hiệu qủa nguồn vốn từ ngân sách, phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm thêm các nguồn vốn hỗ trợ cho công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Đồng chí Bộ trưởng cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi và giải đáp một số vướng mắc của các đơn vị về các lĩnh vực: Công tác quy hoạch ngành ở các địa phương; Phát triển công nghiệp chế biến theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ; Các vấn đề về hoạt động KHCN; Về phát triển ngành cơ khí; Về quản lý điện năng…Kể cả một số vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nuước và phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Cục Công nghiệp địa phương được Đ/c Bộ trưởng giao nhiệm vụ phối hợp với các sở Công nghiệp nghiên cứu hoàn thiện hơn về nội dung và nâng cao hơn hiệu quả của các hội nghị vùng, đặc biệt chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến sự liên kết, điều tiết hoạt động công nghiệp trong Vùng và với các vùng lân cận; Đồng thời tập hợp, thụ lý các kiến nghị của các điạ phương để trình Bộ xem xét giải quyết.