Đổi mới cơ chế quản lý và phân cấp quản lý để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Giai đoạn mới được đánh dấu bằng sự kiện chuyển đổi Công ty Apatít Việt Nam thành mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước, theo Quyết định số 116/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công ty có t

 

.

Mục tiêu chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên là nhằm chống lại sự bao cấp, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác để mở rộng quyền hạn, đề cao tính tự chủ, xác lập mối quan hệ tự chịu trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đảm bảo vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân, lấy sinh lợi trên vốn làm một trong những mục tiêu chủ yếu để đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp.

ý nghĩa của việc chuyển đổi sang mô hình mới này có tính quy luật tất yếu để phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước trong xu thế chủ động hội nhập nền kinh tế khu vực và quốc tế. Việc chuyển đổi còn thể hiện quyết tâm rất cao của Công ty Apatít nói riêng và cộng đồng các doanh nghiệp nhà nước nói chung, đang đẩy mạnh cổ phần hóa theo Nghị định số 63/2001/NĐ-CP của Chính phủ.

Để mô hình công ty TNHH nhà nước một thành viên hoạt động có hiệu quả, tôi đề xuất 3 vấn đề “bức xúc” mang tính định hướng trong đổi mới quản lý và phân cấp quản lý như sau:

Một là, về tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý:

Giai đoạn trước mắt, Công ty nên thực hiện quản lý 2 cấp, cấp công ty và cấp đơn vị thành viên. Thực hiện sửa đổi phân cấp quản lý 2 cấp là nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý toàn Công ty. Hướng 1 cấp (cấp Công ty) sẽ áp dụng với đơn vị có mối quan hệ trong công nghệ sản xuất và có tính phối hợp cao trong quá trình sản xuất như (Xí nghiệp Khai thác, Xí nghiệp Vận tải, Xí nghiệp Bốc xúc...); Hướng 2 cấp (cấp đơn vị thành viên) áp dụng với các đơn vị có tính độc lập trong công nghệ như: (vận tải, đường sắt). Trên cơ sở áp dụng mô hình quản lý 2 cấp, dần dần chuyển sang mô hình quản lý một cấp để có thể thực hiện sau vài năm nữa.

Về bộ máy quản lý, cần sắp xếp bộ máy quản lý từ Công ty đến các đơn vị thành viên sao cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo hướng thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu lực điều hành và hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, Công ty cần nghiên cứu và lập phương án cổ phần hóa một số đơn vị thành viên và một số đội, phân xưởng khi đủ điều kiện, nhằm thực hiện đa sở hữu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động thêm nguồn vốn kinh doanh của Công ty, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Hai là, về quản lý lao động và tiền lương:

Hiện nay, lao động hiện có của Công ty Apatít Việt Nam là 3.410 người. Nhìn lại thời gian qua, năng suất lao động bình quân của Công ty chưa cao, thời gian lao động có sản phẩm của công nhân trực tiếp sản xuất bình quân chỉ đạt trên dưới 5 giờ/ca. Còn lao động gián tiếp ở các phòng ban vẫn chiếm tỷ lệ cao, có tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng lao động.

Xét về cơ chế phân phối tiền lương, tiền thưởng thì Công ty đã có nhiều thay đổi, song tính bình quân vẫn khá phổ biến, cơ sở xây dựng đơn giá tiền lương cũng như bố trí sử dụng lao động chưa khoa học, có tác động trực tiếp đến tính công bằng trong phân phối. Vậy, để khai thác tiềm năng lao động, lấy phân phối thu nhập làm động lực thúc đẩy sản xuất, cần đổi mới quản lý lao động tiền lương theo 3 nội dung:

1. Soát xét lại định mức lao động, định mức năng suất thiết bị.

2. Tiến hành định biên lại lao động, trên cơ sở bố trí sử dụng lao động một cách khoa học, đảm bảo tăng thời gian lao động có sản phẩm với công nhân trực tiếp, tăng hiệu quả quản lý của lao động gián tiếp, triệt để chống lãng phí thời gian lao động ngay trong định biên.

3. Xác định cấp bậc công việc, tiêu chuẩn viên chức, có xem xét đến tiêu hao sức lao động, điều kiện của môi trường lao động sát với yêu cầu thực tế.

Từ 3 nội dung trên lấy làm cơ sở để xây dựng đơn giá tiền lương cho từng loại sản phẩm và công việc cụ thể: Khi đã xác định đơn giá tiền lương một cách hợp lý, Công ty cần thực hiện giao đơn giá và quỹ lương cho các đơn vị và phân phối thu nhập bổ sung. Hàng năm, Công ty căn cứ vào quỹ lương sản phẩm thực hiện để làm căn cứ phân phối, tránh bình quân theo lao động thực tế, khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động một cách tiết kiệm, tăng thu nhập cho CNVC;

Công ty hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường nên số lao động cũng sẽ biến động thường xuyên theo nhu cầu sản xuất kinh doanh. Mặt khác, nhu cầu việc làm của con em CNVC và nhân dân trong khu vực là rất lớn, nên cần có phương án sử dụng lao động, đổi mới cơ chế quản lý lao động, phải thực hiện các hình thức hợp đồng lao động thích hợp như: hợp đồng không thời hạn, hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng thời vụ... theo Luật Lao động. Vấn đề này cần phải giáo dục tuyên truyền cho CNVC hiểu, để có nhận thức đúng đắn, nhằm chia sẻ với Công ty trước áp lực lao động khi chuyển sang mô hình công ty TNHH.

Ba là, công tác kế hoạch và thực hiện đổi mới cơ chế khoán.

Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty luôn gắn với thị trường, hay nói cách khác là từ nhu cầu thị trường mà quyết định nhiệm vụ SXKD. Do vậy, việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị thành viên trong Công ty phải đổi mới theo hướng: Công ty giao nhiệm vụ hàng kỳ cho các đơn vị trên cơ sở yêu cầu thị trường. Nếu nhu cầu có thay đổi thì phải linh hoạt điều chỉnh nhiệm vụ. Ngoài nhiệm vụ Công ty giao, các đơn vị được mở rộng quyền hạn, tạo điều kiện về tính pháp lý cho các đơn vị chủ động xâm nhập thị trường, thực hiện sản xuất thêm sản phẩm, cung cấp dịch vụ khi thị trường có yêu cầu, các đơn vị phải chịu trách nhiệm về các mặt được Công ty phân cấp. Như vậy, cơ chế điều hành kế hoạch cần năng động để có điều kiện tìm thêm việc làm, thêm thu nhập, tăng giá trị sản lượng và doanh thu toàn Công ty. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, hiện tại và vài năm tới đây, Công ty sẽ áp dụng mạnh mẽ cơ chế khoán và xem đó là động lực kinh tế, theo hướng:

- Mạnh dạn thực hiện các chuyên đề, nội dung khoán mới theo hướng tạo điều kiện cho đối tượng nhận khoán phát huy tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ sử dụng đòn bẩy kinh tế, lấy lợi ích kinh tế làm động lực.

- Khuyến khích các đơn vị chủ động áp dụng cơ chế khoán theo định hướng của Công ty.

- Trong thực hiện cơ chế khoán, phải đáp ứng được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty, cũng như giảm chi phí sản xuất của các đơn vị thành viên, nâng cao ý thức của người lao động, coi trọng giữ gìn thiết bị. Đặc biệt là chú trọng nâng cao tỷ lệ huy động thiết bị, tăng năng suất thiết bị, năng suất lao động, thực hiện sự phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Công ty theo chức năng, nhiệm vụ và sự điều hành của Công ty. Nghiên cứu áp dụng hợp đồng trách nhiệm, gắn với lợi ích kinh tế giữa các đơn vị thành viên. Tôn trọng và thực hiện tốt quy định quản lý kỹ thuật, kinh tế... chống tư tưởng cục bộ, cá nhân, chống khoán trắng và buông lỏng quản lý.

Với truyền thống của giai cấp công nhân mỏ, với kinh nghiệm và năng lực thực tiễn quản lý sản xuất kinh doanh của cán bộ CNVC Công ty, với tinh thần đoàn kết thống nhất, chắc chắn công tác đổi mới quản lý của Công ty sẽ thu được kết quả.
  • Tags: