Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân

Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân từ rất sớm. Năm 1994, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu và chuẩn bị cho phát triển điện hạt

 Kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở nước ta đã được Bộ Chính trị kết luận tại văn bản số 21-KL/TW, ngày 25 tháng 2 năm 2008 với việc xây dựng hai nhà máy gồm 4 tổ máy có công suất 4000 MW tại tỉnh Ninh Thuận.

 Để thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình và nhất là chương trình phát triển điện hạt nhân thì nguồn nhân lực là một yếu tố rất quan trọng và cần phải được quan tâm đi trước một bước.

 Sự thành công của Chương trình dài hạn phát triển điện hạt nhân và Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đáp ứng đầy đủ số lượng, chất lượng chuyên môn và sự phối hợp chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia về điện hạt nhân, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề.

 Nguồn nhân lực cần thiết cho chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn bao gồm các loại nguồn nhân lực sau:

 - Nguồn nhân lực thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân;

 - Nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, triển khai R&D và hỗ trợ kỹ thuật;

 - Nguồn nhân lực cho các cơ quan quan lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân;

 - Nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo về hạt nhân.

 Nhu cầu nguồn nhân lực cho chương trình dài hạn phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đã được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu và xây dựng kế hoạch đào tạo trên cơ sở các tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và gợi ý của chuyên gia Nhật Bản.

 Với kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại 2 vị trí gồm 4 tổ máy (công suất 4000 MW) và cùng một loại công nghệ thì nhu cầu nguồn nhân lực nòng cốt cho các hoạt động của chương trình điện hạt nhân sẽ là: 120 người cho cơ quan pháp quy; 180 chuyên gia R&D và hỗ trợ kỹ thuật và 800 người cho dự án nhà máy điên hạt nhân, tổng cộng nhu cầu khoảng 1.100 người. Nếu theo phương án, hai nhà máy với hai công nghệ khác nhau, thì số chuyên gia cho cơ quan pháp quy sẽ tăng thêm 30 người, số chuyên gia R&D và hỗ trợ kỹ thuật sẽ tăng thêm 45 người, đồng thời nhu cầu nhân lực tổng số sẽ là 1.175 người.

 Với nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cho chương trình phát triển điện hạt nhân đã được phê duyệt, trong khi hiện tại, lực lượng này không có nhiều, thì việc xây dựng các kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực là một nhiệm vụ rất cấp bách.

 Do vậy, đồng thời với việc xây dựng báo cáo đầu tư nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, trình Chính phủ từ cuối năm 2006.

 Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các hoạt động R&D, hỗ trợ kỹ thuật và cho cơ quan quản lý, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã hoàn thành bản kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hạt nhân. Trong những năm qua, Viện đã tích cực và chủ động trong các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân. Cụ thể là, đã đào tạo bậc tiến sĩ 5 chuyên ngành liên quan đến hạt nhân; hợp tác với các bộ môn về vật lý hạt nhân tại 4 trường đại học trong nước trong công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành; điều phối các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương và song phương và các tổ chức quốc tế về đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân; tổ chức các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao kiến thức về hạt nhân cho cán bộ các cơ quan liên quan trong chương trình phát triển điện hạt nhân; tổ chức các khóa huấn luyện về an toàn bức xạ và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, Viện đã xác định được nhu cầu cấp thiết của việc hình thành một Trung tâm đào tạo chuyên ngành hạt nhân.

 Trong Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hạt nhân chung của quốc gia. Đề án này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2008 và trình Chính phủ phê duyệt. Theo đề án này, phải thiết lập một chương trình đào tạo ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ nòng cốt cho chương trình điện hạt nhân tại các nước có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển. Đội ngũ chuyên gia này sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình dài hạn phát triển nguồn nhân lực hạt nhân cho đất nước.

 Để thực hiện thành công chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, thì phải có sự tập trung đầu tư của Nhà nước và tăng cường hợp tác quốc tế. Trước mắt, phải quy hoạch và tăng cường năng lực cho các bộ môn đào tạo chuyên ngành hạt nhân ở các trường đại học để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực hạt nhân. Trung tâm đào tạo hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần được xác định là Trung tâm đào tạo hạt nhân tiên tiến cấp quốc gia, chịu trách nhiệm quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm cao cho chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn. Trung tâm đào tạo hạt nhân có đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo, trước hết phải có được cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ giảng viên có trình độ và kinh nghiệm. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, cần phải tranh thủ sự hợp tác quốc tế và sử dụng hiệu quả các dự án viện trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời phải có sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài trong việc đào tạo cán bộ trẻ về công nghệ và an toàn điện hạt nhân tại Trung tâm đào tạo hạt nhân.

 Công nghiệp điện hạt nhân có sự khác biệt quan trọng so với các ngành công nghiệp khác ở chỗ, các tai nạn hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến không chỉ riêng một nước. Một quốc gia muốn nhập khẩu nhà máy điện hạt nhân theo phương thức chìa khoá trao tay, buộc phải chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng, quốc gia này đã chuẩn bị được một hạ tầng cơ sở cần thiết, đủ đảm bảo chương trình điện hạt nhân của họ có thể triển khai tuyệt đối an toàn. Nhân tố quan trọng hàng đầu trong cơ sở hạ tầng điện hạt nhân là nguồn nhân lực, trong đó quan trọng bậc nhất là các chuyên gia về công nghệ hạt nhân. Vì vậy, trên cơ sở chính sách phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ phê duyệt, cần được phê duyệt ngay và thực hiện càng sớm càng tốt chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân.

 Để thực hiện được nhiệm vụ đào tạo rất nặng nề này, ngoài việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyên gia điện hạt nhân, cần có những biện pháp tích cực để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo trong nước về điện hạt nhân.  Trong số các biện pháp ấy, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo đại học và xây dựng một Trung tâm Đào tạo chuyên ngành hạt nhân cấp Quốc gia là đặc biệt quan trọng. Và biện pháp có tính chất quyết định để thu hút nhân lực giỏi cho Chương trình điện hạt nhân là Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng trong đào tạo, sử dụng và đãi ngộ các chuyên gia của lĩnh vực này.

 Chương trình dài hạn phát triển điện hạt nhân là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, nhất là đối với một nước mới bắt đầu như nước ta, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực lớn về số lượng và yêu cầu cao về trình độ và kinh nghiệm. Do vậy, phải có nguồn đầu tư lớn và sự quyết tâm, nỗ lực của Nhà nước, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đầu ngành hạt nhân ở nước ta.

  • Tags: