Quan hệ kinh tế Việt nam – Apec

Vài nét về APEC Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu á - Thái Bình Dương (tiếng Anh: Asia - Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) là tổ chức quốc tế của các quốc gia nằm trong khu vực châu á - Thá

APEC có diện tích 62.620,1 nghìn km2; dân số: 2.647,6 triệu người; mật độ dân số 42,3 người/km2; GDP đạt 23.008 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 8.739 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 4.038,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 1.533,9 USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 4.446,4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2004 đạt 3.641,8 tỷ USD; tổng dự trữ ngoại tệ đạt 2.347,3 tỷ USD...

Quan hệ Việt Nam - APEC

Việt Nam đã nộp đơn gia nhập APEC tháng 6/1996 và được kết nạp năm 1998. Tuy mới có 8 năm, nhưng quan hệ giữa APEC và Việt Nam đã có bước phát triển khá ấn tượng về các lĩnh vực: Kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch... Mới tham gia trong thời gian ngắn, nhưng quan hệ giữa APEC và Việt Nam đã có bước phát triển đạt quy mô tương đối cao. Năm 2006 được coi là năm APEC của Việt Nam, với nhiều hội nghị quan trọng, là thời cơ để Việt Nam nâng tầm quan hệ lên mức cao hơn nữa.

Từ năm 1988 đến hết tháng 9/2006, đầu tư trực tiếp (FDI) của các thành viên APEC vào Việt Nam có 6.527 dự án, với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung lên đến 49391,5 triệu USD, chiếm 83,1% về tổng số dự án và chiếm 69,2% về tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tương ứng. Trong 14 nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (trên 1 tỷ USD) thì APEC đã có 10 nước. Chỉ với 10 nước và vùng lãnh thổ trên, lượng vốn đầu tư đăng ký đạt 47273,3 triệu USD, chiếm 95,7% APEC và chiếm 66,2% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

APEC có lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam so với các khu vực khác; trong đó Nhật Bản là nước có số vốn cam kết và giải ngân lớn nhất trong tất cả các nước và các tổ chức trên thế giới. Nguồn vốn này đã góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội và cân đối ngân sách của Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam vào các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC cũng khá lớn và tăng khá qua các năm. Năm 2005, xuất khẩu của Việt Nam vào APEC đã chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước trên thế giới. Trong 7 nước nhập khẩu lớn nhất (trên 1 tỷ USD) của Việt Nam, thì APEC đã có 5 nước đứng hàng từ thứ nhất đến thứ năm bao gồm: Mỹ: 5.930,5 triệu USD; Nhật Bản: 4.411,2 triệu USD; Trung Quốc: 2.961 triệu USD; úc: 2.570,2 triệu USD; Xingapo: 1808,5 triệu USD. Chỉ với 5 nước này đã đạt 17.681 triệu USD, chiếm 76,1% APEC và chiếm 54,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhập khẩu của Việt Nam từ APEC cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất so với tổng số: năm 1995 đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 79,6%; năm 2000 đạt 13 tỷ USD, chiếm 81,3%; năm 2002 đạt 15,8 tỷ USD, chiếm 80%; năm 2003 đạt 20,1 tỷ USD, chiếm 79,4%; năm 2004 đạt 25,7 tỷ USD chiếm 83,8%; năm 2005 đạt 29,9 tỷ USD, chiếm 80,7%. Trong tổng số các mặt hàng mà Việt Nam nhập từ khu vực này thì hàng thô, sơ chế chiếm khoảng 20,9%, hàng đã qua chế biến chiếm 78,9%, trong đó máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 31%. Cả 8 đối tác lớn mà Việt Nam nhập khẩu trên 1 tỷ USD đều là thành viên APEC. Trung Quốc: 5.778,9 triệu USD; Xingapo: 4.597,6 triệu USD; Đài Loan: 4.329 triệu USD; Nhật Bản 4.093 triệu USD; Hàn Quốc 3.600,5 triệu USD; Thái Lan: 2.393,2 triệu USD; Malaixia: 1.258,6 triệu USD; Hồng Công 1.235,8 triệu USD. Chỉ với 8 thị trường này đã đạt 27.286,6 triệu USD, chiếm 91,3% APEC và chiếm 73,8% tổng số.

Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trong đó 8 năm trở lại đây là thành viên của APEC, Việt Nam đã có những thay đổi lớn, kinh tế liên tục đạt tốc độ bình quân 7%/năm, riêng năm 2005 - 2006 đạt trên 8%/năm, tình hình chính trị - xã hội ổn định. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và nền kinh tế có hơn 8.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 76 quốc gia và nền kinh tế với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 70 tỷ USD. APEC có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, chiếm trên 70% thị trường xuất khẩu của Việt Nam và trên 73% đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam là từ  các thành viên APEC.

Năm 2006 được coi là năm APEC của Việt Nam, với nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng, là thời cơ để Việt Nam nâng tầm quan hệ lên tầm cao hơn nữa. Đặc biệt, Diễn đàn Đầu tư APEC 2006 được tổ chức tháng 11 năm 2006 tại Hà Nội vừa qua, với sự tham gia của hơn 600 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC và các nhà đầu tư. Đây là nơi trao đổi kinh nghiệm về thu hút và sử dụng đầu tư có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài, khả năng, phương hướng cũng như biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ kinh tế đầu tư giữa các nền kinh tế APEC, thảo luận về cơ hội đầu tư kinh doanh, quảng bá hình ảnh về môi trường chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của các thành viên APEC. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Là khu vực kinh tế năng động với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm  40% dân số, 56% GDP và 48% tổng kim ngạch thương mại thế giới, APEC có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế toàn cầu. Trong 17 năm qua, kể từ ngày thành lập, với các hoạt động tích cực và có hiệu quả của mình, APEC đã có những đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy phát triển các nền kinh tế thành viên thông qua việc tạo thêm cơ hội xúc tiến đầu tư và thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.

Thông qua Diễn đàn này, các thành viên APEC, trong đó có Việt Nam có thêm thuận lợi và cơ hội trong việc hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường, khu vực đầu tư mạnh hơn, đem lại sự phồn vinh cho mỗi nền kinh tế cũng như toàn thể APEC trên cơ sở đồng thuận, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng khẳng định, Diễn đàn này là cơ hội quý giá để các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư có điều kiện trao đổi kinh nghiệm về thu hút đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên APEC.  Những nhân tố đó cùng với sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên của nền kinh tế APEC sẽ mở ra cơ hội cho hợp tác kinh tế đầu tư và thương mại trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nền kinh tế APEC.

Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của các nhà đầu tư từ các nền kinh tế APEC và mong muốn các nhà đầu tư thành công tại Việt Nam. Thế mạnh của các nhà đầu tư từ các nền kinh tế APEC về công nghệ, tài chính, về mạng lưới thị trường quốc tế sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho cả đôi bên. Việt Nam sẽ hoàn thiện hơn nữa về môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động tại Việt Nam.
  • Tags: