Gốm cổ Chu Đậu in đậm sắc thái người Việt

Nhắc đến Hải Dương, hầu như người ta chỉ nói đến vải thiều Thanh Hà, sứ Hải Dương, chứ rất ít người biết Hải Dương còn có một đặc sản gốm sứ nổi tiếng khác nữa, đó chính là gốm Chu Đậu. Vùng đất Hải D

 

Chu Đậu là một làng nhỏ ven sông Hồng thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Thanh cách thành phố Hải Dương 6 km về phía Đông Bắc. Qua nhiều lần khai quật ở Chu Đậu cộng thêm những hiện vật thu được trên những con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm (Việt Nam) và vùng biển Panadan (Philipin), các nhà khoa học trong và ngoài nước đã xác định gốm Chu Đậu đã xuất hiện phát triển từ XIV, tiếp tục phồn thịnh ở thế kỷ XV, XVI và lụi tàn vào thế kỷ XVII. Gốm Chu Đậu do cụ tổ là bà Bùi Thị Hý cùng chồng là ông Đặng Sĩ phát triển từ thế kỷ XIV. Thời ấy, làng nghề gốm Chu Đậu chuyên sản xuất các loại gốm men cao cấp, gồm các loại bát, đĩa, chén, bình, âu, liễn, chậu, bình vôi, lư hương,... có hình dáng thanh thoát kế thừa của thời Lý, chắc khoẻ của thời Trần, với chất liệu men ngọc, men trắng trong, xanh lục, xanh vàng rêu, rêu vàng, vàng nhạt, vàng đậm, hoa nâu, hoa lam. Gốm men ngọc có hình vẽ hoa sen khắc chìm tiêu biểu cho thời Lý. Men trắng ngà hay men vàng điểm trang trí hoa nâu được gọi là gốm Chicolat của thời Trần. Mầu vẽ dưới men chủ yếu là ôxít coban phủ ngoài men tro và ngọc chảy đọng, hiện lên là hoa văn khắc chìm, nổi, nối tiếp đặc trưng của phong cách thời Lý. Gốm Chu Đậu đã đạt đến độ mỏng như giấy, trong như ngọc và kêu như chuông. Dưới lớp men đặc biệt ấy là những hình vẽ hoa lá, cỏ cây, mái nhà, chim, thú, tôm cá..., được vẽ một cách phóng khoáng và điêu luyện, thể hiện một nghệ thuật làm gốm đã được chắt lọc và đạt tới đỉnh cao của gốm sứ thời Hậu Lê. Gốm Chu Đậu toát lên vẻ đẹp dung dị của người Việt Nam, tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước thời bấy giờ. Trong đó, sản phẩm tiêu biểu là bình hoa lam và bình tỳ bà được gọi là bình cha và bình mẹ, tượng trưng cho tín ngưỡng âm dương - trời đất - vợ chồng. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà là bình mẹ, biểu trưng của đất, tính âm. Bình hoa lam là bình cha, là trời đất, là vũ trụ, thể hiện cho tính dương. Gốm Chu Đậu được coi là gốm đạo, gốm bác học, in đậm giá trị văn hoá phật giáo, đạo giáo, đạo nhà, đạo nho của người Việt Nam. Những nghệ nhân của làng gốm cổ Chu Đậu đã thổi vào hòn đất Hải Dương một hồn Việt in đậm bản sắc Việt, tạo nên một sắc thái văn hóa đạt đến đỉnh cao, làm cho thế giới khâm phục đến tận bây giờ. Điển hình là chiếc bình gốm tráng men trắng hoa lam dáng “củ tỏi” cao 54cm, trang trí hoa sen, cúc dây do cụ tổ gốm Chu Đậu Bùi thị Hý vẽ vào năm 1450, đang lưu giữ tại viện bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ hiện được mua bảo hiểm hàng triệu USD. Đến nay, nhiều hiện vật Gốm Chu Đậu cổ đang được lưu giữ tại các bảo tàng trong nước và hơn 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới. Điều đó chứng tỏ, không phải tự nhiên mà nhà máy sản xuất gốm sứ to nhất miền Bắc lại được đặt tại Hải Dương.

Nhận thấy, đây là một loại gốm cổ có giá trị nghệ thuật và văn hoá rất đặc sắc, nên Công ty Haprosimex Sài Gòn đã quyết định thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu từ năm 2002, nhằm khôi phục lại một sản phẩm gốm vang tiếng một thời đã bị thất truyền từ hơn 300 năm về trước. Xí nghiệp được đặt ngay tại trung tâm gốm Chu Đậu xưa. Xí nghiệp đã mời những chuyên gia, các họa sĩ hàng đầu trong nước tham gia nghiên cứu, phục chế men, tạo hình và đào tạo tay nghề cho công nhân. Đến nay, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu đã phục chế thành công nhiều mặt hàng như: Bình tỳ bà, chân đền lư hương, bình hoa nậm rượu. Không chỉ dừng lại ở việc phục chế các mẫu gốm cổ, Xí nghiệp còn tiếp tục thiết kế, tạo dáng các sản phẩm mới mang dáng dấp hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của xã hội hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét tinh hoa của gốm cổ Chu Đậu xưa.

Hiện nay, sản phẩm Gốm Chu Đậu đã có mặt tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Với những cố gắng không ngừng của lãnh đạo Công ty Haprosimex Sài Gòn và Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, thương hiệu gốm Chu Đậu đã chính thức trở lại thị trường thế giới.

  • Tags: