PV. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì các Hiệp hội ngành nghề hiện nay, nhìn chung hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Thế nhưng, với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, tuy ra đời chưa lâu, nhưng ngày càng có nhiều hội viên tham gia, đặc biệt có cả các hội viên là các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó chứng tỏ, hoạt động của Hiệp hội đã mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực. Vậy ông có thể cho biết điều gì đã làm nên sự thành công đó?
PGS. TS Nguyễn Văn Việt: Trong những năm vừa qua, ngành RBNGKVN đã được đầu tư và phát triển thành một ngành công nghiệp giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân về thu nộp ngân sách cho Nhà nước (trên 4000 tỷ mỗi năm), đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, đẩy lùi hàng nhập ngoại tràn lan, giải quyết trên 20.000 lao động có việc làm và thúc đẩy một số ngành kinh tế khác phát triển. Sự phát triển vượt bậc của ngành là tiền đề cho việc thúc đẩy các hoạt động của Hiệp hội Rượu Bia Nước giải khát Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhờ có sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội đã và đang thực hiện được nhiều công việc hữu ích, chẳng hạn như công tác thông tin, công tác xúc tiến thương mại và một số công tác tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp...
Quyết định 58/QĐ-TTg của Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Rượu Bia Nước giải khát đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời đại thông tin, các nhà đầu tư, cung ứng vật tư, thiết bị chuyên ngành rất quan tâm đến thông tin, do đó Hiệp hội đã nhận được sự tham gia của đông đảo các văn phòng đại diện các tập đoàn đa quốc gia tại Việt nam.
Mặc dù hiện nay, cơ chế hoạt động cho các Hiệp hội ngành nghề chưa thực sự phù hợp với tiềm năng và vị thế của Hiệp hội, nhưng phải khẳng định rằng sự phát triển của các Hiệp hội là tất yếu. ý thức được điều này, Ban chấp hành Hiệp hội Rượu Bia Nước giải khát Việt Nam đã thực sự tâm huyết và ủng hộ các hoạt động của Hiệp hội.
PV. Thế còn trên bình diện hội nhập, ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống Việt Nam khi mà chúng ta phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ CEPT/AFTA và tiến tới là gia nhập WTO?
PGS. TS Nguyễn Văn Việt: Khi Việt Nam càng tiến sâu vào hội nhập thì môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp đồ uống nói riêng càng có thêm nhiều thách thức và cơ hội. Khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt của các hãng sản xuất trong khu vực đã đi trước chúng ta rất lâu trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, chúng ta lại có được thuận lợi là có được một thị trường tiềm năng với 10 quốc gia trong khối ASEAN. Doanh nghiệp trong ngành Đồ uống muốn tận dụng các cơ hội, biến thách thức thành cơ hội mới, thì cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm nhiều con đường xuất khẩu để “tôi luyện” sản phẩm, dịch vụ của mình.
Các doanh nghiệp lớn trong ngành Đồ uống Việt Nam đã có những bước chuyển mình để chuẩn bị cho hội nhập, đồng thời đã tạo được “gu” trong người tiêu dùng, có được thị phần sẽ chủ động hội nhập. Những doanh nghiệp nhỏ với thiết bị, công nghệ lạc hậu, cung cách làm ăn không cải tiến sẽ khó khăn khi hội nhập.
PV. Vậy, không còn con đường nào khác là chúng ta phải ra sức đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Song, có một thực tế hiện nay là, trong khi ngành Bia đang có sự đầu tư mạnh về trang thiết bị, nhưng chỉ tập trung ở những công ty lớn, còn hàng trăm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang trong tình trạng máy móc thiết bị lạc hậu mà không được đầu tư tương xứng. Vậy theo ông, phải làm thế nào để có thể cải thiện được tình hình này?
PGS. TS Nguyễn Văn Việt: Như chúng ta đã biết, ngành Bia trong thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình mỗi năm tăng từ 8 - 10%/năm, năm 2002 đã đạt sản lượng 893,9 triệu lít. Tuy nhiên sự tăng trưởng tập trung chủ yếu vào các nhà máy sản xuất có thiết bị, công nghệ hiện đại và năng lực sản xuất lớn. Đó là do những nhà máy này đã cung cấp được cho thị trường những sản phẩm uy tín, có chất lượng đảm bảo, ổn định. Sự phát triển tràn lan của hàng trăm các doanh nghiệp, nhà xưởng sản xuất bia hơi, công suất dưới 5 triệu lít năm, thiết bị máy móc lạc hậu với chất lượng sản phẩm không đảm bảo, khó có khả năng đứng vững trên thị trường, khi mức sống của người tiêu dùng đang dần được nâng cao.
Tuy vậy, cũng đã có một số doanh nghiệp địa phương đã phát huy nội lực, vươn lên trong cơ chế thị trường, dùng vốn tự có để đầu tư, tự động hoá trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm thành công như: Công ty Bia Hải Dương, Công ty Bia Hải Phòng, Công ty Bia Thanh Hoá, Công ty Thực phẩm Công nghiệp Nam Định, Liên doanh Bia Sài Gòn Phú Yên... Một số doanh nghiệp địa phương khác, nhờ có sự giúp đỡ của Hiệp hội, Tổng công ty cũng đã vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất như các công ty Bia Hương Sen, Bia Henniger, Bia Sóc Trăng, ...
Tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường phụ thuộc chủ yếu bởi mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh khi họ có những chiến lược kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, dài hạn hợp lý. Đồng thời, cũng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong cơ chế chính sách. Vừa qua, được biết Quốc hội đã thông qua luật thuế TTĐB, thuế GTGT sửa đổi bổ sung, trong đó có việc giảm thuế suất TTĐB bia hơi, điều này cũng có tác động không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương.
PV. Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu rất phong phú, nhưng cho đến nay, nguyên liệu cho sản xuất Đồ uống của ta hầu như vẫn phải nhập ngoại. Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ làm gì để giúp cho doanh nghiệp nâng cao tỉ lệ nội địa hoá, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Văn Việt: Nguồn nguyên liệu của Việt Nam cho rượu và nước trái cây là rất phong phú, tuy nhiên, hiện nay, việc quy hoạch vùng nguyên liệu chưa thực sự tốt. Đầu tư cho chất lượng vùng nguyên liệu bị bỏ ngỏ. Hầu hết đầu vào nguyên liệu do các hộ nông dân trồng tự phát, nay trồng hoa quả, ngày mai có thể chuyển sang cây công nghiệp khác (Chẳng hạn như việc chuyển đổi cây trồng tại Ninh Thuận trong năm 2002).
Đối với ngành Bia, như chúng ta đã biết, đây là một ngành nhập siêu, trung bình mỗi năm nhập khẩu trên 50 triệu USD, chủ yếu là malt, houblon và một số nguyên liệu phụ trợ khác. Việc trồng và chế biến được nguyên liệu bia chất lượng tương đương với nguyên liệu nhập khẩu là việc không thể làm được, chất lượng của nguyên liệu phụ thuộc vào giống, khí hậu và thổ nhưỡng. Tuy nhiên vừa qua, các nhà khoa học của Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia tại Vân Nam Trung Quốc nghiên cứu, trồng thử nghiệm một số mẫu đại mạch tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Lạng Sơn. Những nghiên cứu này đã mang lại kết quả khả quan và đã được sử dụng làm nguyên liệu thay thế tại một số nhà máy bia trong nước.
PV. Có ý kiến cho rằng, với việc ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi bổ sung, đã làm cho các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu phải đối mặt với một thực tế là giảm lợi nhuận hoặc có khi bị lỗ. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
PGS. TS Nguyễn Văn Việt: Trong quá trình Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan xây dựng Luật thuế TTĐB, luật thuế GTGT sửa đổi, bổ sung, cùng với việc theo dõi các cuộc họp thảo luận tại Quốc hội, công luận, Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức một hội nghị bao gồm đại diện Tổng cục thuế, đại diện các nhà sản xuất, kinh doanh rượu bia nước giải khát tại Việt Nam, nhằm đưa ra các kiến nghị của Hiệp hội đối với các điều khoản trong Luật thuế mới.
Đến nay, Quốc hội và Chính phủ đã giải quyết một số kiến nghị của các đơn vị trong ngành như: không tính thuế TTĐB giá trị vỏ hộp đối với bia hộp - đem lại công bằng cho bia hộp, giảm thuế suất TTĐB bia hơi - hỗ trợ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, giảm thuế TTĐB đối với rượu có độ cồn từ 30 - 400 nhằm khuyến khích sản xuất rượu công nghiệp, rượu sạch, nâng cao khả năng cạnh tranh với rượu dân tự nấu, rượu ngoại.
Cũng trong thời gian này, Bộ Tài chính đang chuẩn bị dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật thuế TTĐB, thuế GTGT, Hiệp hội đã thu thập ý kiến của các đơn vị trong ngành và gửi công văn tới Quốc hội, Bộ Tài chính, kiến nghị một số điều cụ thể, nhằm thoả mãn ba mục đích: mang lại hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng
PV. Đây là lần thứ tư Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam tổ chức Hội chợ đồ uống. Ông đánh giá hiệu quả của các Hội chợ này thế nào. Doanh nghiệp được gì khi tham gia các hội chợ này?
PGS. TS Nguyễn Văn Việt: Hiệu quả của các Hội chợ chuyên ngành đem lại là rất lớn đối với các doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp có điều kiện quảng bá cho các sản phẩm do mình cung cấp, tham gia đăng ký xét thưởng, chào hàng, giao dịch kinh tế và quan trọng nhất là khẳng định được mình là một nhà sản xuất kinh doanh chân chính. Cùng với những lợi ích này, bản thân các doanh nghiệp tham gia hội chợ cũng đã góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của cả ngành rượu bia nước giải khát. Thành công của Hội chợ đồ uống được chúng tôi đánh giá bởi quy mô và chất lượng của Hội chợ lớn mạnh không ngừng. Hội chợ Thực phẩm và Đồ Uống 2003 tại Hà Nội lần này đã thu hút được hầu hết các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành như Habeco, Sabeco, Công ty Bia Hà Tây, Công ty Bia Foster’s, Công ty Bia Huda...
PV. Xin cảm ơn ông!