Nhìn mà thích…
Chợ chim Hoàng Hoa Thám họp ngay đoạn đấu với đường Liễu Giai. Dễ có đến hơn ba mươi chủ hàng thường xuyên đem chim cảnh đến đây bán. Những ngày cuối năm chợ rất đông, họp từ khoảng 8 giờ sáng đến tận khi phố sáng đèn.
Trước mỗi hàng chim, ở mỗi lồng lại có khoảng 5 - 7 người đứng xem, bàn tán và bình luận. Nhìn mặt là biết anh nào mới vào nghề, tập toẹ chơi, còn đâu là người có kinh nghiệm, từng chơi chim lâu năm,… Dừng chân ở một hàng bán chim vành khuyên. Chủ quán là một thanh niên còn trẻ, khoảng chừng 27, 28 tuổi. Lồng nhiều nhất của anh nhốt đến 30 con chim khuyên, các lồng khác mỗi lồng nhốt một đôi, hay một chú chim. Hỏi ra mới biết, lồng nhốt nhiều chim nhất bao gồm những con chim chưa thuần, mới bẫy được, còn lồng nhốt theo đôi hay riêng một chú là chim đã thuần. Giá một chú chim khuyên “mộc” khoảng 20 - 25 nghìn, còn một chú chim khuyên đã thuần thì có giá một vài trăm, thậm chí cả triệu bạc, tuỳ vào giọng hót, màu lông,… và ty tỷ yếu tố nữ mà có lẽ chỉ những người chơi chim mới hiểu hết.
Các hàng bán chim chào mào, cu gáy, và vẹt thu hút nhiều khách hơn, phần vì đây là những loài chim khá “dạn người”, bay nhảy và hót tự nhiên, phần vì những người hiếu kỳ nhiều khi qua đường thấy sặc sỡ sắc màu, thấy hay hay cũng ghé lại xem và tranh thủ tìm hiểu, bình luận. Mà bình luận “rôm” ra trò. Thế mới thấy, dân nhà ta giờ vẫn còn nhiều người mê cái thú chơi tao nhã này lắm!
Tiếng cười nói của khách, của chủ hàng, tiếng chim hót, rồi cả tiếng điếu cày ở hàng nước gần đó tạo nên một hợp âm rất vui tai. Chỉ nhìn thôi đã thấy mê rồi, loại chim nào cũng đẹp, cũng hay ấy vậy mà tôi còn thấy thú hơn khi được nghe những người mê chim bàn luận.
Nghe mà mê
Những người mê chim gặp nhau là bình luận, trao đổi, nói chuyện không biết chán. Người thì thích chim khuyên, chọn mua bằng được những con khuyên ưng ý. Bác Nguyễn Văn Sơn ở Cầu Giấy, Hà Nội, một người có thâm niên chơi chim cảnh trên 20 năm chia sẻ: “Chim khuyên chỉ được coi là đẹp khi lên hết màu, vàng óng như tơ, viền mắt gọn đẹp, chim khoẻ, nhanh nhẹn, chăm hót”. Còn ông Lê Minh, một thợ chơi chim ở Hà Tây lại chăm chú chọn lựa một cặp chim cu gáy. Ông Minh cho biết: “ở nhà mình đã có ba con chim cu gáy rồi, nhưng nhìn thấy vẫn ham, muốn mua thêm hai con nữa cho “đông đúc”. Những người chơi chim như ông Minh, ông Sơn được coi là lão làng khi đã nuôi và cho chim đẻ, ấp thành công. Phải hiểu rằng, việc nuôi chim trong lồng cho đẻ là một việc cực khó vì thông thường chim sau khi bị bắt giữ, tách ra khỏi môi trường hoang dã chim sẽ rất khó sinh sản.
Đam mê một nghề chơi
Những người có kinh nghiệm trong nghề khi mua chim thường xem xét rất kỹ. Kinh nghiệm chọn chim khôn, chim thuần là dựa vào các đặc tính: nhanh nhẹn, “hoạt bát”, dạn người. Chim được coi là đẹp khi mà mỏ, mắt, chân, lông cánh, lông đuôi phải đủ, sắc lông phải đậm màu, hình dáng chim cân đối, tiếng hót phải trong, lảnh lót và nếu quan sát bề ngoài chim phải nhanh nhẹn và “tỉnh táo”. Cách khác là phân biệt ở phân của chim, chim thuần ăn ít, phân khô và gọn, còn chim mới bẫy ăn nhiều (tốn cám?!), nhát người. Tuy có kinh nghiệm, nhưng nhiều khi các cao thủ vẫn phải “thả chim về trời” do sau khi mua thấy không ưng ý. Phàm những người mê chim khi không ưng ý chỉ thả chứ không bán lại hay đem thịt.
Chơi chim là chấp nhận tự buộc mình vào một lề luật, vào sự bận rộn của một người “nuôi con mọn”. Nhưng chính sự bận rộn ấy lại mang đến cho người chơi một cảm giác thư thái, thoải mái, yên bình. Có lẽ vì vậy mà những người chơi chim chiếm phần đông là những người có tuổi. Người nuôi chim thường chăm sóc cho chim của mình bằng cả một tình yêu, từ cho ăn, cho uống nước, đến việc che lạnh cho chim. Rồi còn việc cho tim tắm và tắm nắng theo thời gian và một chế độ hợp lý, tùy từng loài nữa. Thông thường, mỗi ngày phải dành 3 – 4 tiếng chăm sóc và “nói chuyện” với chim. Với những người “ngoại đạo” thì có lẽ điều này thật nhiêu khê, nhưng với những người trong nghề thì đó lại là một thú vui, một niềm đam mê không dễ gì mà dứt bỏ.
Tại chợ chim, tôi còn được nghe những lời rủ rỉ: “Một ngày mà không được nghe con mi hót là tôi cứ thấy bứt rứt không yên…”; “Tôi mới mua được đôi cu cườm đẹp lắm, hôm nào ông đến nhà tôi đi, cứ đúng tầm 9 giờ sáng sẽ được nghe đôi vợ chồng này hót giao duyên, thú ra phết” hay “Tiếc quá ông ạ, tuần trước lên Lạng sơn, có đôi vợ chồng người dân tộc mang bán con sáo đã ra giàng, nói tốt lắm, nhưng họ nhất quyết đòi đổi bằng bạc chứ không chịu bán bằng tiền mặt. Thế là tôi đành chịu, tiếc đứt ruột!”
Nếu như người chơi non bộ, cây cảnh chí ít cũng ngoài năm mươi, thì thú chơi chim cảnh chỉ chọn người chứ không chọn tuổi, có lẽ đó là lý do chính khiến cho đến nay lực lượng chơi chim cảnh ngày càng thêm đông đảo, từ thanh niên, cụ già, người dân bình thường cho đến giới thượng lưu. Và đẳng cấp nghề chơi chim không được tính bằng tiền mà bằng chính, vốn kiến thức, kinh nghiệm và trên hết là niềm đam mê. Ngày Xuân xin góp vài dòng về một thú vui tao nhã này, hy vọng bạn đọc nếu là những người từng chơi, đang chơi sẽ cảm nhận được lòng ngưỡng mộ, sự đồng cảm của người viết, còn nếu chưa từng chơi chim cảnh, thì cũng là một chút sẻ chia về một thú chơi, một nét văn hóa của người Việt ta trong dịp Tết Kỷ Sửu này.