Nghe, nói và... làm

Thời tiền đổi mới, bị kìm hãm quá lâu trong cơ chế quan liêu bao cấp nên tư duy con người có một sức ỳ khủng khiếp. Để có thể khiến nó… nhúc nhích, Trung ương Đảng - cơ quan lãnh đạo đất nước, nơi hội

Các tầng lớp nhân dân ngỡ ngàng, rồi sau đó ngạc nhiên vì không hiểu NVL là ai mà giữa thời buổi người người “đi nhẹ, nói khẽ” hoặc có muốn bày tỏ chính kiến của mình thì cũng bấm nhau thổ lộ phía sau những… cánh cửa đóng kín, thì NVL lại công khai viết những bài báo đầy nhiệt huyết, rừng rực lửa chiến đấu, ngập tràn niềm tin và khát vọng đổi mới?

Hôm nay và cho đến mai sau, các thế hệ người Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao của Ông Nguyễn Văn Linh - người có sự thống nhất tuyệt vời giữa lời nói và việc làm. Với bút danh NVL, ông đã che chở, nhen nhóm, thổi bùng lên ngọn lửa của tư tưởng Đổi mới và với tư cách người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo đất nước từng bước vượt qua đói nghèo, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc…

Lời nói và việc làm là hai phạm trù cơ bản phản ánh nhân cách con người. Nói hay nhưng làm giở là người không ra gì. Mặt khác, người lúc thì thầm thậm thụt, khi nạt nộ ra oai, chắc chắn cũng không phải là người mẫu mực cho quần chúng noi theo, bởi vì ngôn ngữ chính là cái vỏ của tư duy.

 Người đời không phán xét các đối tượng có những khiếm khuyết tự nhiên trong lời ăn, tiếng nói. Dân miền biển có giọng nói oang oang vì họ đã quen “ăn sóng, nói gió” khi phải đối thoại với nhau giữa tiếng ì ầm của nghìn trùng sóng vỗ. Người có ông bố nặng tai, có bà mẹ nghễnh ngãng, tất sẽ có “âm lượng” lớn hơn bình thường, vì suốt thuở thiếu thời, họ đã phải… nói như quát với bố mẹ.

Rộng lượng hơn, không ai lên án người có cá tính khác mình, có cách nói không giống mình hoặc không hợp với mình về tính cách. Người ta chỉ phê phán, chỉ lên án và chỉ coi là vi phạm đạo đức đối với những người nói một đằng, làm một nẻo.

Thường thì sự thống nhất nào cũng có cái hay, nét đẹp; nhưng sự thống nhất giữa lời nói và việc làm mới là sự thống nhất hoàn hảo, thuộc phạm trù đạo đức. Nhân dân rất tinh tường và hóm hỉnh. Những câu nói hài hước, đầy chất trí tuệ như: “Hãy làm như ông ấy nói, đừng làm như ông ấy làm!” hay “Ông ấy nói vậy nhưng không phải vậy!” chính là nhận thức của quần chúng về những cán bộ khiếm khuyết nhân cách, không thể được tôn trọng.

Muốn nói đúng, làm đúng thì phải biết lắng nghe. Đứng đầu thiên hạ như các vua Trần, có mưu sĩ, có quan văn quan võ, có binh hùng tướng mạnh, nhưng khi đất nước lâm nguy, đâu có ai dám coi thường lời nói của những người dân quê quần nâu, áo vải! Hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng chính là một sự “mở rộng dân chủ”, tạo nên sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh nhân dân. Khi các vua Trần biết lắng nghe và thấu suốt ý chí, nguyện vọng nhân dân để rồi có hành động “tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào!” thì người dân Việt Nam dám đánh và đánh thắng đạo quân hung hãn nhất thế giới là điều dễ hiểu. Còn gì bi tráng, cao đẹp, cảm động hơn hình ảnh: chỉ còn một chén rượu đào, người làm tướng không nỡ uống một mình mà nghiêng be, dốc xuống dòng sông cho quân sĩ múc nước sông, cùng thụ hưởng…

Cổ nhân đã đúc kết: “Trung ngôn thì nghịch nhĩ!”. Lời nói phải, nói thật khó lọt tai khi người nghe tự cho mình đã có trí tuệ siêu phàm, nghe một biết mười. Nhưng người chịu khó lắng nghe, chưa hẳn đã là người biết nghe và đó là điều phải hết sức cảnh giác.

Cách đây hàng nghìn năm, Lão Tử đã phát hiện ra một nghịch lí: “Lời nói có thể tin được thì nghe không hay; lời nói nghe có vẻ hay thì lại không thể tin được!”. Trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh, hữu hảo và thù địch đan xen nhau, thì những lời nói mà kẻ làm tướng tiếp nhận được hoặc rất lợi hại, hoặc vô cùng nguy hiểm là phụ thuộc vào sự nhạy cảm, tỉnh táo và trình độ của chính anh ta.

Nghe, nói và làm là những kĩ năng của người cán bộ. Thiếu một trong các khâu này hay khập khễnh trong các khâu này, cũng có nghĩa là người cán bộ còn phải phấn đấu, rèn luyện quyết liệt thì mới có thể trở thành người đầy tớ trung thành của nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy…

 

  • Tags: