Ông Nguyễn Sinh Hùng - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cần xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp.
Có thể nói, thời gian qua, quản lý nhà nước về mặt tài chính doanh nghiệp đã có bước chuyển đổi cơ bản từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế tự chủ trong kinh doanh, tách biệt rõ hơn chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, giảm dần sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Thứ nhất là về mặt cơ chế chính sách: Chúng ta đã ban hành Luật Doanh nghiệp Nhà nước (năm 1995), Luật Doanh nghiệp năm (1999). Trên cơ sở hệ thống luật này, đã hình thành một hệ thống văn bản dưới luật theo hướng xoá cơ chế tập trung bao cấp, tăng quyền tự chủ trong kinh doanh, tự chủ về tài chính cho doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động.
Thứ hai là về mặt tổ chức: Chúng ta đã thực hiện việc tổ chức lại các bộ chuyên ngành để tập trung làm chức năng quản lý ngành, tổ chức lại hệ thống quản lý tài chính doanh nghiệp, xây dựng các mô hình TCTy, tiến đến xây dựng tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, đồng thời tổ chức lại doanh nghiệp. Tuy nhiên cần xác định rằng, chúng ta vẫn đang trong quá trình tiếp tục đổi mới quản lý doanh nghiệp, trong đó có cơ chế tài chính doanh nghiệp, nên chúng ta phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có ba nhóm giải pháp quan trọng nhất là: tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính doanh nghiệp, tiếp tục quá trình lành mạnh hoá doanh nghiệp và tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp...
Nguyên tắc xuyên suốt quá trình trên là: cần phân biệt rạch ròi giữa chức năng quản nhà nước về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có hoạt động tài chính doanh nghiệp, với quyền tự chủ trong kinh doanh, trong đó có quyền tự chủ về tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ về tài chính phải đi đôi với việc phân rõ trách nhiệm để tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất vốn không ai chịu trách nhiệm mà cuối cùng nhà nước phải gánh chịu.
Xuất phát điểm quan trọng để làm tốt việc này chính là việc xác định rõ mối quan hệ Nhà nước với doanh nghiệp. Mối quan hệ này thể hiện rõ nét ở 3 khâu: Nhà nước là chủ sở hữu về vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; Nhà nước là người hỗ trợ, tạo môi trường cho các doanh nghiệp phát triển.
Trong các mối quan hệ này, còn một vấn đề tồn tại là: Cơ quan hành chính Nhà nước hiện nay vừa làm chức năng quản lý nhà nước, vừa làm chức năng chủ sở hữu về vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng Nhà nước còn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải tách hai chức năng này, tiến tới luật hoá.
Một giải pháp quan trọng để tách biệt hai chức năng trên chính là việc công ty hoá mối quan hệ sở hữu về vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp. Chúng ta đang nghiên cứu và chuẩn bị làm thí điểm cho quá trình này. Cơ quan hành chính chỉ làm chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Quyền của chủ sở hữu về vốn được thực hiện thông qua một công ty đầu tư tài chính Nhà nước. Công ty này thực hiện đầu tư vốn nhà nước vào các doanh nghiệp thông qua các hợp đồng kinh tế theo quy định chung cuả pháp luật.
Ông Trương Đức Chính, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, TCTy Khoáng sản Việt Nam: Hàng năm, TCTy Khoáng sản Việt Nam cần từ 700 đến 900 tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Một trong những vấn đề bức xúc của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thuộc TCTy Khoáng sản Việt Nam nói riêng là vấn đề nguồn vốn. Để đảm bảo nhịp độ tăng trưởng 14 – 15%/năm như yêu cầu của toàn Ngành, hàng năm, TCTy Khoáng sản Việt Nam cần từ 700 – 900 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, nguồn vốn tái đầu tư của các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng từ 2 – 5%, số còn lại phải vay tín dụng. Nhưng việc tiếp cận được những nguồn vốn tín dụng đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản là cả vấn đề nan giải.
Trước hết là ngồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (vốn tín dụng ưu đãi). Đây là nguồn vốn chủ yếu và quan trọng, nhiều năm qua đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất ở các đơn vị thuộc TCTy. Dự án Tổ hợp Đồng Sin Quyền (Lao Cai) được Chính phủ cho vay bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai. Do đặc điểm là đa số các dự án của các đơn vị thuộc TCTy đều đầu tư ở các khu vực miền núi, vùng sâu, hạ tầng kém phát triển, thuộc các lĩnh vực khai khoáng, luyện kim, sản phẩm chủ yếu dùng cho xuất khẩu, nên chúng thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 43 CP. Song, thông thường, các Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển (HTPT) chỉ chấp nhận cho vay 50% tổng số vốn đầu tư của dự án, trong khi mức tối đa có thể được vay là 90%. Tuy đã được thoả thuận cho vay, song do nguồn cung ứng vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hàng năm có hạn, nên chỉ có một số ít các dự án được cân đối kế hoạch vốn vay (Năm 2003 chỉ được thông báo kế hoạch vốn cho 3 dự án, trong khi số dự án đã được Quỹ HTPT thoả thuận cho vay là 5).
Mặt khác, theo quy định của Quỹ HTPT thì sau khi có kế hoạch cấp vốn tín dụng, chủ đầu tư phải “ký quỹ” số vốn đối ứng (thông thường khoảng 10% số vốn đầu tư) vào tài khoản của Chi nhánh Quỹ HTPT thì chủ đầu tư mới được ký hợp đồng tín dụng và căn cứ vào lượng vốn đối ứng “ký quỹ”, Quỹ HTPT mới giải ngân. Xét về khía cạnh quản lý vốn của Quỹ HTPT, thì cách làm này chặt chẽ. Song mặt khác, nó đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp là trong điều kiện thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh, lại phải găm một lượng vốn “chết” trong tài khoản của Quỹ HTPT, gây nên tình trạng chậm được giải ngân, làm lỡ cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Về nguồn vốn tín dụng thương mại, đây là hình thức vay trên cơ sở thoả thuận giữa chủ đầu tư và tổ chức tín dụng (các ngân hàng thương mại). Song trên thực tế, chủ đầu tư luôn phải bị động theo những điều kiện của những ngân hàng. Ngân hàng có thể dễ dàng rút bỏ cam kết của mình để cho chủ đầu tư gánh chịu hậu quả, ngay cả khi ngân hàng đã có văn bản thoả thuận với doanh nghiệp về việc cho vay vốn. Nói theo luật chơi thì, ngân hàng luôn “nắm đằng chuôi”, còn doanh nghiệp đi vay thì luôn “nắm đằng lưỡi” và phần thiệt hại luôn thuộc về phía Nhà nước.
Lấy dự án Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên làm ví dụ. Tổng mức đầu tư của dự án là 220,467 tỷ đồng, trong đó đầu tư TSCĐ là 178,890 tỷ đồng. Dự án đã được Quỹ HTPT chấp nhận cho vay tín dụng ưu đãi 80 tỷ, 80 tỷ còn lại Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư phát triển đã đồng ý cho vay, mỗi đơn vị 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi giá kim loại màu trên thị trường có biến động, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã rút bỏ cam kết của mình sau khi dự án đã được phê duyệt để triển khai thực hiện, đẩy chủ đầu tư vào tình huống lúng túng, bị động và buộc phải tìm nguồn vốn khác thay thế. Đối tác là Ngân hàng Ngoại thương chỉ chấp nhận cho vay theo hình thức tài trợ cùng với Ngân hàng ĐTPT, trong khi Ngân hàng ĐTPT lại chỉ muốn cho vay theo hình thức hợp vốn. Như vậy, rõ ràng, tình thế của Công ty Kim loại màu Thái Nguyên là “cưỡi trên lưng hổ”, nhưng bản thân chủ đầu tư không thể tự tháo gỡ được. Hậu quả ra sao, ta có thể tự đoán được.
Để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai khoáng phát triển, chúng tôi kiến nghị như sau:
1. Khai khoáng luyện kim là một ngành công nghiệp nặng, muốn phát triển đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi tỷ suất sinh lời thấp so với một số ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhất định trong việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển cho ngành này (không chỉ thông qua Quỹ HTPT, mà còn thông qua các tổ chức tín dụng khác).
2. Các dự án đã đủ điều kiện được vay tín dụng ưu đãi theo quy định, cần được đảm bảo đủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo yêu cầu, không bố trí “nhỏ giọt”, khiến nhiều dự án bị thiếu vốn mà phải kéo dài đầu tư, gây lãng phí, mất cơ hội kinh doanh.
3. Quỹ HTPT cần nghiên cứu “nới lỏng” điều kiện cho vay đối với các dự án sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, để dự án có thể nhanh chóng được giải ngân theo đúng yêu cầu.
Ông Lê Bá Cơ - Chủ tịch HĐQT TCT Bia-Rượu-NGK Hà Nội (HABECO): Chúng tôi làm ăn có hiệu quả và uy tín lâu năm. Vấn đề là làm thế nào để đồng vốn có hiệu quả và sinh lời nhiều nhất.
Tính đến thời điểm TCTy Rượu Bia Nước giải khát (cũ) tách ra thành 2 TCTy, HABECO có hơn 800 tỉ vốn điều lệ. Do vậy, TCTy có thể đáp ứng đợc các yêu cầu về đầu tư bằng chính nguồn vốn tự có. Nếu sau này, chúng tôi có nhu cầu phải vay vốn ngân hàng thì chắc cũng không gặp khó khăn gì, bởi chúng tôi làm ăn có hiệu quả và có uy tín lâu năm. Vấn đề là làm thế nào để những đồng vốn đó hoạt động hiệu quả và sinh lời nhiều nhất. Hiện nay, sản phẩm bia Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 60% thị trường, do vậy, bên cạnh các dự án đã đầu tư trong thời gian qua, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao sản lượng. Dự án đầu tư cho Bia Hà Nội đã sắp hoàn thành, dự kiến đến quí I/2004 sẽ xong, đưa sản lượng của Bia Hà Nội lên 100 triệu lít/năm. Nằm trên địa bàn thành phố, nên Bia Hà Nội sẽ không được tiếp tục mở rộng sản xuất, do vậy, TCTy đã lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy bia Hà Nội tại KCN ở ngoại thành. Phấn đấu đến cuối năm 2004 sẽ khởi công và năm 2007 đưa vào hoạt động, công suất 100 triệu lít/năm.
Bên cạnh việc nâng cao sản lượng, TCTy sẽ đầu tư để nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trờng. Đồng thời sẽ mở rộng theo hướng đầu tư gia công tại các doanh nghiệp bia địa phương. Nếu công việc thuận lợi và có hiệu quả, TCTy sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, tiến tới quản lý theo mô hình công ty mẹ - công ty con một cách thực sự, thông qua điều hành vốn.
Cho đến nay, các dự án đầu tư của TCTy Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cũ đều phát huy hiệu quả với hiệu suất thu hồi vốn nhanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ kế thừa những điểm mạnh này và quản lý chặt chẽ hơn nữa chi phí giá thành để bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước giao cho.