Nhớ lại năm 1997, tại Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, Đảng ta quyết định “lãnh đạo đất nước thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH để đến năm 2020 cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp…”. Với Nghị quyết quan trọng này đã khẳng định quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam hành động vì lợi ích lâu dài của đất nước. Những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, kinh tế chúng tôi rất phấn khởi và suy nghĩ cần có những hoạt động thiết thực để từng bước góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống vì lợi của quốc gia. Với “tư duy cơ khí”, chúng tôi suy nghĩ, từ lý luận đến thực tiễn cần làm rõ: “Định nghĩa thế nào là một nước công nghiệp?Năm 2020 khi nước ta trở thành nước công nghiệp thì diện mạo, hình hài các ngành kinh tế công nghiệp sẽ ra sao? Các nước hiện đã là nước công nghiệp được thế giới công nhận đã tổ chức thực hiện như thế nào và điều kiện gì để nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH trong giai đoạn mở cửa, hội nhập hiện nay?...v.v…”. Chính từ suy nghĩ cần làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên, việc nhận thức lại vai trò cần thiết phát triển công nghiệp cơ khí để Việt Nam có thể tự chủ thực hiện CNH, HĐH đất nước là việc làm hết sức cần thiết của Hội CKVN. Vì vậy, Hội đã trực tiếp báo cáo với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước về các vấn đề nêu trên. Ngày đó, Hội CKVN đã tập trung nghiên cứu và chuẩn bị “bài” nêu lên về mặt lý luận sao cho có sức thuyết phục để trình bầy (mặc dầu chúng tôi biết việc làm này sẽ không dễ!). Những “bài” tư vấn phải có căn cứ khoa học, số liệu khách quan và mang tính thực tiễn, nhằm khẳng định sự cần thiết nhận thức lại vị trí ngành cơ khí trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước.
Nhớ lại nhận định của Ban lãnh đạo Hội CKVN năm 1997 : “Với quyết định thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước của Đảng ta, đây chính là thời cơ phát triển trở lại công nghiệp cơ khí Việt Nam. Không thể bỏ lỡ thời cơ này…”, khi đó, tại một cuộc họp Thường vụ TW Hội CKVN, chúng tôi đã trao đổi và thống nhất rằng: Để thực hiện CNH, HĐH như Nghị quyết của Đảng, nhất thiết Hội CKVN phải tư vấn, kiến nghị với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta để có ý kiến chỉ đạo các ngành, các cấp quản lý vĩ mô nhận thức lại đúng vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí nước nhà để tự chủ thực hiện CNH, HĐH bằng nội lực của dân mình. Việc “nhận thức lại”vị trí cơ khí trong cơ cấu đầu tư phát triển là hết sức cần thiết. Bởi ngay từ Đại hội lần thứ III của Đảng ta năm 1960, đã có Nghị quyết xây dựng cơ sở vật chất thực hiện CNH miền Bắc XHCN. Nghị quyết Đại hội III đã xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của ngành cơ khí để thực hiện CNH ngay từ thời gian đó. Cũng chính nhờ có quyết tâm từ thời đó của các nhà lãnh đạo nước ta mà trên miền Bắc trong bom đạn quân thù, chúng ta vẫn có được hệ thống các nhà máy nhiệt, thủy điện, chế tạo cơ khí, luyện kim, hóa chất, công nghiệp quốc phòng… Có thể khẳng định, vào thời điểm năm 1975 khi giải phóng miền Nam, cơ sở vật chất, kỹ thuật sản xuất công nghiệp của miền Bắc Việt Nam đã hơn hẳn nhiều “con rồng” hiện tại về trang thiết bị, đội ngũ công nhân, kỹ sư lành nghề được đào tạo bài bản từ các nước phát triển và đào tạo ngay trong nước. Chúng ta rất đáng tự hào về những thành tựu đã ra đời từ năm tháng bom đạn và khâm phục tư duy cũng như quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh của thế hệ lãnh đạo tiền bối. Có thể khẳng định, ngày nay, chính các nhà máy cơ khí được xây dựng trong thập niên 1965 - 1975 hiện vẫn đang tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của sản xuất cơ khí nước ta.
Để định hướng xây dựng nội dung tư vấn, Hội CKVN đã tập trung vào một số nội dung trình bầy ý kiến tư vấn của mình với lãnh đạo; Đó là:
- Một quốc gia như thế nào được quốc tế thừa nhận là nước công nghiệp?
- Nội dung CNH, HĐH đến năm 2020 sẽ làm cho hình hài, diện mạo và đời sống người Việt Nam so với các nước khác như thế nào?
- Những ngành kinh tế công nghiệp nào sẽ cần được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển? Công nghiệp cơ khí chế tạo máy có quan trọng và cần thiết cho CNH, HĐH không?
- Liệu cứ lấy lý lẽ nước ta đang vận hành nền kinh tế theo “cơ chế thị trường”, lấy “luật cung- cầu, giá trị…” làm thước đo hiệu quả kinh tế… để áp cho mọi ngành công nghiệp và chứng minh đầu tư cho cơ khí là gánh nặng không hiệu qủa liệu có đúng không?.. v…v..
- Để xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí, nhất thiết phải có “bàn tay hữu hình” của nhà nước, thông qua chính sách như nhiều quốc gia khác…
Sau đó, chúng tôi đã báo cáo trực tiếp các vấn đề nêu trên với Đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, Đồng chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đồng chí Thường trực Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu. Có được những buổi gặp trực tiếp để Hội CKVN thẳng thắn báo cáo các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Chính phủ những ý kiến tư vấn tâm huyết, quan trọng, tôi không thể không kính trọng nhắc đến tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết của TS Hà Nghiệp - khi đó Anh là trợ lý Tổng bí thư Đỗ Mười (trước đó là Trợ lý Tổng bí thư Trường Chính, rồi giúp trực tiếp Tổng bí thư Cay xỏn Pong vi Hẳn), ủy viên Thường vụ TW Hội CKVN Khóa II (1993-1998) và anh Trần Lum – Chủ tịch Hội- Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng đã cùng một số ủy viên Thường vụ Hội CKVN Khóa II rất tích cực xây dựng nội dung ý kiến cần trình bầy. Ví như nhận định: “Cần cấp thiết chủ động xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí nước ta vì đó là “Hạ tầng kinh tế kỹ thuật để nước ta chủ động thực hiện CNH, HĐH; Muốn thực hiện thành công mục tiêu đưa nước Việt Nam tới 2020 là nước công nghiệp thì khi đó, công nghiệp cơ khí phải tự sản xuất được 60-70% các loại máy, thiết bị phục vụ nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu; Cơ khí phải tự chủ làm được các phương tiện vật chất quân sự mà không bao giờ có được từ nguồn FDI và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, như vậy mới thực sự bảo vệ được an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội; Cần hiểu hiệu qủa của đầu tư CN cơ khí là còn nhằm tạo ra hiệu quả cho các ngành công ngiệp khác vì tiết kiệm ngoại tệ mạnh, vì tạo ra công ăn việc làm và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam…”. Thế là lần đầu tiên sau nhiều chục năm, Văn phòng TW Đảng đã thông báo bằng văn bản ý kiến kết luận của Đồng chí Lê Khả Phiêu, Thường trực Bộ chính trị, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ sau lần làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hội CKVN để gửi đi rất nhiều Bộ, ngành, cơ quan quản lý các cấp để khẳng định tầm quan trọng cần xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam vì sự nghiệp CNH, HĐH, vì an ninh quốc phòng, vì tự chủ trong qúa trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân… và đánh gía cao ý kiến tư vấn của Hội KHKT Cơ khí VN. Tiếp đến, Văn phòng Chính phủ đã lên lịch để Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đến thăm Công ty Cơ khí Hà Nội và làm việc với lãnh đạo Hội CKVN để nghe những ý kiến tư vấn của Hội. Cuối năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định giao cho Hội KHKT Cơ khí VN thực hiện nhiệm vụ Tư vấn với Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam. Hội Cơ khí VN trở thành Hội nghề nghiệp đầu tiên trong toàn quốc được Thủ tướng ký quyết định giao nhiệm vụ Tư vấn. Đây vừa là vinh dự lớn của Hội, nhưng đồng thời lại gắn trách nhiệm cao. Thông qua tin tức đài, báo giới thiệu kết quả Tư vấn và các hoạt động nêu trên của Hội CKVN thời đó đã làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong cả nước hết sức phấn khởi và quan tâm. Chính vì vậy nên một loạt các doanh nghiệp lớn về cơ khí như Cơ khí đóng tầu; Cơ khí Giao thông vận tải; Cơ khí xây dựng… đã tự nguyện xin gia nhập làm hội viên của TW Hội CKVN vào năm 1998. Như vậy, sau Đại hội III 1998, Hội CKVN đã có lực lượng 15 Hội cơ khí chuyên ngành và địa phương, với Ban Thường vụ đại diện cho nhiều lực lượng, ngành nghề cơ khí, các nhà quản lý, khoa học, đào tạo… trong cả nước. Tiếng nói của Hội CKVN đã có vị trí nhất định trong xã hội.
Sau đó, Hội CKVN với tư cách là cơ quan tư vấn, đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách đối với sản xuất cơ khí như thuế nhập khẩu vật tư, xét cho vay đầu tư ưu đãi vốn những dự án cơ khí làm sản phẩm quan trọng, sửa đổi quy định đấu thầu đang làm lợi cho nước ngoài, giao cho những TCTy cơ khí trong nước có năng lực làm chủ đầu tư cung cấp thiết bị cho các công trình công nghiệp …đã là “cú hích ban đầu tạo đà cho phát triển CNCKVN”.
Do có tiếng nói tư vấn đúng, có giá trị và được Bộ Công nghiệp ủng hộ, cho nên kể từ năm 2000 đến nay, Hội CKVN đã được Bộ giao thực hiện và đã hoàn thành 04 Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với có kết quả tốt, giúp cho hoạt động tư vấn của Hội và giúp cho các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo tham khảo trong việc xây dựng chính sách vĩ mô phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam đúng hướng và có hiệu quả. Cụ thể :
Năm 2000 thực hiện đề tài: “Đánh gía tổng quát hiện trạng cơ khí Việt Nam, đề xuất giải pháp phát triển ngành cơ khí trong giai đoạn 2000-2010. Một số mô hình phát triển cơ khí các nước khu vực”.
Năm 2001 “Khảo sát, nghiên cứu lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm đến năm 2010 và hướng đến 2020. Đề xuất mô hình tổ chức sản xuất”. Nội dung Đề tài nghiên cứu này đã được nhiều cơ quan và một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ đọc cho ý kiến đánh gía rất tốt.
Trên đây là tóm tắt một số vấn đề lớn về hoạt động tư vấn và nghiên cứu khoa học của Hội CKVN đã thực hiện trong hơn 6 năm qua.
Năm 2004, Hội CKVN sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV để xây dựng phương hướng phát triển Hội trong 5 năm tới. Đại hội sẽ tiếp tục tập hợp lực lượng cơ khí thuộc mọi thành phần kinh tế để phát triển nhanh công nghiệp cơ khí nước nhà trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế./.