Quỹ tiền tệ thế giới dự đoán gì cho nền kinh tế toàn cầu?

Khen với thái độ… trông trước ngó sau! Trong bản phúc trình công bố tại Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) diễn ra ở Singapore, vào trung tuần tháng 9/2006

Tuy nhiên, IMF còn cảnh báo, sự mất cân đối trong cán cân thương mại toàn cầu sẽ có nhiều rủi ro, đặc biệt là từ sự thâm thủng ngân sách của Hoa Kỳ và thặng dư mậu dịch khổng lồ của Trung Quốc. IMF tiên đoán rằng, thặng dư ở các nước sản xuất dầu sẽ ở mức cao và đồng Euro sẽ tiếp tục được khôi phục. 

Việc tăng giá dầu thời gian qua và việc nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm đã “kích hoạt” việc hạ thấp của thị trường nhà đất là một trong các yếu tố đặt ra các mối đe dọa đến sự phát phát triển liên tục của kinh tế thế giới. IMF đã tiên đoán mức tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm từ 3,4% đến 2,9%, “khả năng tháo gỡ sự bất ổn của việc mất cân bằng trên thế giới là một điều đáng quan tâm”.

Sự mất cân bằng mậu dịch là tâm điểm của nhiều lo ngại. Vào tháng 8, Trung Quốc đã đưa ra một kỷ lục thặng dư mậu dịch là 18,8 tỷ USD so với phần còn lại của thế giới. Ngược lại, Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thâm hụt mậu dịch vượt quá 64 tỷ USD. Giải thích cho khoảng cách chênh lệch lớn này, chỉ có thể là sự yếu kém của đồng tiền Trung Quốc, khiến cho hàng hóa nước này rẻ, xuất khẩu được đẩy mạnh. IMF còn cho biết, các ngân hàng trung ương đã phải cân đối các yếu tố rủi ro của việc phát triển và lạm phát, việc siết chặt tỷ giá lãi suất là cần thiết.

Việt Nam sẽ sớm là thành viên WTO

Trong một cuộc họp báo hôm 14-9-2006 tại Singapore về Báo cáo Viễn cảnh kinh tế thế giới được IMF đưa ra trước thềm các hội nghị thường niên ở Singapore, các quan chức IMF cho biết, Việt Nam có nhiều triển vọng gia nhập WTO, nhưng cần phải khắc phục nhiều vấn đề về mức độ sẵn sàng hội nhập cũng như về cơ cấu. Ông Raghuram Rajan, cố vấn kinh tế. Giám đốc nghiên cứu của IMF cho biết, Việt Nam được nhiều người xem là “một Trung Quốc đang nổi lên”, Việt Nam đang làm nhiều việc mà Trung Quốc đã từng thực hiện và đang tiến nhanh hơn với mức phát triển tương đối mạnh hơn và “vấn đề là phải thực hiện nó tốt hơn nữa”.

Còn ông Charles Collyns, Phó giám đốc Nghiên cứu của IMF công nhận “Việt Nam đã có được vị thế của một quốc gia thị trường đang nổi”. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra nhiều vấn đề đang thách thức Việt Nam, như sự lạm phát, vấn đề về cơ cấu. Việt Nam có nhiều triển vọng gia nhập WTO, nhưng lại nảy ra vấn đề khi nền kinh tế được mở cửa thì việc cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước cần phải được đẩy nhanh và nhất là lĩnh vực ngân hàng thương mại thuộc nhà nước quản lý trong tương lai sẽ phải đối mặt với cạnh tranh. “Khi Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, cũng cần đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các thành phần kinh tế đã hoàn toàn sẵn sàng đáp ứng cạnh tranh”, ông kết luận.

Vừa khen, vừa thận trọng…

Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (World Bank) khen ngợi Việt Nam vì thành tích giảm nghèo, nhưng cũng kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh cải cách thị trường và chống tham nhũng.

Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Juan Jose Daboub, trong chuyến thăm Việt Nam cho biết, World Bank đang thực hiện 39 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn tài trợ là 4 tỉ USD; và ông nhấn mạnh, Việt Nam rất thành công trong việc tạo ra tăng trưởng và giảm đói nghèo. Ước tính 30 triệu người đã thoát cảnh nghèo đói từ khi chính sách đổi mới được tiến hành cách đây hai thập niên. 

Ông Daboub cũng cam kết tài trợ 800 triệu USD mỗi năm, trong 5 năm tới trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu, tài chính công, môi trường... Nhưng ông Daboub cũng nói đang có “một cảm giác gấp rút tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng cần phải đi nhanh hơn… Việt Nam phải đẩy mạnh tiến trình cải tổ để người dân có thể được hưởng lợi ích nhanh hơn”. Ông cũng đưa ra cảnh báo “các nước láng giềng sẽ không ngồi yên và chờ Việt Nam tiến lên. Họ đang đi lên và Việt Nam có lựa chọn - hoặc dẫn đầu hoặc theo sau”.

Lời bình luận khá thận trọng này cũng tương tự bình luận mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson. Giám đốc ADB ở Việt Nam, Ayumi Konishi, gọi Việt Nam là “ngôi sao của Đông Nam Á” và dự đoán tăng trưởng kinh tế tiếp tục là 7,8% trong năm nay, chỉ sau Trung Quốc trong khu vực châu Á.

Standard & Poor’s đã nâng mức đánh giá tín dụng ngoại tệ nhà nước của Việt Nam từ -BB lên + BB, đứng trên Indonesia và Philippines. Tổ chức này nhận định Việt Nam có “tiềm năng tăng trưởng kinh tế lớn”, nhưng vẫn đối mặt với “yếu kém về cơ cấu” trong đó có hệ thống ngân hàng. Điều này lý giải vì sao mới đây Việt Nam tụt sáu bậc so với năm ngoái trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh tại 175 quốc gia. Theo đó, năm nay, Việt Nam xếp thứ 104, so với 98 của năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang vào tầm ngắm

Ông Garry Evans, đứng đầu nhóm chiến lược vốn cổ phần vùng châu Á của HSBC, phát biểu với hãng tin Dow Jones: “Khi Việt Nam gia nhập WTO, mà có thể là vào tháng 10, và tổ chức hội nghị APEC tháng 11 ở Hà Nội, nhiều nhà quản lý quỹ lớn sẽ lần đầu tiên để ý Việt Nam”.

Theo một báo cáo do nhóm của ông Evans thực hiện và công bố đầu tháng này, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào sàn chứng khoán ở TP.HCM chỉ đạt 840 triệu USD. Ông Evans cho rằng con số này sẽ tăng mạnh vì Việt Nam có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng 7,5-8% trong 5 năm tới. Hai yếu tố có thể thu hút các quỹ đầu tư: việc cổ phần hóa nhiều công ty quốc doanh từ năm 2007 và dỡ bỏ hạn chế mức đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán.

Như vậy, có thể nhận ra triển vọng đưa lên sàn giao dịch các công ty lớn được cổ phần hóa có thể sẽ giúp sàn chứng khoán ở TP.HCM lần đầu tiên được đưa vào các chỉ số MSCI và FTSE, theo báo cáo của HSBC. “Các nhà quản lý quỹ sẽ chỉ quan tâm nếu thị trường của Việt Nam có lượng cổ phiếu hơn 1 tỉ USD, và chúng tôi cho rằng điều này sẽ sớm xảy ra”, ông Evans dự đoán. Báo cáo của HSBC nói, theo thời gian, giá trị thị trường chứng khoán của Việt Nam sẽ đạt tỉ lệ phần trăm GDP tương tự như các nước châu Á khác. Tỉ lệ giữa giá trị sàn chứng khoán và GDP của Việt Nam hiện nay chỉ là 5%, so với mức trung bình 71% của Philippines, Thái Lan và Indonesia. Một khi đạt được mức 71% so với GDP, thị trường chứng khoán của Việt Nam khi đó tương đương 37 tỉ USD và sau 5 năm, con số này có thể là 55 tỉ USD nếu kinh tế tăng trưởng 8% mỗi năm (Theo đánh giá, thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay có giá trị khoảng 3,2 tỉ USD).

Diễn biến mới nhất là, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã trở thành ngân hàng thứ hai được phép niêm yết trên thị trường chứng khoán, sau Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Một ngân hàng khác là Sài Gòn Công thương Ngân hàng (Saigonbank) cũng đang xin phép Ủy ban Chứng khoán để lên sàn. Nguồn tin cho biết ACB có thể muốn gấp rút chuẩn bị để niêm yết ngay trong năm nay, vì họ muốn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp niêm yết sẽ bị bãi bỏ từ 2007) .

ACB cũng đệ trình Đại hội cổ đông và Ngân hàng Nhà nước phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo mệnh giá cho các cổ đông hiện hữu. Dự kiến, trong đợt phát hành năm nay, cổ đông sở hữu một cổ phiếu ACB sẽ được mua 1,5 trái phiếu với giá bằng mệnh giá (1 triệu đồng/trái phiếu). Năm ngoái, Ngân hàng Standard Chartered Plc (Anh) đã bỏ ra 22 triệu USD để mua 8,56% cổ phần tại ACB.

Hiện có các hạn chế chặt chẽ đối với qui chế hoạt động của các định chế tài chính hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả qui định này sẽ thay đổi một khi Việt Nam gia nhập WTO trong năm nay.

  • Tags: