1. Về lĩnh vực hàng dệt may
Những số liệu trên cho thấy sức tiêu thụ trung bình của một người tiêu dùng Mỹ đối với mặt hàng quần áo là rất cao, điều đó lý giải tại sao thị trường Mỹ với sức mua hàng năm 272,3 tỷ đô-la và có sức thu hút các nhà xuất khẩu hàng dệt may mạnh mẽ đến như vậy.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, thị trường dệt may Hoa Kỳ đã suy giảm. Mức độ giảm năm 2001 là 0.2%. Năm 2002 cũng là năm khó khăn của kinh tế Mỹ và thị trường dệt may cũng bị ảnh hưởng xấu, do đó chững lại. Song, các chuyên gia dự đoán, thị trường này sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2003. Mặt khác, thị trường này cũng chứa đựng nhiều thách thức, những khó khăn và rào cản đối với các hàng hoá của các nước, nhất là đối với các nước đang phát triển như nước ta. Để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, các nhà sản xuất và xuất khẩu cần nghiên cứu, tìm hiểu để thực sự nắm bắt được các đặc điểm thị trường và môi trường kinh doanh ở Hoa Kỳ.
2. Về lĩnh vực hàng da-giầy
Năm 2001, mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ lâm vào trạng thái suy thoái, nhưng thị trường da giầy vẫn tăng trưởng 2,1% so với năm 2000. Đối với các nước có tiềm năng sản xuất và xuất khẩu da giầy thì trong thời gian tới, thị trường Hoa Kỳ vẫn là một thị trường đầy triển vọng; dung lượng sức mua hàng da giày lên tới 46,8 tỷ đôla.
Một đặc điểm của thị trường dệt may Hoa Kỳ là, người tiêu dùng Mỹ có xu hướng đòi hỏi hàng dệt may và da giầy phải giảm giá. Điều đó gây ra sức ép giảm giá trên thị trường bán lẻ. Nếu lấy mức giá bán lẻ bình quân năm 2001 so sánh với năm 1992 thì mức giảm hàng dệt may là 6,4%. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp ngày càng tăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng giảm giá của các mặt hàng Dệt may và Da giầy trên thị trường Hoa Kỳ. Do đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng phải tiên lượng trước những thách thức và sự cạnh tranh gay gắt về nhiều mặt, trong đó có yếu tố giá cả và chất lượng khi thâm nhập vào thị trường này.
Vì vậy, khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, không thể không nghiên cứu và am hiểu các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ của Mỹ với những tập đoàn siêu thị rất lớn. Qua nghiên cứu hệ thống phân phối của Mỹ có thể nhận thấy rằng: Hàng dệt may, thời trang và da giầy được tiêu thụ tuyệt đại đa số trong các hệ thống siêu thị lớn, với các cửa hàng bán lẻ, quy mô lớn và đòi hỏi các dịch vụ tổng thể có chất lượng cao. Vì vậy, các nhà sản xuất dệt may và da giầy phải tính toán thật kỹ lưỡng các yếu tố (giao hàng, vận chuyển, thanh toán, bao gói, mẫu mã,....) để sản phẩm của mình phù hợp với đặc điểm kênh phân phối ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, tính đến năm 2002, xuất khẩu 2 mặt hàng trên của Việt Nam chỉ đứng thứ 26, thậm chí sau cả Srilanka; Inđônêxia... Vậy mà, đến nay về phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hối thúc Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt-may Việt Nam.
Những thách thức đối với các công ty dệt may, da giày Việt Nam
Qua các nghiên cứu và khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may và da giày Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có một số hạn chế như sau:
- Sự hiểu biết về thị trường dệt may và da giày Hoa Kỳ còn rất hạn chế, thậm chí một số công ty xuất khẩu không hiểu biết đúng các đặc điểm cơ bản của thị trường này.
- Các nhà sản xuất và xuất khẩu của nước ta chưa tạo dựng được những thương hiệu có uy tín trên thị trường Mỹ, một số thương hiệu có triển vọng đã và đang có nguy cơ bị một số công ty Mỹ đăng ký trước, do đó chúng ta có thể bị mất thương hiệu của chính mình trước khi thâm nhập vào thị trường.
- Hàng hoá xuất khẩu của nước ta có thể vấp phải các hàng rào phi thuế quan, trong đó phải kể đến một số tiêu chuẩn như Trách nhiệm xã hội SA 8000- (Social Accountability), tiêu chuẩn WRAP – (Worldwide Responsible Apparel Production- Trách nhiệm sản xuất hàng dệt may toàn cầu). Một loại các đạo luật của Hoa Kỳ như luật chống bán phá giá cũng có tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh. Do chưa có kinh nghiệm và thiếu hiểu biết chính xác về hệ thống tiêu chuẩn hàng hoá ở Mỹ, nên nhà xuất khẩu thường gặp rất nhiều khó khăn và chịu những chi phí đáng kể khi xúc tiến bán hàng.
- Sự lạc hậu về công nghệ, khó khăn về tài chính và sự hạn chế về trình độ quản lý, trong đó không chỉ yếu kém về công nghệ sản xuất mà còn yếu cả về công nghệ thông tin quản lý; trong khi các nhà nhập khẩu Mỹ đòi hỏi rất cao về hệ thống thông tin quản lý, về tính chính xác của thông tin và việc giao hàng đúng hợp đồng.
- Các chính sách hỗ trợ thương mại ở tầm vĩ mô mặc dù bước đầu đã được khởi động nhưng chưa đồng bộ và còn kém hiệu quả.
- Sức cạnh tranh của hàng hoá dệt may của nước ta chưa cao, so với một số nước khác. Đây là một trong những điểm quan trọng nhất cần được chú ý cả về trước mắt cũng như lâu dài.
Như vậy, vị trí của hàng hoá dệt may và da giày của nước ta còn rất khiêm tốn và sự cạnh tranh quốc tế là rất gay gắt. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu đã có tốc độ tăng trưởng nhanh và hàng hoá dệt may Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn nếu những giải pháp cơ bản và đồng bộ được quan tâm thực hiện.
Những giải pháp nhằm tăng cường xuất khẩu hàng dệt may và da giày vào thị trường Hoa Kỳ
Thứ nhất: Các nhà sản xuất và các nhà xuất khẩu cần tích cực và chủ động tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ để có các biện pháp thâm nhập thị trường có hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về các đặc điểm của thị trường Hoa Kỳ, cần đầu tư thích đáng cho công tác khảo sát và nghiên cứu về thị trường này một cách có hệ thống và bài bản. Những kiến thức và hiểu biết đầy đủ hơn về thị trường là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của các doanh nghiệp trong chiến lược xuất khẩu, đặc biệt là với thị trường dệt may và da giày Mỹ.
Thứ hai: Cần coi trọng việc tạo dựng uy tín của thương hiệu trên thị trường Hoa Kỳ thông qua những bước đi chiến lược dài hạn, nhằm xây dựng vị thế của thương hiệu. Các doanh nghiệp cần đề phòng và ngăn ngừa khả năng thương hiệu đã có của chính mình bị đăng ký trước trên đất Mỹ như đã từng xảy ra với một số công ty. Với đặc điểm người tiêu dùng Mỹ, nếu không có thương hiệu và uy tín thì hàng hoá, rất khó thâm nhập thị trường vốn luôn ưa thích các thương hiệu nổi tiếng, do đó phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và tài chính cho sự phát triển của các thương hiệu Việt Nam trên thị trường Mỹ cũng như trên thương trường quốc tế.
Thứ ba: Các nhà xuất khẩu cần nghiên cứu và lựa chọn cách tiếp cận thị trường Hoa Kỳ phù hợp với đặc điểm ngành hàng và khả năng của doanh nghiệp. Có một số cách thức khác nhau để tạo lập sự hiện diện trên thị trường Mỹ như: Lựa chọn đại lý, đặt văn phòng đại diện (Vinatex đã thiết lập được văn phòng đại diện tại New York), tham gia các triển lãm và hội chợ, v.v…Theo kinh nghiệm, việc tham gia các triển lãm và hội chợ chuyên ngành có tác dụng rất hiệu quả đối với những công ty mới thâm nhập thị trường. Việc tạo lập và duy trì một văn phòng đại diện tại Mỹ đòi hỏi chi phí khá lớn, nhưng mặt khác cũng tạo ra những điều kiện kinh doanh hết sức quan trọng cho xuất khẩu hàng hoá và các giao dịch kinh doanh.
Cần lưu ý đặc biệt về khía cạnh pháp lý trong mọi hoạt động kinh doanh, sự khác biệt về môi trường pháp lý và các hàng rào phi thuế quan cần được nắm vững, thí dụ như các rào cản về chống bán phá giá, các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn xã hội (như tiêu chuẩn SA 8000, tiêu chuẩn WRAP). Tuy nhiên, cần hiểu đúng về các tiêu chuẩn SA 8000 và WRAP. Thực ra, các tiêu chuẩn này không phải là các tiêu chuẩn bắt buộc cho hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ, mà đó là những tiêu chuẩn tham khảo được Hiệp hội Dệt may và Da giày Mỹ khuyến khích áp dụng.
Thứ tư: Do các tiêu chuẩn rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hoá, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên xây dựng kế hoạch và chiến lược chủ động chuyển từ làm hàng gia công sang sản xuất theo đơn đặt hàng trực tiếp và sử dụng vải sợi nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam. Các nhà chuyên môn của AAFA và VITAS đều cho rằng, điều đó sẽ mang lại lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việc sản xuất hàng hoá với thương hiệu của chính mình và tạo lập các kênh tiêu thụ trực tiếp là hướng đi vững chắc và ổn định nhất. Muốn hình thành các quan hệ tin cậy trong lĩnh vực này, nhà sản xuất không những phải đầu tư cho khâu marketing, mà còn phải hoàn thiện toàn bộ doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
Thứ năm: Đổi mới và hịên đại hoá công nghệ là yêu cầu đặt ra với hầu hết các công ty, trong đó không chỉ đối với công nghệ sản xuất mà đối với cả công nghệ quản lý. Hệ thống quản lý cần ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin, nối mạng và xử lý thông tin nhanh chóng nhất. Các khách hàng Hoa Kỳ luôn đòi hỏi thông tin nhanh, phản hồi đúng lúc và chính xác trong các giao dịch, đặc biệt qua các phương tiện như internet, email, fax. Do đó, việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch là một công cụ rất có hiệu quả, tạo dựng uy tín và mở rộng khả năng giao dịch quốc tế của các công ty. Bộ Thương mại và các cơ quan hữu quan cũng cần quan tâm hơn nữa việc xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường cho các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may và da giày.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường Hoa Kỳ có sức hấp dẫn to lớn, nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Ngành dệt may và da giày nước ta hoàn toàn có thể tham gia và khẳng định chỗ đứng trên thị trường này nếu chủ động phát huy những tiềm năng của chính bản thân các doanh nghiệp và được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Tăng cường xuất khẩu hàng dệt may và da giầy Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ
TCCT
Cũng giống như các thị trường khác, thị trường Hoa Kỳ có sức tiêu thụ khổng lồ đối với các hàng hoá tiêu dùng. Hoa Kỳ có dân số 281 triệu người và diện tích là 9.2 triệu km2 - một trong những quốc gi