Trước tiên, ta tự hỏi, tại sao đã gọi là bình dẳng còn phải đòi ? như vậy phải chăng, chuyện công bằng là chuyện phải có, nhưng một lúc nào đó, điều này bị mất đi hay bị thiếu, nên ta mới phải “đòi”?!
Thứ hai, xin nói ngay, chuyện bình đẳng từ trước đến nay thường được coi là chuyện của phụ nữ. Trong hoạt động công đoàn, chuyên đề này thường được giao cho Ban Nữ công ! Thực ra, nếu ban Nữ công không phụ trách chuyên đề này thì cũng... không biết phải giao cho ban nào, nhưng nếu việc này được xem như việc riêng của các bà, các chị, thì e rằng không ổn.
Theo số liệu của các hội nghị phụ nữ thế giới thì phụ nữ làm việc bằng 2/3 tổng số thời gian làm việc của thế giới, sản xuất ra 1/2 tổng sản phẩm của thế giới, nhưng lại hưởng thụ 1/10 thu nhập thế giới và chiếm tỷ lệ cao trong số người mù chữ và người nghèo.
Phụ nữ gồm một nửa nhân loại, vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi một nửa nhân loại ấy không được hưởng đầy đủ quyền của mình ? Nếu thế giới này mất đi phần nửa lực lượng lao động này thì sẽ ra sao ?
Một xã hội cũng không thể phát triển bền vững nếu vẫn còn tồn tại mãi cái quan điểm: “Phụ nữ phải làm tốt việc nhà trước đã rồi mới tham gia việc xã hội” hoặc để cho phụ nữ tự mình phấn đấu làm tròn cả 2 nhiệm vụ việc nước việc nhà, đấy là 1 kiểu tư tưởng phong kiến muốn đẩy phụ nữ vào bốn bức tường của gia đình để nam giới xây dựng xã hội theo quan điểm họ.
Chúng ta nhìn vào các hình thức hoạt động của phụ nữ nhân dịp những ngày lễ 8/3, 20/10 như: “Hội thảo về giới” – “Nuôi con khoẻ dạy con ngoan” kế hoạch hóa gia đình” – “ Tọa đàm” – “Hội thi kiến thức pháp luật” – “Hội thi cắm hoa, nấu ăn”.
Các phong trào của phụ nữ như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” “Nuôi con khoẻ dạy con ngoan” “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”.v.v...
Qua phát động và tổng kết các phong trào và hoạt dộng này đã nói lên được khả năng và đóng góp của phụ nữ cho gia đình và xã hội, đã khẳng định được vai trò người phụ nữ trong giai đoạn mới.
Điều chúng ta quan tâm là các hoạt động mang tính chất giới nêu trên vẫn chưa tạo được sự tham gia của đông đảo nam giới. Như trên đã nói, phụ nữ gồm một nửa nhân loại, điều đó có nghĩa là, một nửa này hay một nửa kia chưa thực sự được tiến bộ thì xã hội cũng chưa thể thực sự tiến bộ. Vấn đề bình đẳng không phải là phụ nữ dành quyền, hay đòi hưởng ưu đãi, mà cả nam và nữ cùng ngồi lại, nhìn xem có những lực nào cản trở sự tiến bộ của phụ nữ và cùng nhau tìm cách giảm bớt những lực cản này lại, tạo cơ hội cho người nữ, góp phần cho sự tiến bộ của nhân loại.
Muốn như vậy, các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ phải được xem là sự nghiệp chung. Xuất phát từ quan điểm trên, nên ta thấy các đồng chí phụ trách ban vì sự tiến bộ phụ nữ thường là nam giới, là người có vị trí chủ chốt trong đơn vị.
Nhưng đi vào cụ thể, các hội thảo, các hội thi, tọa đàm... vẫn chỉ thấy chị em là chính ! Từ khâu tổ chức, chuẩn bị đến các phát biểu tham luận. Chị em nói, chị em nghe. Các đồng chí lãnh đạo (thường là nam giới) sẽ đọc lời biểu dương và khen thưởng. Rất nhiều bài phát biểu của lãnh đạo rất chân tình và đánh giá đúng được công sức của chị em. Đây là việc làm rất cần thiết và trân trọng. Nhưng để đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp bình đẳng giới, thiết nghĩ, chúng ta nên bổ sung thêm cách thực hiện, với mục tiêu tạo được sự tham gia của mọi người, cả nam và nữ.
Trước hết, sự có mặt của nam giới trong các sinh hoạt nói trên phải thực sự là sự tham gia, vì lâu nay các anh chỉ dừng ở mức độ tham dự.
Trong tọa đàm, hội thảo, chúng ta mong muốn được nghe suy nghĩ của cả 2 giới về các vấn đề: việc nước việc nhà, điều kiện học tập vươn lên của chị em, chuyện nuôi dạy con, chuyện tham gia lãnh đạo của phụ nữ.v.v... Khi cả 2 cùng lắng nghe, cùng trao đổi, chúng ta mới thấy được vấn đề nằm ở đâu để cùng tháo gỡ.
Sở dĩ tôi có ý nghĩ trên, vì có đôi khi, vấn đề nằm ở ngay trong chúng ta mà ta không để ý. Thí dụ, phụ nữ khi bị đối xử không công bằng thì thường đổ cho nam giới, mà đôi khi quên rằng, chính phụ nữ cũng vẫn còn nhiều suy nghĩ an phận, cam chịu cái gọi là số phận phụ nữ, rất nhiều chị em vẫn coi việc nhà là việc của phụ nữ, không tạo cơ hội cho nam giới chia sẻ công việc, cứ một mình mang trọn gánh nặng hai vai ! Rồi một số nam giới còn tính gia trưởng, cũng thấy thế là bình thường, không hề ý thức là mình đang bất công với chính người thân của mình ! hoặc trong giáo dục con cái, vẫn còn phân biệt đối xử, vẫn còn nam trọng nữ khinh... vậy thủ phạm là ai ? – theo tôi, chính là cái tư tưởng phong kiến đã thành nếp nghĩ, cách nhìn quá quen thuộc, chính vì thế, chúng ta không thấy những “vấn đề” trong những chuyện tưởng như bình thường đang xảy ra hàng ngày. Hãy luôn cảnh giác với tư tưởng này vì nó quá quen thuộc đến mức chúng ta ít khi nhận ra.
Như vậy, để tháo gỡ dần những lực cản ngay trong suy nghĩ của mỗi người, có nhiều cách làm, nhưng trước tiên, không chỉ riêng phụ nữ hô hào kêu gọi mà được. Các bạn thử nghĩ xem, trong các chuyên đề như: bình đẳng giới, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, kế hoạch hóa gia đình, tổ chức tốt đời sống gia đình, phấn đấu học tập... nếu chỉ giao trách nhiệm cho phụ nữ thôi, như vậy có công bằng không ? mà tại sao lại chỉ là phụ nữ, khi các vấn đề trên luôn có hình ảnh quá rõ nét của người đàn ông ? Trách nhiệm của các anh, của chúng ta quá rõ ràng, làm sao để mặc phụ nữ với những lời ca ngợi phụ nữ phấn đấu, phụ nữ tiến bộ được ???
Tiến bộ xã hội là tiến bộ chung, gia đình là tế bào then chốt của xã hội, trong đó có cả nam và nữ, con cái là con của cả người cha người mẹ, là tương lai chung của đất nước, vậy vấn đề trách nhiệm chung đã rõ, xin mời các anh vào cuộc, vì chỉ có cách tạo được sự cân bằng thật sự mới đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong phát triển. Xét cho cùng, phụ nữ phát triển đâu chỉ vì bản thân họ ?
Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách nhìn vấn đề để đối tượng được mở rộng hơn.
Là việc chung, nên không chỉ nữ nghe chuyên đề nữ và không nhất thiết chỉ có ban nữ công mới làm công tác giới, mà các ban thi đua, chính sách, tuyên giáo.v.v... nên phát huy cách nhìn tích cực ở góc độ giới trong hoạt động của mình.
Bình đẳng giới không phải là làm dùm cho phụ nữ mà là tạo cơ hội, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy được năng lực bản thân. Càng không phải là tạo chỗ dựa, mà là giúp họ đứng vững trên đôi chân của mình. Bởi vì góp phần xây dựng xã hội là trách nhiệm, là niềm vui của nữ giới./.