Trả lời: Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 146 điều, không có đoạn mở đầu và không có chương quy định riêng cho người nước ngoài như Luật Đất đai 1993.
Luật Đất đai khẳng định, Nhà nước giữ quyền định đoạt cao nhất đối với đất đai, đồng thời quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và của từng cấp chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đại diện.
Nhà nước có quyền hưởng lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất. Nhà nước trao quyền sử dụng đất (SDĐ) cho người SDĐ thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền SDĐ đối với người đang SDĐ ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người SDĐ.
Với việc làm rõ vai trò của Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Luật Đất đai đã phân định rõ ranh giới giữa quyền của chủ sở hữu đất đai với quyền của người SDĐ, nâng cao nhận thức của người SDĐ về nghĩa vụ của họ đối với chủ sở hữu đất đai.
Quản lý nhà nước về đất đai: đầy đủ và hoàn chỉnh
Luật Đất đai không giao cho phường, thị trấn, các xã thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị lập quy hoạch SDĐ mà do UBND cấp trên trực tiếp lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Đồng thời, có những quy định cụ thể để tránh tình trạng quy hoạch, kế hoạch SDĐ “treo” như hiện nay.
Về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, Luật 2003 tiếp tục phân cấp cho địa phương và thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc thu hút các dự án đầu tư và nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý sử dụng đất đai.
Nếu như Luật Đất đai 1993 quy định chỉ thu hồi đất khi đã có dự án đầu tư cụ thể, thì nay, Luật Đất đai 2003 quy định: Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch SDĐ được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu SDĐ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, nhằm để chủ động quỹ đất cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, Luật quy định: Nhà nước giao cho tổ chức phát triển quỹ đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập để thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và trực tiếp quản lý quỹ đất đã thu hồi đối với trường hợp sau khi quy hoạch, kế hoạch SDĐ được công bố mà chưa có dự án đầu tư.
Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Luật quy định: Cấp nào có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, thu hồi đất thì cấp đó có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, tuy nhiên tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể ủy quyền cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ. Còn việc đăng ký quyền SDĐ được thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền SDĐ (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường).
Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 cũng ghi nhận nhiều quy định đổi mới về giải quyết tranh chấp, khiếu nại và quản lý tài chính về đất đai.
Chế độ sử dụng đất (nhiều loại).
Luật Đất đai hiện hành chia đất đai thành sáu loại, vừa theo mục đích SDĐ, vừa theo địa bàn. Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mục đích SDĐ nêu trên, đồng thời để quản lý đất nông nghiệp bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định phân chia đất thành 3 nhóm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng, trong mỗi nhóm đất được phân thành nhiều loại đất cụ thể và có quy định quản lý, sử dụng theo từng loại đất đó nhằm tạo điều kiện cho việc quản lý vĩ mô của Nhà nước, thuận lợi cho người sử dụng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyền dịch cơ cấu kinh tế. Luật quy định rõ ràng về hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp, chế độ sử dụng đất ở (vườn, ao). Đặc biệt, Luật Đất đai 2003 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất một lần cho Ban quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Ban quản lý được giao lại đất, cho thuê đất cho người đầu tư vào Khu công nghệ cao, khu kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Quyền, nghĩa vụ của người SDĐ: mở rộng hơn
Luật Đất đai 2003 quy định, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền SDĐ hoặc thuê đất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động trong SDĐ, huy động nguồn thu ngân sách từ quỹ đất và tạo thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.
Luật Đất đai cũng bổ sung quyền tặng, cho quyền SDĐ; mở rộng đối tượng được xây dựng, kinh doanh nhà ở kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Luật Đất đai dành một chương quy định về các thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất theo hướng cơ chế “một cửa”, thủ tục hồ sơ đơn giản, thời gian thực hiện các thủ tục không kéo dài, nhằm đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, không gây phiền hà cho dân.
Luật cũng quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và SDĐ.
Tòa soạn và Bạn đọc
TCCT
Hỏi: Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, vậy Toà soạn có thể cho biết một số nội dung đổi mới chủ yếu của Luật này.
Hoàng Trung Hiếu, Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình.