Thành công toàn diện... còn nhiều thách thức!

Có thể khẳng định rằng, năm 2003 là năm mà ngành Công nghiệp Việt Nam gặt hái được nhiều thành công nhất từ trước tới nay, với GTSXCN đạt 302.990 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2002, giá trị tăng thêm (

Như vậy, nếu so với những năm trước, GTSX luôn ở mức cao, thì ngược lại, phần giá trị tăng thêm lại luôn luôn ở mức thấp và thường không hoàn thành kế hoạch so với chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Điều này chứng tỏ, sản xuất- kinh doanh của ngành Công nghiệp đã có sự tăng trưởng về chất, một yếu tố quan trọng, không những nói lên tính hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh mà còn thể hiện khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp ngày càng được cải thiện, nhất là khi chúng ta phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ CEPT/AFTA và tới đây là WTO.

Thành công là như vậy, song theo đánh giá của Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, thì nhìn một cách tổng thể, khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn yếu so với nhiều nước trong khu vực. Sản phẩm làm ra còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, không ổn định, mà giá thành lại ở mức quá cao. Chính vì thế, yếu tố được đánh giá có tính quyết định đến khả năng cạnh tranh của Ngành là chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất- kinh doanh, trình độ khoa học công nghệ, năng lực quản lý... thì lại đang trong trình trạng thấp kém... Hiện nay, năng suất lao động ở các doanh nghiệp thuộc ngành Công nghiệp thấp hơn từ 2- 15 lần so với các nước trong khu vực và tế giới, mức tiêu hao năng lượng và nguyên liệu cho một đơn vị sản phẩm cao hơn 1,2- 1,5 lần. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ và trang thiết bị sản xuất chủ yếu còn lạc hậu, xếp vào loại trung bình yếu (không kể đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), mà nếu so với các nước có nền công nghiệp phát triển, lạc hậu hơn họ từ 2- 3 thế hệ.

Năm 2003, xuất khẩu của toàn Ngành đạt giá trị trên 13,8 tỷ USD, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước, song theo đánh giá của Bộ trưởng, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 1,45 tỷ USD, thì các doanh nghiệp trong nước phải nhập siêu lên đến 5 tỷ USD. Điều này cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chủ yếu để đầu tư, mở rộng sản xuất, nhưng cũng cần phải xem xét lại hiệu quả của hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ngành. Cho dù về cơ cấu nhập khẩu, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là nhập khẩu nguyên vật liệu (khoảng 63-64%), tiếp đến là máy móc, thiết bị phụ tùng (khoảng 30%), còn lại là hàng tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng ổn định khoảng 6-7%. Nếu xét về tỷ lệ thâm hụt, thì đây là điều đáng mừng vì nhập khẩu hàng tiêu dùng không tăng, nhưng cũng đáng lo vì chưa có sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu nhập khẩu, điều đó thể hiện, các doanh nghiệp vẫn chưa tự vươn lên làm chủ ở khâu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, công nghiệp phụ trợ còn chưa phát triển, nên tỷ trọng nhập khẩu còn cao, làm cho giá trị gia tăng trong xuất khẩu còn thấp. Ngành dệt may là một ví dụ điển hình. Mặc dù, trong suốt những năm qua, xuất khẩu của ngành này có mức tăng trưởng vượt bậc, nhưng phần đóng góp “thực tế” vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế lại không tương xứng, do nhập khẩu các loại vật tư tăng nhanh hơn nhiều so với xuất khẩu. Cụ thể, chỉ riêng kim ngạch nhập khẩu 4 loại vật tư, bông, sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày trong năm 2003, lên tới 4 tỷ USD, tăng 33,16% so với năm 2002.

Bên cạnh những mặt hạn chế trên, điều đáng lo ngại trong thực tế phát triển thời gian qua của ngành Công nghiệp, đó chính là phát triển chỉ thiên về chiều rộng, theo lối gia công, lắp ráp là chủ yếu (mà chưa chú trọng đến đầu tư phát triển theo chiều sâu, để nâng tỷ trọng chế biến, đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và dịch vụ hạ tầng hợp lý), nên hiệu quả sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm đi, dẫn đến việc phát triển công nghiệp chưa ổn định và thiếu vững chắc (chênh lệch giữa GTSXCN và tăng trưởng giá trị gia tăng GDP ngày càng dãn ra: năm 2001, giá trị này là 4,3%, thì đến năm 2002 là 4,5% và năm 2003 lên đến 5,7%). Đây chính là thách thức lớn nhất và cũng bài toán cần phải có lời giải sớm, nếu như chúng ta muốn có ngành Công nghiệp thực sự và đủ mạnh.

Do vậy, để tìm biện pháp tháo gỡ những hạn chế trên, tiếp tục đưa Ngành phát triển một cách toàn diện trong thời gian tới, Bộ Công nghiệp đã đề ra một số giải pháp quan trọng, bao gồm:

Thứ nhất, về vấn đề sản xuất và thị trường tiêu thụ: Phải có phương án chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng cường chế biến các loại sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, đồng thời ưu tiên sản xuất những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Từng bước khẳng định sản phẩm chủ lực trong mỗi doanh nghiệp, kết hợp với đa dạng hoá sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và đa dạng hoá phương thức bán hàng. áp dụng mọi biện pháp (kể cả về kỹ thuật - công nghệ và quản lý) để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, kết hợp với nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng để tạo ra sức cạnh tranh cao của sản phẩm cũng như cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về công tác đầu tư: Khâu đột phá được Bộ xác định quan trọng là phải chủ động tìm biện pháp huy động các nguồn vốn khác nhau; trong đó, chú trọng đến hình thức huy động vốn cổ phần của cả tư nhân và các tổ chức... nhằm huy động được nhiều nguồn và chia sẻ bớt rủi ro. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để từng bước tham gia vào thị trường chứng khoán, cũng như tập trung chỉ đạo để đảm bảo tiến độ thực hiện đối với các dự án đầu tư trọng điểm, có vai trò thúc đẩy nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng. Đặc biệt, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư với tư cách là người quản lý và vận hành công trình sau khi hoàn thành xây dựng.

Thứ ba, về việc sắp xếp đổi mới DNNN: Tiếp tục sắp xếp lại một số tổng công ty theo hướng, củng cố các Tcty thuộc các ngành mà Nhà nước cần nắm vai trò chủ đạo; giải thể, sáp nhập các Tcty quá yếu hoặc không cần giữ vai trò chủ đạo, chi phối, đẩy mạnh công tác cổ phần hoá ở mọi nơi có đủ điều kiện. Tổ chức rút kinh nghiệm để mở rộng mô hình quản lý công ty mẹ- công ty con.

Thứ tư, về công tác Khoa học & công nghệ: Tiến hành triển khai đánh giá lại trình độ công nghệ của các ngành sản xuất. Đồng thời, hoàn thiện Chiến lược phát triển KH & CN các ngành công nghiệp đến năm 2010 và lộ trình Công nghệ của các Tcty đến năm 2005 và 2010, gắn liền với chiến lược, quy hoạch phát triển sản xuất, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế...

  • Tags: