Bao giờ mới có thể ra đời Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội?

Sau nhiều năm trì hoãn, việc chuẩn vị cho ra đời TTGDCK Hà Nội đã có tiến triển khả quan hơn. Đặc biệt, UBND Tp Hà Nội khẳng định: sẽ hỗ trợ tích cực để TTGDCK sớm ra đời, đáp ứng yêu cầu xây dựng Hà

Ngày 5 tháng 3 năm 2004, Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) Hà Nội đã tổ chức một cuộc gặp với đại diện các công ty chứng khoán (CTCK) để thông báo về kế hoạch sẽ khai trương hoạt động vào tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay.

Theo các chuyên gia thì, cách làm của TTGDCK Hà Nội có một số điểm được cải tiến, khác với cách làm được áp dụng tại TTGDCK Tp. HCM, hứa hẹn một khả năng sôi động hơn đối với các giao dịch tại đây. Lãnh đạo UBND Tp Hà Nội cho rằng: Nếu TTGDCK Tp.HCM là "sân chơi" của các doanh nghiệp lớn, thì TTGDCK Hà Nội lại là "sân chơi" của những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là những công ty đã cổ phần hoá, có vốn từ 5-30 tỉ đồng. TTGDCK Hà Nội có thể sẽ xây dựng một cơ chế giao dịch riêng cho các doanh nghiệp này. Lãnh đạo TTGDCK Hà Nội cho rằng: Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là những doanh nghiệp năng động, dễ thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, việc huy động vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay chủ yếu của những doanh nghiệp này là tự tiết kiệm, vay người quen, bạn bè hoặc vay vốn ngắn hạn từ ngân hàng. Nhưng ngay cả khi đi vay ngân hàng, các doanh nghiệp này cũng gặp phải khó khăn về thế chấp.

Vấn đề cơ bản nhất hiện nay vẫn là hàng hoá cho thị trường. UBCKNN sẽ phối hợp với các ban ngành thuộc UBND TP Hà Nội lựa chọn những doanh nghiệp làm ăn tốt hoặc doanh nghiệp đã cổ phần hoá có thể xem xét bán bớt cổ phần của Nhà nước trong doanh nghiệp nhằm tăng lượng hàng hoá cho thị trường. Theo Dự án, mô hình giao dịch TTGDCK Hà Nội được xây dựng trên cơ sở trước mắt phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hàng hoá giao dịch, ngoài các cổ phiếu, sẽ có trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư. Riêng trong năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 10 loại cổ phiếu được niêm yết trên thị trường trong ngày khai trương.

Tuy vậy, để vận hành ổn định bộ máy TTCK Hà Nội cũng còn nhiều vấn để cần phải giải quyết.

- Thứ nhất là thời gian giao dịch. Hiện tại, TTGDCK TP. HCM thực hiện giao dịch 5 phiên/tuần vào các buổi sáng và mỗi phiên khớp lệnh hai lần. Với mức độ giao dịch lớn như hiện nay, các CTCK chỉ kịp nhập lệnh và thông báo kết quả giao dịch vào các buổi sáng, toàn bộ công việc xử lý số liệu, kế toán... được thực hiện vào buổi chiều. Nếu TTGDCK Hà Nội cũng thực hiện giao dịch vào buổi sáng thì công việc tại CTCK sẽ bị dồn lên rất nhiều, còn nếu tiến hành giao dịch vào buổi chiều thì chẳng lẽ, CTCK phải xử lý số liệu vào ban đêm? Rõ ràng, đây là một vấn đề cần được tính đến một cách kỹ lưỡng, vì ngoài mục tiêu tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, còn phải tính đến khả năng thực thi của các CTCK.

- Thứ hai là về hệ thống giao dịch. ý tưởng của Trung tâm là duy trì hai hệ thống giao dịch cùng một lúc, đó là khớp lệnh định kỳ đối với các chứng khoán niêm yết và khớp lệnh liên tục đối với các chứng khoán đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, để hiển thị các giao dịch này, rõ ràng mỗi sàn phải trang bị thêm 2 bảng điện tử, điều này đòi hỏi những khoản chi phí không nhỏ. Trong tương lai, giao dịch tại TTGDCK Hà Nội sẽ sôi động và đa dạng, thì khi đó, đại diện giao dịch của các CTCK và chính các CTCK cũng khó có thể xử lý một cách chuẩn xác một khối lượng lớn lệnh của nhà đầu tư.

- Thứ ba, là việc truyền dữ liệu từ TTGDCK ra các CTCK. Theo dự kiến, việc truyền dữ liệu sẽ được thực hiện dưới dạng text, tuy nhiên, dữ liệu đưa ra kiểu này không tốt và không an toàn. Nên chăng TTGDCK Hà Nội tính đến việc truyền theo kiểu kết nối cơ sở dữ liệu của Trung tâm với cơ sở dữ liệu của các thành viên.

 - Thứ tư, là đại diện giao dịch. Mô hình của TTGDCK TP. HCM là mỗi CTCK hiện có 2 đại diện tại Trung tâm. Theo đánh giá của các CTCK, hai đại diện này là không cần thiết, thậm chí lại chính là nơi gây ách tắc giao dịch, bởi họ phải nhập lại các lệnh của nhà đầu tư (sau khi đã được nhân viên tại sàn nhập một lần), mà sức người thì có hạn nên rất dễ nhầm lẫn, sai sót. Do đó, TTGDCK Hà Nội không nên áp dụng mô hình đó nữa, mà nên đầu tư một hệ thống giao dịch mới theo hướng các CTCK nhập lệnh trực tiếp từ nhân viên tại sàn và chuyển vào khớp tại Trung tâm.

- Thứ năm, là hệ thống kết nối. Nhiều CTCK cho rằng, không nên áp dụng theo cách của TTGDCK TpP. HCM, mà TTGDCK Hà Nội cần đưa ra một kết nối chuẩn, sau đó cho các CTCK được lựa chọn hình thức kết nối.

- Ngoài ra, hoạt động phát hành cổ phiếu đang diễn ra rất lộn xộn, thiếu sự quản lý và nếu không được kiểm soát kịp thời thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tương lai của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Hà Nội nói riêng.

- Các doanh nghiệp còn đang do dự, chờ đợi, nghe ngóng thực tế hoạt động của thị trường hoặc chưa muốn phát hành chứng khoán rộng rãi ra công chúng mà chỉ phát hành nội bộ...

Bên cạnh đó, những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh, thiếu kiến thức về lĩnh vực tài chính tiền tệ, ngân hàng, cũng như chứng khoán là một nguyên nhân có tác động không nhỏ tới quyết định tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam của doanh nghiệp.

Muốn TTGDCK hoạt động sôi nổi thì phải có nguồn hàng và trước hết là phải sớm đưa ra tiêu chí hàng hoá giao dịch tại Trung tâm cho từng chủng loại (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ…). Việc đề ra các tiêu chí phải làm sao không có sự cách biệt về mặt địa lý. Tức là, doanh nghiệp có thể được lựa chọn nơi niêm yết, TTGDCK Tp. HCM hoặc TTGDCK Hà Nội. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp chỉ muốn đăng ký giao dịch mà chưa muốn niêm yết, thì TTGDCK cũng nên đáp ứng nhu cầu này. “Nếu TTGDCK Hà Nội đảm trách được việc đăng ký giao dịch chứng khoán (chưa niêm yết), sẽ xoá bỏ được thị trường giao dịch cổ phiếu ngầm hiện nay. Tuy nhiên, ở đây lại đặt ra vấn đề là tiêu chuẩn doanh nghiệp được đăng ký giao dịch là gì, cơ chế quản lý các doanh nghiệp này như thế nào”. Về việc tạo hàng, cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, không chỉ đối với các doanh nghiệp niêm yết trong năm nay, mà cần thiết với cả các doanh nghiệp tiềm năng. Bởi để được niêm yết, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán và nhiều thủ tục khác, nên nếu không có sự chuẩn bị trước thì công tác tạo hàng dễ rơi vào tình trạng “đứt quãng” như tại TTCK chính thức thời gian vừa qua.

Một vấn đề mà nhiều người đang lo ngại là lộn xộn phát hành chứng khoán chưa niêm yết. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy khá nhiều thông tin về phát hành cổ phiếu của các công ty cổ phần. Có vẻ như thị trường phát hành đang diễn ra một cách công khai và sôi động. Nhưng thực tế là hoạt động phát hành cổ phiếu đang diễn ra rất lộn xộn, thiếu sự quản lý và nếu không được kiểm soát kịp thời thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tương lai của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Ai quản lý hoạt động phát hành chứng khoán chưa niêm yết? Hiện tại, mảng hoạt động phát hành chứng khoán chưa niêm yết vẫn còn bị bỏ trống và ”khoảng trống” này không biết bao giờ mới lấp được. Mặc dù trong Nghị định 144/2003/NĐ-CP (ngày 28/11) của Chính phủ đã có những quy định về việc phát hành chứng khoán ra công chúng, nhưng khái niệm này còn rất sơ lược. Hơn nữa, trong Nghị định 144/2003/NĐ-CP cũng không phân biệt rõ việc phát hành của tổ chức niêm yết và tổ chức chưa niêm yết. Trong thực tế, ủy ban Chứng khoán nhà nước chỉ kiểm soát việc phát hành chứng khoán của các tổ chức niêm yết. Các đối tượng còn lại là nằm ngoài sự quản lý.

Điều nguy hiểm ở chỗ, rất nhiều tổ chức thực hiện phát hành thông báo với nhà đầu tư về kế hoạch sẽ tham gia TTCK, nhưng cho đến nay, không có ai kiểm soát việc hiện thực các kế hoạch này. Các công ty cứ hứa và sau đó không làm thì cũng... chẳng sao.

Một số người có tâm huyết với TTCK đang đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị định về phát hành chứng khoán chưa niêm yết. Nghị định này đang được ủy ban Chứng khoán nhà nước phối hợp với các cơ quan chức năng soạn thảo. Tuy nhiên, đến nay thì chưa ai có thể trả lời được Nghị định này bao giờ mới ban hành và có thể ”bao” được hết những ”khoảng trống” hiện nay hay không...? Tới đây, chắc chắn các nhà soạn thảo còn phải đối mặt với sự phản ứng từ những doanh nghiệp vốn đã quá quen với cách làm tự do lâu nay. Nhiều người cho rằng, Nghị định về phát hành chứng khoán chưa niêm yết nếu có ra đời thì việc kiểm soát hoạt động này cũng không dễ, vì hiện nay hoàn toàn chưa có chế tài nào để xử lý các vi phạm cả!

Nhiều nhà phân tích lo ngại, nếu như việc quản lý hoạt động phát hành vẫn cứ lỏng lẻo như hiện nay thì TTCK sẽ rất khó phát triển. Đơn giản là, khi các tổ chức không niêm yết phát hành tự do thì sẽ không có đơn vị nào muốn niêm yết và đây chính là lực cản lớn của TTCK. Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu cần phải được sự quản lý chặt chẽ bởi một đầu mối duy nhất; hay nên chăng, công ty sau khi đã phát hành phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin như đối với một doanh nghiệp niêm yết...? Trật tự bao giờ mới được lập lại? Câu trả lời phụ thuộc vào các nhà quản lý.

Hiện nay, nền kinh tế thị trường của chúng ta đã có những bước tiến, nhưng mức độ phát triển vẫn chưa thực sự đồng bộ. Bằng chứng là, lâu nay các doanh nghiệp chỉ nhìn vào kênh huy động qua hệ thống ngân hàng và nhìn vào vốn ưu đãi của nhà nước. Tuy nhiên, các kênh này giờ đây đều rất hạn chế.

             Tóm lại, giá trị giao dịch trên TTCK hiện nay mới bằng khoảng 2 - 3% GDP, cho dù đây vẫn được coi là một kênh huy động vốn rất lớn và rất có tiềm năng. Tuy nhiên, trở ngại lớn trong việc phát triển đồng bộ các kênh huy động vốn vẫn là tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực cũng như tình trạng bao cấp về vốn vẫn tồn tại. Mặt khác, TTCK Hà Nội sẽ phải đương đầu với khó khăn lớn là chọn đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Các DNVVN không những vốn ít, mà còn thiếu điều kiện để tham gia TTCK. Hiện nay, số doanh nghịêp đủ điều kiện niêm yết trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ có 50 doanh nghiệp, trong đó có 20 doanh nghiệp có vốn từ 10 tỷ đồng trở lên và 30 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng đến gần 10 tỷ đồng.

             Dự kiến, số doanh nghiệp niêm yết trong các năm 2004, 2005, 2006 tương ứng là 12, 21 và 17. Tại Hà Nội, trong 20 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng khi được hỏi thì chỉ có 3 doanh nghiệp dự kiến niêm yết vào năm 2004, 9 doanh nghiệp dự kiến niêm yết năm 2005 và 8 doanh nghiệp dự kiến niêm yết vào năm 2006.

  Bên cạnh đó, kiến thức quản lý nói chung và về TTCK nói riêng của các ông chủ DNVVN chưa đáp ứng yêu cầu của TTCK. Thêm vào đó, tầm nhìn của các nhà quản lý về TTCK còn non và khung pháp lý chưa hoàn thiện, cũng là những rào cản trong việc phát triển TTCK tại Việt Nam./.

  • Tags: