ở Trung Quốc, các loại hình tổ chức hợp tác xã bao gồm hợp tác xã khu, hợp tác xã cung tiêu, hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã chuyên nghiệp.
Tổ chức hợp tác xã khu: Là tổ chức kinh tế tập thể cấp xã (thị trấn) được hình thành trên cơ sở tổ chức kinh tế tập thể cấp thôn, với tổ dân thôn của công xã nhân dân trước đây. Những năm qua, các địa phương Trung Quốc đã thực hiện cải cách hợp tác xã khu, thực hiện kinh doanh hai cấp ở mức độ khác nhau và đạt được kết quả đáng kể. Từ đó, Trung Quốc đã chính thức xác định thể chế kinh tế hợp tác xã khu "kết hợp thống nhất với phân tán" là cơ sở quản lý và phát triển sản xuất - kinh doanh ở nông thôn Trung Quốc. Năm 1998, Hội nghị Trung ương lần thứ 3 của Đảng cộng sản Trung Quốc đã thông qua "Thể chế kinh doanh hai cấp kết hợp thống nhất với phân tán là chế độ kinh doanh cơ bản lâu dài của nông thôn Trung Quốc ". Công tác phục vụ nông hộ của tổ chức hợp tác xã khu cũng được triển khai mạnh mẽ. Kể từ khi thực hiện chế độ khoán đến hộ gia đình, các nông hộ được tự chủ sản xuất - kinh doanh, sản xuất ở nông thôn Trung Quốc ngày càng phát triển. Ngày nay, cùng với sự phát triển của nông nghiệp, các tổ chức hợp tác xã khu đã được nông dân thành lập ngày càng nhiều ở Trung Quốc.
Tổ chức hợp tác xã cung tiêu: Là đơn vị tổ chức tạo nguồn vốn quan trọng trong lĩnh vực lưu thông ở nông thôn Trung Quốc. Trước đây, hợp tác xã cung tiêu mang tính chất tập thể. Từ năm 1984, sau khi Trung Quốc thực hiện "5 đột phá" với nội dung là: cán bộ của hợp tác xã cung tiêu do nông dân bầu ra; nông dân có thể tự do tham gia cổ phần; xóa bỏ chủ nghĩa bình quân; thực hiện phân phối theo lao động; mở rộng kinh doanh và phục vụ; linh hoạt trong việc ổn định giá cả và "6 phát triển" là: phát triển mạnh mẽ hệ thống phục vụ sản xuất hàng hóa; phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển kinh doanh nhiều chủng loại; phát triển mạng lưới thương nghiệp ở nông thôn; phát triển giáo dục và khoa học kỹ thuật. Các tổ chức hợp tác xã cung tiêu được khôi phục và thực sự mang tính chất kinh tế hợp tác, đã có điều kiện và phát triển theo đúng chức năng của mình, bảo đảm công tác tổ chức nguồn vốn từ sự đóng góp của nông dân, sao cho cân đối trong thu chi, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển hệ thống thương nghiệp, phục vụ một cách tốt nhất cho nông dân trong sản xuất và tiêu dùng. Hiện nay, chức năng chủ yếu của các hợp tác xã cung tiêu là: Động viên nông dân tích cực góp vốn; Phục vụ cung ứng, tiêu thụ có tính chất tổng hợp và xã hội ở nông thôn.
Tổ chức hợp tác xã tín dụng: Là tổ chức quan trọng trong lĩnh vực tiền tệ ở nông thôn Trung Quốc. Tổ chức này do nông dân đóng góp cổ phần. Trung Quốc coi hợp tác xã tín dụng là ngân hàng nhà nước. Từ năm 1983, Trung Quốc đã thực hiện cải cách hợp tác xã tín dụng với nội dung là khôi phục lại "3 tính" (Tính quần chúng và tổ chức, tính dân chủ trong quản lý và tính linh hoạt trong nghiệp vụ sản xuất- kinh doanh), đồng thời thực hiện thanh lý các cổ phần cũ, đền bù cổ tức, phân chia lợi nhuận theo mức độ tham gia kinh doanh, tiến tới xây dựng hợp tác xã tín dụng liên huyện để thay thế sự lãnh đạo trực tiếp của ngân hàng nông nghiệp. Nhờ thực hiện cải cách hợp tác xã tín dụng có hiệu quả, các nông hộ ở Trung Quốc đã tham gia đóng góp cổ phần rất đông. Trong những năm qua, ở các vùng nông thôn Trung Quốc, có tới 80% nông hộ tham gia đóng góp cổ phần.
Năm 1999, các địa phương ở Trung Quốc còn tiến hành xây dựng liên hợp các hợp tác xã tín dụng để tăng cường hơn nữa quản lý hành chính đối với hợp tác xã này, đồng thời xây dựng chế độ kết hợp quản lý tự chủ của ngành với quản lý giám sát của Ngân hàng nhân dân để bảo đảm nguồn vốn trong lưu thông, phục vụ kịp thời cho sản xuất và bảo đảm lợi ích cho nhân dân.
Tổ chức hợp tác xã chuyên nghiệp: Là tổ chức được phát triển và xây dựng từ hệ thống hợp tác xã cung tiêu, chủ yếu phục vụ cho kinh doanh của các hộ gia đình ở nông thôn Trung Quốc. Mô hình này không những thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, tạo sự sống động trong kinh tế thị trường, mà còn góp phần quyết định cho triển vọng kinh tế hợp tác ở nông thôn Trung Quốc. Từ năm 1991, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành " Thông tư về tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ xã hội hóa nông nghiệp, coi hợp tác xã nông nghiệp là một Trung Quốc trong những hình thức phục vụ xã hội hóa tốt nhất và yêu cầu các cấp, các ngành phải giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tổ chức này. Đồng thời còn yêu cầu các ngành tài chính, thương nghiệp giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, tư liệu sản xuất để giúp các tổ chức hợp tác chuyên nghiệp phát triển hơn nữa. Từ đó đến nay, các các tổ chức hợp tác xã chuyên nghiệp đã được thành lập rộng khắp với số lượng tăng lên đáng kể, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu và lợi ích của nông dân, thúc đẩy sản xuất tăng trưởng, đưa nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phát triển. Hiện nay, Trung Quốc có 2 loại hình hợp tác xã chuyên nghiệp là: 1. Do nông dân tự thành lập mà đứng đầu là một người có năng lực chỉ đạo, đã phối hợp và liên kết với nhau để mua tư liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hình thức này đạt được nhiều kết quả khả quan; 2. Các ngành và xí nghiệp tham gia liên kết với nông dân. Hình thức này đang được thực hiện phổ biến ở nông thôn Trung Quốc. Theo hình thức này, các ngành và doanh nghiệp không những tiết kiệm được chi phí kỹ thuật, cung cấp nguyên liệu mà còn giảm được chi phí cho việc đàm phán, ký kết, giao dịch và kiểm tra giám sát.
Quá trình phát triển kinh tế hợp tác xã ở nông thôn Trung Quốc có thể rút ra một số kinh nghiệm cho việc hình thành và phát triển kinh tế hợp tác xã ở Việt Nam là: Không thể dựa vào ý chí hay áp đặt việc hình thành hợp tác xã, mà cần tôn trọng nguyên tắc tự nguyện trong việc thành lập các hợp tác xã. Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất; Chức năng chủ yếu của hợp tác xã là làm dịch vụ cho sản xuất, còn sản xuất trực tiếp là của các hộ nông dân. Loại hình kinh doanh của hợp tác xã thường đa dạng; Xu hướng phát triển các hợp tác xã là giảm dần số lượng, nhưng nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; Nhà nước không can thiệp vào hoạt động của hợp tác xã, nhưng có vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của hợp tác xã theo những quy định của pháp luật. Đồng thời giúp đỡ các hợp tác xã về tài chính, quản lý, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ v.v...