1 Khái niệm quản lý nhà nước về ODA
Quản lý nhà nước về vốn ODA là sự quản lý của nhà nước đối với toàn bộ nguồn vốn ODA bằng quyền lực của nhà nước, thông qua cơ chế quản lý vốn ODA, nhằm thực hiện được các mục tiêu đặt ra đối với quá trình thu hút và sử dụng vốn ODA. Hoặc có thể hiểu: Quản lý nhà nước về vốn ODA là quá trình nhà nước lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra việc thu hút và sử dụng ODA, nhằm đạt được các mục tiêu của nhà nước đặt ra với kết quả và hiệu quả cao trong điều kiện phát triển của đất nước.
2 Tầm quan trọng của quản lý nhà nước về ODA
Vốn ODA là một nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng đối với các nước tiếp nhận trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng có thể sử dụng không hiệu quả, gây gánh nặng nợ nần cho đất nước nếu như không có sự quản lý nhà nước chặt chẽ.
Phải nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý nhà nước về vốn ODA vì các lý do chủ yếu sau:
Thứ nhất, Thực chất giá trị thực tế của vốn ODA thấp hơn giá trị danh nghĩa của nó.
Điều này có nghĩa tính ưu đãi của vốn ODA giảm, chi phí để có vốn này sẽ tiến gần tới vốn thương mại trên thị trường tài chính, nếu không có sự quản lý chặt trong thu hút thì chi phí này càng cao. Thể hiện:
+ Chi phí thực tế mà nước tiếp nhận phải trả để sử dụng vốn ODA lớn hơn tiền lãi phải trả cho nhà tài trợ. Vì chi phí thực tế mà nước tiếp nhận phải thanh toán bằng tiền lãi vay, theo: tỷ lệ lãi suất + phí thủ tục vay + chi phí liên quan đến khoản ODA (chi phí có ghi trong hợp đồng và chi phí tiềm ẩn).
+ Nhà tài trợ ràng buộc điều kiện đối với vốn ODA khi nước tiếp nhận phải chấp nhận một phần giá trị khoản ODA là hàng hoá dịch vụ do nhà tài trợ đó sản xuất (Trung bình là ở mức 20% giá trị vốn ODA). Giá cả phải trả cho hàng hoá, dịch vụ này thường cao hơn giá cả mà hàng hoá, dịch vụ đó bán trên thị trường thế giới. Hoặc trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật, thì bên nhà tài trợ yêu cầu trả lương cho các chuyên gia, cố vấn dự án của họ ở nước quá cao so với chi phí thực tế cần thuê chuyên gia như vậy trên thị trường lao động thế giới.
- Các nhà tài trợ có quyền chủ động nhất định trong quyết định cung cấp ODA theo dự án, chương trình. Do đó, các dự án, chương trình mà các nhà tài trợ này lựa chọn để cung cấp vốn ODA lại có thể không phải là dự án quan trọng và tối ưu nhất đối với nước tiếp nhận. Vì thế, chi phí mua sắm thiết bị, công nghệ với giá trị rất lớn, nhưng công suất sử dụng không cao hoặc phải bỏ ra chi phí cao về dịch vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ và chi phí phải trả do thất nghiệp xuất hiện.
- Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên hay gánh nặng nợ nước ngoài của nước tiếp nhận sẽ tăng lên.
Giá trị các khoản ODA mà nước tiếp nhận chủ yếu lấy ngoại tệ mạnh làm đơn vị tính toán như: đô la Mỹ, đồng Yên của Nhật, đồng Euro. Tuy nhiên, trong thời gian dài của khoản vốn ODA, giá trị các đồng tiền này luôn biến động như đồng yên của Nhật là một đồng tiền chuyển đổi tự do, nhưng không phải là đồng tiền thực sự mạnh và ổn định và các dự án hỗ trợ phát triển của JBIC (Nhật Bản) thì lấy đồng Yên làm đơn vị tính toán. Vì thế, khoản vốn ODA luôn chứa đựng rủi ro về ngoại hối. Mặt khác, đồng tiền của nước tiếp nhận bị mất giá trong khoảng thời gian sử dụng vốn do các yếu tố như: lạm phát ở nước tiếp nhận cao hơn ở các nước phát triển và nước tài trợ (tính ổn định của nền kinh tế nước tiếp nhận kém hơn) tình trạng thâm hụt cán cân thương mại luôn thường trực, không có sự cải thiện nhiều về tài khoản vốn nên nhu cầu về ngoại tệ mạnh lớn hơn cung về ngoại tệ. Vì thế, khoản vốn ODA phải hoàn trả theo đồng nội tệ ngày càng tăng lên.
Những chi phí gián tiếp phải trả cho các khoản vốn ODA.
Nước tiếp nhận vốn ODA ít nhiều phải chấp nhận các ràng buộc về mặt kinh tế và chính trị.
Về kinh tế, nước tiếp nhận phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập khẩu hàng hoá của các nước tài trợ, ví như Việt Nam mở cửa hơn đối với mặt hàng ô tô của Nhật Bản và Mỹ vào năm 2006; thực hiện cam kết hiệp định thuế quan vào 2003 với các nước ASEAN.
Từng bước mở cửa thị trường bảo hộ cho những danh mục hàng hoá mới của nhà tài trợ chiếm lĩnh thị trường nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng hoá nước tiếp nhận ở thị trường nội địa.
Có những ưu đãi đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài như cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lợi cao, giá thuê mặt bằng sản xuất và các dịch vụ rẻ cũng như có được đơn đặt hàng của chính phủ. Ví như Việt Nam cho phép các nhà đầu tư vào ngành Bưu chính - Viễn thông, thực hiện một loại giá trên cả nước (sẽ xoá bỏ sự phân biệt về giá giữa người Việt Nam và người nước ngoài).
Chính những ràng buộc này đã làm ngân sách Nhà nước mất đi một khoản tiền thu từ thuế nhập khẩu, thuế đối với các doanh nghiệp trong nước do hàng hoá của doanh nghiệp này bị mất chỗ đứng trên thị trường. Thuế thu nhập cá nhân và những khoản lương của những công nhân bị thất nghiệp do tác động của việc phải mở cửa thị trường.
Như vậy, nếu không đàm phán chi tiết với nhà tài trợ để giảm chi phí và không quản lý chặt việc sử dụng thì giá trị thực tế của vốn ODA thấp hơn nhiều so với giá trị danh nghĩa hay lãi suất vốn ODA mà nước tiếp nhận phải trả tiền sát với lãi suất thị trường tài chính quốc tế.
Thứ hai, nước tiếp nhận dễ bị rơi vào tình trạng sử dụng không hiệu quả nguồn vốn ODA.
Quan điểm nhìn nhận về vốn ODA của nước tiếp nhận còn nhiều hạn chế. Do giai đoạn đầu tiếp nhận vốn ODA chủ yếu là vốn hỗ trợ phát triển không hoàn lại nên hình thành trong tiềm thức và suy nghĩ, thói quen của chính phủ nước tiếp nhận vốn ODA và những tổ chức sử dụng nguồn vốn này là cứ vốn ODA là cho không và sử dụng không tính toán kỹ lưỡng, nên dễ xuất hiện hiện tượng tham nhũng và lãng phí trong tổ chức sử dụng.
- Trình độ và kinh nghiệm quản lý nguồn vốn ODA còn thấp, thể hiện trong khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA vào các lĩnh vực chưa hợp lý, khả năng đàm phán thuyết phục các nhà tài trợ chưa cao; khả năng khảo sát, xây dựng dự án còn kém, nên xảy ra hiện tượng, tình trạng theo hồ sơ, theo dự án thì đem lại hiệu quả cao nhưng khi đầu tư, sử dụng vốn thì rơi vào tình trạng thua lỗ.
Do vậy, nếu vốn ODA sử dụng và thu hút ở nước tiếp nhận không hiệu quả thì không những các nước này không khai thác được những ưu đãi, những mặt tích cực của vốn ODA phục vụ cho kế hoạch tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà còn đẩy họ vào tình trạng nợ nần tăng thêm khi đó lỗ hổng về tiết kiệm, đầu tư, thương mại không được cải thiện mà còn xuất hiện thêm lỗ hổng lớn trong tài khoản vốn do nguồn thu ngoại tệ từ ODA không còn, trong khi đó phải xuất ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Vì thế, cán cân thanh toán quốc tế càng bị thâm hụt trầm trọng, sẽ gây ra phá giá đồng nội tệ. Nếu bị một cú sốc về dầu mỏ hoặc thị trường xuất khẩu bị tổn thương thì nền kinh tế sẽ bị rơi vào khủng hoảng kinh tế như Braxin, Achenchina, Thái Lan (1997). Kết cục là khủng hoảng xã hội sẽ xảy ra.
Chính vì vậy, vấn đề quản lý nhà nước về vốn ODA được đặt ra mang tính khách quan và cần tổ chức thực hiện tốt, nhằm nâng cao hiệu qủa thu hút và sử dụng vốn ODA phục vụ quá trình tăng trưởng và phát triển của nước tiếp nhận vốn ODA. Thực tế đã khẳng định, việc tiếp nhận vốn ODA là con giao hai lưỡi. Nếu nước tiếp nhận vốn ODA tổ chức quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn này, khai thác triệt để những ưu điểm của nó và hạn chế những bất lợi có thể xảy ra thì vốn ODA là một nguồn ngoại lực quan trọng góp phần vào quá trình tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Ví dụ như trường hợp thành công của Nhật Bản vào giai đoạn 1950-1960, Hàn Quốc vào giai đoạn 1960-1970. Ngược lại, nếu quản lý và sử dụng không hiệu quả thì vốn ODA trở thành gánh nặng nợ nần cho đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, xu thế trên thế giới hiện nay là các nước đang phát triển luôn muốn thu hút các khoản vốn ODA và đồng thời nghiên cứu và đưa ra các phương pháp quản lý nhà nước có hiệu quả, để khai thác thế mạnh của nguồn vốn này trong quá trình phát triển đất nước./.