PV: Trước hết, xin Ông đánh giá sơ bộ về kết quả đạt được từ khi Việt Nam tham gia thực hiện Hiệp định AICO đến nay.
Ông Cao Quốc Hưng: Hiệp định Hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO) được Bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN ký kết và thực hiện tháng 4/1996. Với mức thuế ưu đãi 0-5%, Hiệp định AICO thực chất là một bước thực hiện trước có điều kiện của Hiệp định CEPT/AFTA cho các sản phẩm công nghiệp chế tạo. Công nghiệp chế tạo có vai trò thúc đẩy chính cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đem lại những sản phẩm mới, sáng tạo ra phương pháp sản xuất mới, cùng với đổi mới quản lý sẽ giữ cho ASEAN tính cạnh tranh và hiệu quả. Chính vì vậy, Chính phủ các nước ASEAN đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào chương trình hợp tác khu vực này.
Cho đến ngày 20/05/2003, tổng cộng trong toàn khối ASEAN đã có 167 đơn xin gia nhập AICO, trong đó có 108 đơn được phê chuẩn, 37 đơn bị từ chối hoặc tự rút, 22 đơn đang được xét duyệt. Tổng kim ngạch trao đổi của các cơ cấu AICO ước tính đạt trên 1,181 tỷ USD mỗi năm.
Đối với Việt Nam, đến nay đã có 06 đơn xin thành lập cơ cấu AICO, trong đó có 05 đơn trong ngành điện tử, 01 đơn trong ngành ô tô. Đã có 02 đơn được cấp giấy phép, 01 đơn đang xét duyệt, 02 đơn tự rút do môi trường kinh doanh thay đổi, 01 đơn bị phía nước ngoài từ chối. ¦ớc tính, kim ngạch thương mại trao đổi của các cơ cấu AICO này đạt khoảng 10 triệu USD/năm.
Thông qua các cơ cấu AICO của Việt Nam, một số doanh nghiệp đã trở thành nhà cung cấp chi tiết, phụ tùng vệ tinh (trong công nghiệp điện tử). Ví dụ như Công ty Điện tử Tân Bình (VTB) qua cung cấp linh kiện cho Công ty Liên doanh Sony Việt Nam, VTB đã phát triển sản xuất các loại cuộn dây trong TV (cuộn lái tia, cuộn khử từ); VTB cũng được Sony Việt Nam hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng 6 Sigma (tương đương với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9002), tạo thêm được khoảng 50 chỗ làm việc trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp. Đặc biệt hơn, các cơ cấu AICO trong ngành điện tử đã phần nào thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện tử Việt Nam. Chính trong quá trình hợp tác quốc tế khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội trưởng thành, tiếp cận với công nghệ, phương thức sản xuất mới, với môi trường cạnh tranh của thị trường khu vực. Ngoài ra, như trên đã đề cập, vì đây là bước thực hiện trước của AFTA, nên các công ty chưa tham gia AICO, nhưng hoạt động trong các lĩnh vực có cơ cấu AICO đã có ý thức hơn và có điều kiện làm quen dần với môi trường cạnh tranh của AFTA, qua đó, từng bước cải tiến, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bằng các sản phẩm của mình.
Với cơ cấu AICO, các doanh nghiệp của Việt Nam có điều kiện mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình và kêu gọi đầu tư nước ngoài. Mặc dù không được đề cập đến trong Hiệp định gốc (Basic Agreement), song lĩnh vực đầu tư luôn được khuyến khích khi các công ty đề xuất thành lập, xây dựng các cơ cấu AICO. Có thể các công ty Việt Nam cần đầu tư thêm để đáp ứng các yêu cầu của thị trường khu vực; cũng có thể các doanh nghiệp FDI sử dụng lợi nhuận tại chỗ để đầu tư mở rộng sản xuất; và cũng có thể đầu tư nước ngoài được thực hiện mới bằng các hình thức đầu tư mới, hoặc trợ giúp của công ty mẹ, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chia sẻ thị trường, tạo điều kiện phát triển, gia tăng sản xuất trong lĩnh vực chế tạo.
PV: Xin Ông cho biết, ngành Công nghiệp Việt Nam sẽ có thuận lợi và khó khăn gì khi tham gia chương trình AICO mới sau ngày 1/01/2003? Những ngành công nghiệp nào sẽ có nhiều lợi thế ?
Ông Cao Quốc Hưng: Từ ngày 1/01/2003, khi thuế suất CEPT/AFTA của các nước ASEAN 6 đã đạt mức 0-5%, các mức thuế ưu đãi mới cho Chương trình AICO được thoả thuận sửa đổi như sau: Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia đồng ý áp dụng mức thuế AICO ưu đãi là 0%; Philippies: 0 - 1%; Thái Lan: 0 - 3%; Myama và Việt Nam: 0 - -5%. Việc sửa đổi này tạo điều kiện cho các công ty chú ý hơn tới việc thành lập, xây dựng các cơ cấu AICO trên thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các nước thành viên mới, xét đến mức độ phát triển không đồng đều và lịch trình giảm thuế khác nhau của các nước thành viên, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng quyết định về việc nghiên cứu xây dựng chương trình AICO đặc biệt, tạo điều kiện giúp đỡ các nước thành viên mới gồm Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam (CLMV) tham gia vào chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN.
Trong khi công nghiệp chế tạo của Việt Nam đang phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, thì sự chuyển hướng này sẽ tạo cho Việt Nam một số cơ hội nhất định. Các công ty trong các lĩnh vực điện tử, chế tạo phụ tùng ô tô, xe máy... có thể nghiên cứu tham gia vào chương trình AICO, tranh thủ các cơ hội đem lại do lợi thế đi sau đem lại từ quá trình thay đổi công nghệ... Đã có một số mô hình thực tế như: Các công ty liên doanh đầu tư chế tạo các sản phẩm xuất khẩu, hay các các công ty 100% vốn nước ngoài tại các khu công nghiệp, các khu chế xuất, khi tham gia vào chương trình AICO có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình cho các doanh nghiệp ASEAN. Đáp ứng các tiêu chuẩn hàm lượng ASEAN hay hàm lượng nội địa là một cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Giảm thuế nhập khẩu là loại bỏ đi một trong những rào cản lớn nhất trong thương mại. Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư, hài hoà hoá tiêu chuẩn, đảm bảo tính minh bạch và đơn giản của thủ tục hải quan, khuyến khích các công ty tham gia vào chương trình AICO sẽ giúp Việt Nam từng bước hội nhập đầy đủ với khu vực và thế giới. Sẽ có một số ngành có lợi thế tham gia vào chương trình AICO như: Công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô xe máy, công nghiệp dầu và hóa mỹ phẩm, công nghiệp cơ khí chế tạo.
Bên cạnh đó, trong khi khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc đang được đàm phán để thành lập thì ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cũng có thể tìm kiếm các cơ hội trong tương lai để xuất khẩu các sản phẩm AICO sang thị trường Trung Quốc, là thị trường lớn và cũng không quá khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình xây dựng, đề xuất và thực hiện chương trình AICO. Trước hết, đó là thiếu các thông tin kinh doanh, mạng lưới kinh doanh và bạn hàng còn hạn chế. Điều này làm cho các doanh nghiệp nội địa ít có điều kiện thiết lập cơ cấu AICO. Cách hiểu, giải thích và áp dụng các quy định hải quan đối với các sản phẩm AICO nhiều khi chưa rõ ràng, thủ tục xét duyệt tương đối phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài cũng là một trong những khó khăn của việc thực hiện Hiệp định AICO. Tính chung trong toàn khối ASEAN, thời gian xét duyệt trung bình cho mỗi đơn xin gia nhập AICO là 5-7 tháng, trong khi quy định chỉ là 45 ngày. Cá biệt có những trường hợp, khi cơ cấu AICO được chấp thuận quá chậm, đã làm lỡ cơ hội kinh doanh và doanh nghiệp không còn khả năng thực hiện cơ cấu đề xuất. Các nước ASEAN đang thảo luận khả năng thành lập một cơ quan chuyên trách theo dõi và giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, giải quyết nhanh, dứt điểm các vấn đề liên quan, giúp đỡ các doanh nghiệp tranh thủ các cơ hội tham gia vào hệ thống phân công lao động khu vực và thế giới.
PV: Vậy, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp, Bộ Công nghiệp sẽ có những hoạt động gì để trợ giúp doanh nghiệp tham gia có hiệu quả vào chương trình này?
Ông Cao Quốc Hưng: Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Công nghiệp là cơ quan đầu mối, thường trực giúp lãnh đạo Bộ Công nghiệp và Chính phủ quản lý Chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN. Thời gian qua, Vụ HTQT đã tham mưu, đề xuất hoàn thiện các văn bản pháp lý, làm minh bạch hóa các thủ tục nộp đơn và quá trình xét duyệt, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện AICO. Vụ HTQT cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức tuyên truyền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội tham gia vào chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN. Đã có nhiều doanh nghiệp qua tìm hiểu Hiệp định AICO đã có những gợi mở hết sức thiết thực, khi đánh giá những tác động của việc thực hiện AFTA, thông qua đó, đã giúp xây dựng được chiến lược kinh doanh trung và dài hạn thích hợp.
Trong quá trình trao đổi xây dựng các cơ cấu AICO, Vụ HTQT sẽ cố gắng cung cấp các thông tin về thị trường khu vực, thủ tục pháp lý, các thông tin về đối tác cũng như phân tích, đánh giá tác động của từng cơ cấu, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định AICO, hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định, Vụ HTQT cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các diễn đàn hợp tác công nghiệp khu vực, qua đó doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp khu vực, gợi mở các cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
PV: Xin chân thành cảm ơn Ông.