Phát triển năng lượng mới ở Việt Nam: Vẫn đang "đi bộ trên đường đua"?

Năng lượng mới - xu thế phát triển mang tính toàn cầu Thế giới những năm 70, thế kỷ XX - một cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến cho cả nhân loại lo lắng về sự thiếu hụt các nguồn nhiên liệu. Đó là

 Trong khi đó, nguồn năng lượng truyền thống (hoá thạch, thuỷ năng…) vốn được coi là nguồn năng lượng chủ yếu hiện tại, và có thể sử dụng trong khoảng 4 - 5 thập kỷ nữa giờ đây đang cạn dần và trở nên đắt đỏ. Các nhà kinh tế năng lượng trên thế giới đã cảnh báo: Hành tinh của chúng ta có thể tiếp tục lâm vào khủng hoảng năng lượng có tính tàn phá ở thời điểm 2050 - 2060, nếu chúng ta không tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống hiện có, và nếu không phát triển sử dụng các dạng năng lượng sạch tái tạo.
Chính vì lẽ đó mà gần đây, các nước phát triển đang trong xu thế giảm dần tỷ lệ sử dụng xăng dầu cho các loại động cơ đốt trong. Thay vào đó, các nước nói trên đang phấn đấu tăng tỷ lệ cồn được chiết xuất từ thực vật để giảm thiểu nhập khẩu xăng dầu.  Ngay như chính phủ Mỹ, một mặt nắm chặt quyền kiểm soát các khu vực có nguồn dầu mỏ lớn như Trung Đông, và các “điểm nóng” chiến lược trong mạng lưới vận chuyển dầu mỏ trên thế giới, mặt khác, họ tập trung phát triển các dạng năng lượng sạch tái tạo như nhiên liệu sinh học. Tổng thống Mỹ G.Bush tại Hội nghị khẩn cấp bàn về an ninh năng lượng đã nói: “Chúng ta phải sử dụng công nghệ kỹ thuật để phát triển nguồn năng lượng mới…”. Những nghiên cứu tận dụng các chất phế thải, thậm chí cả hoa quả để tái tạo các loại năng lượng sạch, đang trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Những nước đã thành công trong việc nghiên cứu và ứng dụng các dạng năng lượng mới phải kể đến Brazin, Mỹ, Canada, Mexico, Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…
Các hội nghị quốc tế và châu lục về năng lượng liên tục được mở ra. Vào đầu tháng 6 vừa qua, tại Bonn - CHLB Đức đã diễn ra Hội nghị quốc tế về năng lượng tái tạo. Hội nghị đã thu hút trên 1.000 đại biểu từ các châu lục, trong đó có cả Việt Nam. Một điều đặc biệt là, tất cả các đại biểu đến dự hội nghị này không sử dụng xe hơi với nhiên liệu truyền thống, mà sử dụng các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn sinh thái như chạy bằng quang điện, pin nhiên liệu hoặc nhiên liệu sinh học. Hội nghị đã kêu gọi các quốc gia cùng bắt tay để đẩy nhanh các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo. Năm 2000, CHLB Đức còn có cả một đạo luật về năng lượng tái tạo. Có thể thấy, CHLB Đức là một trong những nước luôn tiên phong trong việc đưa ra các chủ trương khuyến khích đối với vấn đề này. Những biện pháp khuyến khích sẽ được áp dụng đối với cả các nguồn năng lượng xanh khác như: năng lượng gió biển, các nhà máy thuỷ điện lớn. Với các chủ trương được hậu thuẫn về mặt chính trị chỉ trong vòng một thập niên, năng lượng gió đã trở thành nguồn cung cấp điện hiệu quả. Lĩnh vực năng lượng xanh còn tạo được việc làm cho hơn 135.000 nghìn người lao động, đồng thời kinh nghiệm của CHLB Đức cho thấy: Sự phát triển rộng rãi chưa từng thấy của năng lượng tái tạo không phải là kết quả của sự bao cấp của Nhà nước, mà nguồn kinh phí cung cấp cho quá trình sản xuất điện với giá thành cao hơn trước chính là kết quả phân bổ các khoản đóng góp cho tất cả những người tiêu thụ điện.
Tuy những dạng năng lượng sản xuất từ gió, nước, sinh khối thực vật Biomass và ánh sáng mặt trời, trên thực tế “nguyên liệu thô” thường là có sẵn và thường là miễn phí với khối lượng vô hạn, nhưng kinh phí đầu tư để khai thác sử dụng những nguyên liệu đó trong điều kiện hiện nay lại rất cao, cao hơn cả là chi phí trả cho hoạt động sản xuất điện từ ánh sáng mặt trời, vì đây là một hoạt động rất tốn kém. Chính phủ Đức còn hỗ trợ thêm cho quá trình xâm nhập thị trường của quang điện bằng cách, chấp thuận những khoản vay không lãi hoặc với lãi suất thấp. Chính những nguyên tắc này đã có một tác động không nhỏ đối với số tiền mà từng người sử dụng điện phải trả. Thủ tướng Đức, ông Gerhard Schroder đã tuyên bố trong hội nghị Bonn “Trong tương lai, hiệu quả của nguồn năng lượng sẽ trở thành những thương hiệu của các nền kinh tế thị trường thành công một cách bền vững trên toàn cầu. Bất cứ quốc gia nào không đặt nền móng từ bây giờ cho sự phát triển bền vững sẽ trở nên lạc hậu trong cuộc cạnh tranh quốc tế. Chúng ta đã bước vào một thời kỳ phát triển có khả năng đảm bảo tính hiệu quả nguồn năng lượng dài hạn”.
Và Việt Nam vẫn đang “đi bộ trên đường đua”?
Theo báo cáo của Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Viện Năng lượng Việt Nam, Tổng công ty Than Việt Nam, Petro Việt Nam, hơn 10 năm qua ở nước ta, việc khai thác năng lượng sơ cấp (than dầu khí, thuỷ năng) tăng trung bình 16,4%/năm. Sử dụng năng lượng sơ cấp tăng bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng trưởng  năng lượng cuối cùng tăng 11%/năm, cao hơn tăng trưởng kinh tế 1,46%. Dự báo trong những năm tới, trung bình mỗi năm, lượng khai thác than là 25 triệu tấn, dầu thô 20 triệu tấn, khí 18 - 20 tỉ m3. Như vậy, nếu có khai thác một cách  kinh tế, thì dầu khí cũng chỉ đủ dùng trong vòng 30 - 40 năm, than còn có khả năng sử dụng trong vòng hơn 60 năm, sau đó sẽ cạn dần, khai thác không kinh tế và giá thành cao. Nếu không có chính sách phát triển, sử dụng các dạng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo thì Việt Nam sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn nguồn năng lượng từ bên ngoài.
Ngay từ những năm 80 - 90 của thế kỷ XX, Việt Nam cũng đã bắt đầu có những chương trình cấp Nhà nước về năng lượng tái tạo do một số đơn vị tham gia. Tuy nhiên từ đó đến nay, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực này vẫn chỉ dừng ở hình thức nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát và cảm tính, chưa có sản phẩm được chuyển giao công nghệ để sản xuất với quy mô công nghiệp. Theo báo cáo tại Hội thảo về hoạt động nghiên cứu ứng dụng năng lượng mới & tái tạo ở Việt Nam của PGS - TS Đặng Đình Thống (Trường ĐHBK - HN), thì ở nước ta cũng đã nghiên cứu và ứng dụng được một số nguồn năng lượng như: năng lượng mặt trời (nghiên cứu ứng dụng công nghệ pin mặt trời cung cấp điện cho các khu vực nông thôn, miền núi và những nơi chưa có điện; nhiệt mặt trời chủ yếu để sản xuất nước nóng, nước sạch, chưng cất nước mắm, sấy sản phẩm công nghiệp, v.v...); thuỷ điện nhỏ phát triển mạnh ở các khu vực có điều kiện sông suối; khí sinh học đã được ứng dụng hàng chục năm, và cho đến nay vẫn chủ yếu dùng để làm nhiên liệu (nấu nướng, thắp sáng); Sử dụng năng lượng gió trong việc nghiên cứu ứng dụng các loại máy bơm nước, máy phát điện. Hiện nay, ở Việt Nam cũng đang thực hiện một số dự án lớn như: Chương trình hành động năng lượng mới, xây dựng kế hoạch phát triển ứng dụng năng lượng mới & tái tạo do Ngân hàng thế giới tài trợ; Dự án cung cấp điện bằng hệ thống pin mặt trời cho 300 trung tâm xã thuộc các khu vực miền núi đặc biệt khó khăn do Uỷ ban Dân tộc & Miền núi làm chủ đầu tư. Dự án điện gió lớn nhất đang được triển khai ở đảo Bạch Long Vĩ do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Cần có chiến lược mạnh mẽ và thống nhất
Tuy nhiên, những kết quả nêu trên so với thế giới còn quá nhỏ nhoi, và chưa phát huy hết tiềm năng hiện có, hầu như các dự án của nước ta đều phải có sự hỗ trợ từ nước ngoài. Mặc dù vậy, trong quá trình ứng dụng vẫn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, mà đặc biệt là ý thức của người dân. Chúng ta luôn đứng trước thực tế với một câu hỏi: Quản lý thế nào đây, sau khi dự án đã được hoàn thành? Bởi rất nhiều trường hợp hiệu quả sử dụng của các hệ  thống bị giảm trầm trọng do người dân tự ý thay đổi thiết kế ban đầu, hoặc sử dụng quá tải cho phép, không chăm sóc bảo dưỡng, thậm chí còn tự ý bán đi một số thành phần trong hệ thống đó… Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu luôn mong mỏi, Nhà nước cần có các chính sách rõ ràng về các nguồn tài nguyên hiện nay, nhất là chính sách cụ thể về năng lượng mới & tái tạo. Sự đầu tư cho lĩnh vực này còn rất nhỏ nhoi và hạn chế, điều kiện phục vụ việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng mới về vật chất và nhân lực còn thiếu thốn. Trước mắt, đối với các dự án năng lượng mới cần được miễn các loại thuế và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thích đáng ban đầu.
Đối với công tác quản lý trước và sau dự án, các nhà khoa học đã đặt vấn đề như sau: Có nên chuyển giao toàn quyền sở hữu cho địa phương quản lý, khi chưa ai dám chắc rằng, khả năng kinh tế của địa phương có thể đảm bảo trả một phần các chi phí vận hành bảo dưỡng. Hoặc sau một vài năm, khi một số thành phần trong hệ thống đó bị hư hỏng, liệu dân có thể tự mua sắm và thay thế được không, và sự cam kết giữa hai bên có được đảm bảo rõ ràng?… Vì vậy, nên chăng Nhà nước hãy ban hành một hệ thống các văn bản pháp quy, cho phép hình thành một thị trường trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng và đào tạo đội ngũ những người đủ trình độ, để đảm đương việc bảo dưỡng thường xuyên các hệ thống khi đã chuyển giao; Xây dựng một mạng lưới dịch vụ đến các vùng có dự án, để có thể xử lý kịp thời những sự cố xảy ra cho các hệ thống. Và quan trọng hơn là, cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện các vi phạm và có chế tài xử phạt đối với những người tự ý thay đổi hệ thống…
Về lâu dài, Chính phủ nên giao cho các Bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi phải tổng hợp khả năng chuyên môn cao của các ngành, các cấp và khả năng thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, vấn đề phát triển năng lượng mới ở nước ta đang rất cần có hành lang pháp lý, để tạo sự thống nhất, tập trung sức mạnh toàn dân, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có từ thiên nhiên. Hơn nữa, để tránh bị tụt hậu với xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.

  • Tags: