Bằng sự sáng tạo, dũng cảm, vượt qua nhiều thử thách, năm 2003, phân xưởng KT III của Xí nghiệp đã sản xuất được 120.000 tấn than, vượt kế hoạch cả năm trước 71 ngày, đảm bảo an toàn tuyệt đối, được Tổng công ty Than Việt Nam tặng Cờ thi đua Kỷ lục sản xuất than hầm lò với số tiền thưởng 80 triệu đồng. Những ngày còn lại của năm 2003, phân xưởng khai thác thêm 15.000 tấn than, nâng công suất lò chợ lên 135.000 tấn/năm. Kỷ lục này là mức cao nhất của ngành Than Việt Nam từ trước đến nay. Lý giải về thành công này, Giám đốc - Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Nguyễn Xuân Dung, người đã nhiều năm lăn lộn với mỏ cho biết: “Làm nghề mỏ rất gian khổ, nguy hiểm. Sản xuất than muốn đạt năng suất cao phải biết kết hợp nhiều yếu tố như: mở lò kiến thiết cơ bản, đi lò chuẩn bị tốc độ nhanh. Công tác cơ điện, vận tải, sàng tuyển phải điều hành một cách đồng bộ”.
Xí nghiệp đã đầu tư trên 30 tỷ đồng vào các mục tiêu trọng điểm, như áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, cải tạo hệ thống khai thác than và đào lò chuẩn bị theo hướng hiện đại hóa. Việc chỉ đạo sản xuất được thực hiện theo chu kỳ 3 ca liên tục. Các ca đều phân công tổ, nhóm, bậc thợ đúng người đúng việc. Nhờ đó, trong sản xuất, công nhân tự kiểm tra lẫn nhau, chủ động tháo gỡ được khó khăn như: nhanh chóng chuyển diện sản xuất khi gặp phay, khẩn trương làm hệ thống rãnh thoát nước từ nơi khai thác ra ngoài cửa lò. Vì vậy, trong năm qua, nhiều ngày trời mưa liên tục nhưng lò không bị ngập nước.
Suốt năm 2003, phân xưởng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, áp dụng nhiều sáng kiến có giá trị vào sản xuất, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ mới vào khai thác than lò chợ, chống cột thủy lực đơn, dùng giá đỡ thủy lực di động, thực hiện biện pháp khấu than bắn mìn visai… Những giải pháp này không những giúp cho phân xưởng đạt năng suất cao, mà còn đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò.
Song song với những cơ chế điều hành đồng bộ, Xí nghiệp có cơ chế trả lương hợp lý đến từng ca, từng tổ theo phương thức khoán khối lượng và định mức sử dụng vật tư, nhiên liệu…
Sau mỗi ca sản xuất, phân xưởng tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những cái yếu, phổ biến những cái hay, cái mới, nhờ đó, các ca thường xuyên vượt định mức từ 180 tấn đến 200 tấn, có ca đạt 260 tấn. Thu nhập của người thợ bình quân trong phân xưởng đạt từ 3-4 triệu đồng/người/tháng, có thợ lò thu nhập đạt hơn 5 triệu đồng/tháng.
Đi đôi với việc tăng tiền lương, nơi ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí của thợ lò cũng được cải thiện rõ rệt. Sau ca sản xuất, thợ lò có đủ nước nóng để tắm, quần áo, ủng có bộ phận giặt và sấy khô bằng hệ thống máy giặt liên hoàn. Bữa ăn giữa ca, sau ca được cải thiện, sức khoẻ thợ lò được nâng lên. Đặc biệt ngày 27/11/2003, phân xưởng KT III có 4 cán bộ công nhân xuất sắc là kỹ sư quản đốc Nguyễn Văn Điển, các thợ lò Nguyễn Khắc Hiếu, Đặng Văn Bính, Nguyễn Văn Cường vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp mặt thân mật tại Phủ Chủ Tịch cùng 90 cán bộ công nhân tiêu biểu của ngành Than. Điều đó càng khẳng định Đảng, Nhà nước rất quan đến đội ngũ thợ mỏ. Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước đã nhắc nhở đội ngũ thợ mỏ cần khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, xây dựng ngành Than vững mạnh, góp phần vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, những người thợ mỏ phân xưởng KT III và 2100 cán bộ công nhân Xí nghiệp Than Năm Mẫu càng tích cực phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giữ vững danh hiệu đơn vị dẫn đầu kỷ lục sản xuất than hầm lò ở Tổng công ty Than Việt Nam./.