Phương châm gắn nghiên cứu với sản xuất ở một viện nghiên cứu đầu ngành

Trong những năm gần đây, ngành Than có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Sản lượng khai thác than toàn ngành năm 2005 đã vượt qua cả kế hoạch năm 2010. Sự phát triển đó có sự đóng góp quan trọng của đội n

Viện Khoa học công nghệ Mỏ có tổng cộng 17 phòng, ban, đều gắn với hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng than. Quân số mỗi phòng chỉ khoảng hơn 10 người, nhưng khối lượng công việc thì khổng lồ. Chuyện “bỏ vợ” ở nhà bám mỏ 2-3 tháng là chuyện thường đối với dân nghiên cứu khoa học mỏ. Mãi rồi cũng thành quen, gia đình cũng phải hiểu và thông cảm, “dân mỏ là thế”. Đội ngũ kỹ sư của IMSAT hầu hết còn rất trẻ, nhưng gắn bó rất mật thiết với mỏ. Chẳng thế mà TS. Trần Minh – Trưởng phòng Điện – Tự động hóa đã tự tin nói: “Chúng tôi không bao giờ có cảm giác thiếu việc, chỉ sợ mình không đủ sức làm thôi”. Bí quyết thành công của IMSAT chính là theo sát hoạt động của phòng kỹ thuật tại các mỏ, tìm hiểu xem các mỏ cần gì, để từ đó có chương trình nghiên cứu phù hợp, gắn kết quả nghiên cứu với sản xuất, giải quyết những vấn đề mà sản xuất đang bức xúc.

Chính vì bám sát các mỏ, hàng ngày tiếp xúc với các bãi sàng tuyển than, đội ngũ kỹ sư của IMSAT mới nhận thấy, ngành Than đang dư thừa một lượng lớn than cám chất lượng thấp ở các mỏ và bùn than từ các nhà máy tuyển thải ra gây ô nhiễm môi trường. Thế là Phòng nghiên cứu sử dụng than được giao nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất hỗn hợp huyền phù than nước để phun vào các lò đốt, nồi hơi thay cho than cục và dầu dùng trong sản xuất xi măng, nhuộm, giấy, da giầy… Trên thế giới, công nghệ này đã có từ lâu nhưng nguyên liệu chủ yếu được dùng từ than có chất bốc cao. Trong khi, mục đích của nghiên cứu này là tận dụng than antraxit có chất bốc thấp. Do vậy, cần tìm được loại phụ gia để hỗ trợ cháy, đạt được độ ổn định cháy của hỗn hợp. Sau thời gian dày công nghiên cứu, Viện đã sản xuất thành công hỗn hợp huyền phù than nước đạt hiệu suất cháy trên 90%, các chỉ tiêu về khí thải đều nhỏ hơn theo TCVN qui định. TS. Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng phòng Nghiên cứu sử dụng than cho biết, hiện nay, Viện đang phối hợp với các đối tác nước ngoài để xây dựng dây chuyền sản xuất qui mô công nghiệp, tận dụng nguồn nguyên liệu than chất lượng thấp để tạo thành nguyên liệu có giá trị tương đương với dầu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Nói đến cơ giới hóa ngành Than, có lẽ công đầu thuộc về các kỹ sư của IMSAT. Năm 1978, ngành Than đưa cơ giới hóa vào mỏ than Vàng Danh nhưng không thành công, từ đó, nhiều người đã nghĩ, ngành Than Việt Nam không thể áp dụng được cơ giới hóa vào khai thác than hầm lò. Mãi đến năm 1997-1998, nhờ sự cố gắng kiên trì của Viện, sự hậu thuẫn của lãnh đạo Tổng công ty Than Việt Nam và quyết tâm của một số mỏ, ngành Than bắt đầu đưa cột thủy lực đơn và giá thủy lực di động của Trung Quốc vào khai thác than trong lò chợ. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của cơ giới hóa, nhưng sự thành công của nó đã đem lại sự tự tin cho ngành Than. Năm 2002, việc cơ giới hóa khai thác than hầm lò đã tiến thêm một bước khi máy khấu combai và giá thủy lực được đưa vào lò chợ. 

Đến năm 2004, dự án cơ giới hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất than tại Khe Chàm đã đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong sản xuất khai thác than. Với sản xuất thủ công, sản lượng lò chợ chỉ đạt 50-60.000 tấn/năm, khi áp dụng cơ giới hóa toàn bộ có thể nâng sản lượng khai thác của lò chợ lên 400-450.000 tấn/năm. Trong thành công này có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ kỹ sư IMSAT. Giai đoạn này, để tiết kiệm chi phí cho ngành Than, Viện đã nghiên cứu thành công giàn chống thủy lực tự động, với cơ cấu linh hoạt, thiết kế gọn nhẹ, phù hợp với địa chất mỏ Việt Nam, giá khoảng 40.000 USD, trong khi giá nhập từ 70.000-100.000 USD/giàn. Viện cũng phối hợp với các hãng sản xuất thiết bị của nước ngoài như CH Sec, CHLB Nga, Ba Lan… đặt hàng theo yêu cầu địa chất của từng mỏ, tránh lãng phí.

 Bên cạnh việc cơ giới hóa các mỏ, Viện cũng tiến hành xây dựng những trạm quan trắc các quá trình công nghệ tại mỏ than Mạo Khê và sắp tới là mỏ than Nam Mẫu và Mông Dương. Đi kèm các trạm này là các thiết bị lần đầu tiên được nghiên cứu chế tạo và ứng dụng tại Việt Nam như máy thông tin đàm thoại phóng thanh phòng nổ, camera phòng nổ, máy đo tốc độ gió, đầu đo khí mêtan, đo nhiệt độ, cảm biến trạng thái hoạt động thiết bị… Các thiết bị do IMSAT chế tạo đảm bảo độ tin cậy, giá cả phải chăng, góp phần giảm chi phí đầu tư của ngành Than.

 Mặc dù đã có kinh nghiệm, nhưng mỗi lần đi chuyển giao công nghệ cho cơ sở là một lần “đứng trước phòng thi”. Cảm giác hồi hộp, lo lắng. Chỉ đến khi máy móc vận hành suôn sẻ mới thở phào nhẹ nhõm. Còn không thì cứ việc bám máy đến bao giờ được mới thôi. TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Viện trưởng kể: “Năm 1999, tôi và anh em Phòng khai thác hầm lò đi lắp giá thủy lực di động ở mỏ Hà Lầm. Dự định đưa giá xuống từ ca 1 nhưng trục trặc kỹ thuật không vào được, sang đến ca 2 cũng vẫn không giải quyết được. Thế mà tất cả anh em kỹ thuật chúng tôi và của mỏ đều ở lại, ăn nghỉ ngay trong hầm lò 3 ca liên tục cho đến khi đưa được giá thủy lực vào lò chợ. Lòng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ kỹ thuật mỏ Hà Lầm năm ấy không bao giờ tôi quên”.

Nếu tiếp xúc với các cán bộ kỹ thuật chuyên gắn bó với các mỏ than, có lẽ sẽ còn rất nhiều chuyện để viết. Những gì tôi đã viết ở đây chỉ là một phần rất rất nhỏ trong muôn vàn công việc mà họ đã, đang và sẽ làm cho sự phát triển của ngành công nghiệp Than – một nguồn năng lượng quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển của cả nền kinh tế đất nước.

  • Tags: