Cô bạn hoạ sĩ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đi cùng chúng tôi cứ tấm tắc khen cái Lô-gô khu kinh tế Dung Quất sao mà “dễ thương” đến thế. Đó là tấm Lô-gô mà trên hình chữ nhật mầu vàng nhũ, có hai chữ cái đầu tiên Dung Quất được cách điệu trông tròn căng, xen vào nhau, ở giữa tạo hình cái cột dầu thẳng tắp đang rừng rực lửa. Nhìn tấm Lô-gô “dễ thương” ấy, tôi cứ nghĩ mãi về sự “truân chuyên” của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên được xây dựng trên đất nước ta.
Cách đây 8 năm, Quốc hội khoá X đã quyết định xây dựng nhà máy lọc dầu ở Dung Quất (Quảng Ngãi), với những tính toán về kinh tế, khoa học và các mặt khác một cách nghiêm túc và thận trọng. Lúc ấy có Tập đoàn dầu khí lớn ở nước ngoài cũng đề nghị cho đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu ở đây, nhưng Nhà nước không chấp nhận, vì họ đòi được trực tiếp phân phối sản phẩm. Mà ai cũng biết, nhà máy lọc dầu nếu chỉ sản xuất thì lợi nhuận thu được rất thấp, chỉ khoảng 6 - 7%, còn nếu vừa sản xuất vừa phân phối sản phẩm thì lợi nhuận gia tăng khoảng 15%. Tính toán ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là như vậy. Chúng ta dự kiến với số vốn 1,5 tỷ USD, cuối năm 2001 đầu năm 2002 nhà máy sẽ hoàn thành, đáp ứng 65% nhu cầu xăng, dầu trong cả nước. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực Đông Nam á năm 1997-1998 đã ảnh hưởng đến khả năng thu xếp nguồn vốn vay khoảng 700 triệu USD cho Dung Quất. Làm thế nào đây khi trong tay chưa sẵn có đồng tiền? Với bài học kinh nghiệm về liên doanh của mình, chủ đầu tư là Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã xin phép thành lập liên doanh với nước ngoài, để sử dụng phần lợi nhuận từ doanh thu bán sản phẩm được chia trừ dần vào vốn đầu tư ban đầu. Nhưng với nhiều lý do khách quan của phía liên doanh, nên liên doanh không kết quả. Cuối năm 2002, dù bạn chưa muốn, nhưng ta đã chủ động chấm dứt liên doanh và chuyển sang hình thức Việt Nam tự đầu tư.
Để chuẩn bị cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ra đời, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã làm dược một số công việc đáng ghi nhận. Đó là thuê được đội ngũ tư vấn đủ năng lực để bổ sung, cập nhật, phát triển hoàn chỉnh thiết kế tổng thể nhà máy, với công nghệ hiện đại, bảo đảm cho nhà máy có thể sử dụng nguồn nguyên liệu là dầu thô mà chúng ta đã khai thác được hoặc dầu thô nhập từ bên ngoài khi cần thiết. Sản phẩm của nhà máy sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường và có khả năng cạnh tranh trên thế giới. Điều đáng chú ý hơn là thiết kế tổng hợp của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thẩm định, phê duyệt và ký được hợp đồng với nhà thầu đủ năng lực để xây dựng theo hình thức tổng thầu chìa khoá trao tay. Chủ đầu tư đã chi cho dự án này 160 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà máy; đã và đang đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên kỹ thuật và chuyên gia để chuẩn bị cho việc tiếp nhận vận hành nhà máy. 150 kỹ sư đã được tuyển dụng và đang được đào tạo, thực tập ở nước ngoài về tiếng Anh chuyên ngành dầu khí...
Còn có thể kể ra nhiều công việc khác của chủ đầu tư, nhưng kết quả cuối cùng tiến độ thi công chậm khoảng 7 năm. Lẽ ra theo tiến độ, cuối năm 2001 hoặc đầu năm 2002 sản phẩm của nhà máy đã được đưa ra thị trường, nhưng đến nay thì...
Việc chậm tiến độ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đã gây lãng phí lớn về kinh tế, làm cho tổng mức đầu tư vượt 80% so với dự kiến ban đầu. ở Dung Quất, trừ cảng nước sâu, các công trình phụ trợ chưa phát huy được hiệu quả, làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, miền Trung và cả nước, ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI từ ngày 5/5 đến 14/6 vừa qua, vấn đề Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được đặt lên bàn nghị sự, được phân tích một cách thẳng thắn, và thấy đó là “khuyết điểm lớn của Chính phủ và Quốc hội, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng các công trình quan trọng quốc gia”. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định và yêu cầu Chính phủ “chỉ đạo kiên quyết để hoàn thành việc xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất trong năm 2008, đưa nhà máy vào sản xuất trong năm 2009. Đến năm ấy, nước ta sẽ có một nhà máy lọc dầu hiện đại, sản xuất hàng năm 6,5 triệu tấn xăng, dầu và một số sản phẩm khác, đảm bảo cung cấp 1/4 tổng lượng xăng, dầu của cả nước vào cuối thập kỷ này”.
Khu kinh tế Dung Quất, với diện tích 14.000 ha, được áp dụng chính sách đầu tư thông thoáng. Ngoài nhà máy lọc dầu, nhà máy PP, nhà máy đóng tàu, đã có vài chục dự án được cấp phép và đang xây dựng. Hiện có 15 dự án đi vào hoạt động và cuối năm nay có khoảng 30 dự án được khánh thành và đưa vào vận hành. Khu kinh tế Dung Quất là khu kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó có khu công nghiệp nặng, khu công nghiệp nhẹ, khu công nghệ cao, khu cảng biển, khu bảo thuế, các khu đô thị và khu du lịch sinh thái... Khi nhà máy lọc dầu số 1 ở đây khánh thành, sẽ là một chấm son của khu kinh tế Dung Quất, tạo đà để xây dựng nhà máy số 2, số 3 dự kiến ở Nghi Sơn (Thanh Hoá) và ở Bà Rịa - Vũng Tàu./.