Lợi nhuận thực hiện của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp (chưa kể các doanh nghiệp Dầu khí) năm 2001 đạt hơn 3.909 tỷ đồng; Năm 2002 ước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Tổng số nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm từ 7.000 đến 8.000 tỷ đồng, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng số thu trong nước của ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, đến 31/12/2002 tổng tài sản của các doanh nghiệp Công nghiệp thuộc Bộ (chưa kể dầu khí) bao gồm tài sản cố định và tài sản lưu động ước tính là 114.600 tỷ đồng, bằng 104% so với năm 2001 và bằng 116% so với năm 2000. Như vậy, quy mô sử dụng vốn cũng như khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp đều tăng so với những năm trước, nhiều công trình đầu tư xây dựng đang được triển khai đã không ngừng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp .
Tuy nhiên, tài sản cố định của các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp nhìn chung là cũ, giá trị còn lại thấp, ở một số ngành, đại đa số máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhiều năm, công nghệ kỹ thuật ở mức trung bình và lạc hậu so với khu vực và trên thế giới, điều này được thể hiện rõ nét tại các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành sản xuất chế tạo cơ khí, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất hoá chất... Giá trị còn lại tài sản cố định ước tính đến cuối năm 2002 là 57.513 tỷ đồng bằng 53% nguyên giá, trong đó thuộc nguồn vốn ngân sách là 17.623 tỷ đồng, chiếm khoảng 30%. Một số doanh nghiệp có giá trị còn lại tài sản cố định thấp như các doanh nghiệp thuộc ngành Rượu, Bia, Nước giải khát (giá trị còn lại khoảng 35%); Các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Điện tử tin học (khoảng 40%); Công ty Bánh kẹo Hải Hà (35%)...
Tài sản cố định chưa cần dùng, không cần dùng và chờ thanh lý chiếm khoảng 0,6 % giá trị còn lại của tài sản cố định. Nguyên nhân chủ yếu do đầu tư trong thời bao cấp để lại của như Công ty Diezel Sông Công - thuộc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp; Công ty Cơ khí Động lực Cẩm Phả, Công ty Cơ khí trung tâm Cẩm phả - thuộc Tổng công ty Than Việt Nam, Công ty Aptít Việt Nam....đến nay không còn phù hợp khi chuyển sang cơ chế thị trường. Từ thực tế đó, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất kinh doanh nên chỉ khai thác và sử dụng một phần hoặc không sử dụng hết năng lực nhà xưởng và máy móc thiết bị đã được đầu tư, do đó, giá trị tài sản cố định không cần dùng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tài sản cố định . Đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến ứ đọng vốn, gây nhiều khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp .
Nhìn chung những năm qua, các doanh nghiệp đã chú trọng và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng phần lớn là đầu tư chiều sâu với lượng vốn còn nhỏ, nhằm thay thế thiết bị cũ, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm để giảm sức ép cạnh tranh của hàng ngoại và hàng nhập lậu. Các công trình đầu tư mới, mở rộng tăng công suất để tăng nhịp độ phát triển trong giai đoạn tới được đưa vào sản xuất còn ít, chủ yếu là các công trình và vốn đầu tư vào ngành Điện (chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư của toàn Ngành), điều đó chưa tương xứng với vị trí quan trọng của một ngành kinh tế kỹ thuật của đất nước. Tổng tài sản lưu động của các doanh nghiệp thuộc Bộ khoảng 50.956 tỷ đồng, bằng 112% so với năm 2001.
- Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay: Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp tính đến cuối năm 2002 khoảng 49.059 tỷ đồng, bằng 43% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn kinh doanh 40.916 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn lưu động ngân sách cấp khoảng 3.900 tỷ đồng (mới đạt khoảng 53% so với định mức cần được Ngân sách cấp). Từ thực tế đó, những năm gần đây, do việc mở rộng sản xuất kinh doanh nhu cầu về vốn lưu động của các doanh nghiệp tăng nhanh, phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh, của các doanh nghiệp chủ yếu phải dựa vào vốn vay. Chi phí trả lãi vay chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp ( ước năm 2002 chiếm khoảng 2,1% tổng chi phí).
- Công nợ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp Công nghiệp. Tổng nợ phải trả ước đến cuối năm 2002 là 65.541 tỷ đồng, bằng 57% so với tổng tài sản và bằng 134 % so với nguồn vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ vay trung dài hạn chiếm 56% và dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng chiếm 27% tổng nợ phải trả. Qua đó cho thấy, tổng tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn vốn vay tương đối lớn. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chiếm tới 57% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp thuộc Bộ, riêng vay dài hạn chiếm tới 79,3% tổng dự vay dài hạn của toàn Ngành, vì tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành Điện bình quân hàng năm cũng chiếm khoảng gần 80% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp.
- Tổng nợ phải thu của các doanh nghiệp thuộc Bộ ước năm 2002 là 16.464 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi 345 tỷ đồng, bằng 2,1% tổng nợ phải thu.
* Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp trong những năm gần đây có tăng trưởng cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận thực hiện. Tổng doanh thu ước năm 2002 đạt 87.775 tỷ đồng tăng 11,2% so với năm trước. Lợi nhuận toàn Ngành ước năm 2002 đạt 4.501 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận thực hiện của các doanh nghiệp không cao, mặc dù về sản lượng cũng như doanh thu mỗi năm tăng bình quân hơn 10%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn kinh doanh; tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước thực hiện năm 2002 đều tăng so với năm trước. Nhưng nhìn chung, mức tăng còn thấp . Năm 2000, tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước là 8,1%; Năm 2001 là 8,6 %; Uớc năm 2002 là 9,2%. Theo báo cáo của các đơn vị, trong tổng số 327 doanh nghiệp Nhà nước thuộc các Tổng công ty và các ddoanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp thì có 30 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh còn thua lỗ, chiếm khoảng 9% tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp.
Đánh giá chung, tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong những năm gần đây đã từng bước được cải thiện, phần lớn sản xuất kinh doanh có lãi, đã bảo toàn và phát triển được vốn (vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2002 gấp khoảng 1,6 lần so với năm 1996). Một số ngành sản xuất công nghiệp sử dụng vốn có hiệu quả, vòng quay vốn lưu động tương đối cao như ngành Sữa, Rượu, Bia, Nước giải khát, Thuốc lá, Than, Hóa chất, Dầu thực vật... Trong xu thế hội nhập, mở cửa kinh tế các sản phẩm Công nghiệp của ta đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập lậu và hàng nhập khẩu của các nước trong khu vực và thế giới. Một số doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt cho hội nhập, tình hình tài chính còn khó khăn, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, nợ tồn đọng lớn. Một số doanh nghiệp mặc dù đã được Chính Phủ và các Bộ ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn về tài chính, giải quyết một số chính sách ưu đãi, nhưng do thua lỗ quá nặng từ những năm trước, nên đến nay vẫn chưa bù đắp được số lỗ, bị ăn vào vốn, do vậy kinh doanh kém hiệu quả, không trả được nợ, càng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Từ tình hình thực tế trên, để làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của các doanh nghiệp, từng bước tạo đà cho các doanh nghiệp trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và những giải pháp toàn diện từ chính bản thân Doanh nghiệp cộng với sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ về cơ chế chính sách từ phía Nhà nước. Từ góc độ của nhà quản lý, xin đưa ra một số giải pháp và kiến nghị cụ thể về vấn đề tài chính như sau:
* Đối với các doanh nghiệp:
1. Các doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ tính tất yếu phải tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cần quan tâm đến việc chuẩn bị hội nhập AFTA và WTO. Chủ động nâng cao trình độ quản lý, trình độ công nghệ của doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực khi tham gia hội nhập kinh tế. Củng cố và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài; Tổ chức quản lý tốt chi phí sản xuất, giảm chi phí trung gian, nhằm hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhất là đối với các ngành sản xuất các sản phẩm: giấy, dệt, điện tử dân dụng, sơn, phân bón, thép....
2. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết TW3, đảm bảo kế hoạch và tiến độ trong công tác cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo Quyết định 125/QĐ-TTg ngày 18-01-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp giai đoạn 2003-2005.
3. Tiếp tục củng cố và lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đối với những đơn vị có hiệu quả sản xuất kinh doanh kém do những nguyên nhân chủ quan, cần được chấn chỉnh trong công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính kế toán, đồng thời đề ra các phương án để khắc phục. Đặc biệt quan tâm đến các giải pháp ngăn chặn tái phát công nợ khó đòi, tài sản tồn đọng tại doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh thua lỗ. Đối với những vấn đề còn tồn tại do nguyên nhân khách quan, cần có kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan có liên quan để tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời.
4. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị dự phòng tài chính để đối phó với những năm đầu bước vào hội nhập như tính đủ các khoản dự phòng (giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ khó đòi, quỹ dự phòng mất việc làm). Đối với các doanh nghiệp có đủ điều kiện để trích khấu hao nhanh theo khế ước vay thì cũng nên thực hiện khấu hao nhanh, nhằm giảm bớt áp lực về chi phí giá thành sản phẩm và tạo đà cho những năm sau phát triển, đầu tư thu hồi vốn nhanh và tăng vòng quay vốn.
* Một số kiến nghị đối với Nhà nước.
1. Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho những ngành Công nghiệp quan trọng sản xuất ra tư liệu sản xuất phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Đây là những ngành có suất đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài và tỷ suất sinh lời thấp như các ngành Khai khoáng, Luyện kim, Cơ khí, Hoá chất cơ bản....để từ đó thúc đẩy các ngành khác phát triển. Có chính sách khuyến khích hỗ trợ vốn đầu tư vùng nguyên liệu gắn với sản xuất công nghiệp ( như vùng nguyên liệu giấy, cây bông, cây thuốc lá, cây có dầu và sản xuất phôi thép....).
2. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách kinh tế, tài chính tín dụng, chính sách thuế cho sát với thực tế và tình hình biến động của thị trường như cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự tích lũy vốn cho đầu tư phát triển: cho giữ lại lợi nhuận vượt năm trước để bổ sung vốn; Có biện pháp xây dựng các hàng rào kỹ thuật... nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, khi mà hàng loạt các sản phẩm, hàng hoá thuộc ngành Công nghiệp sẽ phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình CEPT-AFTA ( khoảng 600 mặt hàng Công nghiệp trên tổng số 755 mặt hàng sẽ phải cắt giảm thuế trong năm 2003). Trong đó chú trọng tới các sản phẩm có khả năng bị ảnh hưởng nhiều như sản phẩm giấy, điện tử dân dụng, dầu thực vật...nhằm vừa đảm bảo lộ trình tham gia CEPT-AFTA vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh chuẩn bị cho việc hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
3. Có chính sách thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh lại cơ cấu vốn một số ngành sản xuất đặc thù như đối với các ngành Khai khoáng, Luyện kim, Cơ khí, Dệt sợi, Phân bón... do có vốn đầu tư cho sản xuất lớn, thời gian thu hồi vốn dài và tỷ suất sinh lời thấp như được để lại lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng sản xuất, Nhà nước cần hỗ trợ vốn Ngân sách hoặc vốn ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư xử lý môi trường.
4. Điều chỉnh và sửa đổi lại Luật Phá sản doanh nghiệp cho phù hợp với thực tế và để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác về sắp xếp và đổi mới DNNN, nhằm tạo điều kiện về pháp lý cho các cơ quan chức năng tuyên bố phá sản đối với những DNNN đủ điều kiện phá sản trong trường hợp giám đốc, công đoàn DN và ngân hàng cho vay không chịu tuyên bố phá sản hoặc khởi kiện.