Thứ nhất, Việt Nam ký Hiệp định đầu tư với Nhật Bản, là quốc gia có vị trí quan trọng trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tai Việt Nam và là đối tác trong hợp tác kinh tế của Việt Nam.
Thứ hai, nội dung của Hiệp định không chỉ bao hàm các lĩnh vực sản xuất, nông, lâm - ngư nghiệp và khai thác mỏ, mà các lĩnh vực dịch vụ về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải, xây dựng , giáo dục, y tế ... Đây là các lĩnh vực rất nhạy cảm đối với các đối tác trong đàm phán.
Vấn đề khó khăn mất nhiều thời gian nhất trong các cuộc đàm phán Hiệp định này là danh mục loại trừ của phía Việt Nam gồm Phụ lục 1 danh mục loại trừ hoàn toàn và Phụ lục 2 danh mục loại trừ tạm thời. Việt Nam đã xây dựng danh mục loại trừ trên các nguyên tắc sau:
- Phù hợp với pháp luật, chính sách hiện hành của Việt Nam và chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế – xã hội .
- Phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia như Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA – Hiệp định có hiệu lực ngày 10/12/2001); Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA); Phương án đàm phán gia nhập WTO, có tính đến thời điểm mà Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế và quá trình hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới;
- Có tính đến thực tiễn đã áp dụng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích về sự không thống nhất của các chính sách hiện hành.
1. Quy định hiện hành không phù hợp với các cam kết của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BAT) như đối với ngành sản xuất Thuốc lá, chính sách của nhà nước không khuyến khích phát triển và nhà nước độc quyền sản xuất thuốc lá, ngừng lập các dự án mới về hợp tác sản xuất, gia công hoặc liên doanh với nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá (Nghị định 76/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá), nhưng trong Phụ lục H, khoản 3 của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, chỉ hạn chế xuất khẩu 80% sản phẩm trong 7 năm. Có những chính sách ban hành sau khi ký kết BTA nhưng cũng không phù hợp với BTA như danh mục sản phẩm công nghiệp yêu cầu xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm, trái với Quyết định 718/2001/BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục các sản phẩm công nghiệp, yêu cầu ít nhất 80% sản phẩm phải xuất khẩu về cả số lượng và loại sản phẩm.
2. Thực tiễn áp dụng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài không phù hợp ngay cả với các cam kết BTA như trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, đã cấp phép cho Công ty FUJITSU Ltd. 100% vốn của Nhật Bản với mục tiêu là phát triển, sản xuất và kinh doanh các phần mềm máy tính; cung cấp các dịch vụ thiết kế, tư vấn quản lý và phân tích hệ thống công nghệ thông tin, tạo nguồn cơ sở dữ liệu, huấn luyện khách hàng; bảo hành, bảo dưỡng mạng máy tính, phần cứng và phần mềm cùng cung cấp các dịch vụ có liên quan khác. Nhưng trong cam kết BTA về dịch vụ công nghệ thông tin lại hạn chế trong 2 năm đầu thành lập, chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ thứ hai liên quan đến vấn đề này là dịch vụ quảng cáo, phía Việt Nam có hạn chế chỉ cho phép đầu tư dưới hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó nếu theo hình thức liên doanh thì phần góp vốn của phía Nhật Bản tối đa là 49%, và sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì hạn chế này sẽ nâng lên thành tối đa 51%; sau 7 năm thì không có hạn chế về tỷ lệ vốn, có nghĩa cho phép 100% vốn của Nhật Bản (quy định này phù hợp với Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ). Tuy nhiên trên thực tế, có hai dự án Việt Nam đã được cấp giấy phép, đó là: thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp phép cho dự án Doanh nghiệp liên doanh giữa HAKUHODO (Nhật Bản) và Công ty Quảng cáo Sài Gòn, Giấy phép đầu tư số 2225/GP ngày 18/9/2001. Mục tiêu của dự án là cung ứng các dịch vụ quảng cáo thương mại, bao gồm dịch vụ hỗ trợ khách hàng, xây dựng chiến lược và kế hoạch, đăng ký lịch quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thiết kế, tạo mẫu quảng cáo. Trong đó HAKUHODO chiếm 65% vốn pháp định. Thứ hai là Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã cấp phép 100% vốn nước ngoài cho Công ty TNHH J.Walter Thompson Việt Nam (nay là Công ty TNHH WPP Marketing Communications Việt Nam, thành lập và hoạt động theo Giấy phép đầu tư số 172/GP-HCM do Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 5/10/2000).
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước “mở rộng, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế đối ngoại trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền, cùng có lợi”, chúng ta không có sự phân biệt các đối tác khác nhau trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các nhà hoạch định chính sách cần phải chú trọng:
- Cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là văn bản pháp lý cao nhất để thực thi. Khi có sự không phù hợp giữa cam kết quốc tế và quy định pháp luật hiện hành thì phải thực thi điều khoản nào có lợi nhất cho người được hưởng.
- Các quy định pháp luật mới ban hành phải phù hợp với các cam kết quốc tế đã tham gia.
- Cần rà soát , sửa đổi và loại bỏ các văn bản pháp luật đã ban hành cho phù hợp với các cam kết quốc tế đã tham gia.
Thực tiễn áp dụng và các quy định pháp luật hiện hành phải nhất quán.