Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa – Quảng Trị, gồm 5 xã và 2 thị trấn với diện tích 15.804 ha. Trong những năm 1998 trở về trước, địa bàn Khu Thương mại Lao Bảo là một khu vực miền núi heo hút, cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội chưa phát triển, hoạt động thương mại - dịch vụ chủ yếu diễn ra tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là XNK. Những năm gần đây, do được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã ngày một phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, sau 10 năm kể từ ngày thành lập (11/1998), Khu Kinh tế – Thương mại đặc biệt Lao Bảo đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhiều tiềm năng, lợi thế đã và đang được khai thác phát huy hiệu quả; Khu đô thị ngày một phát triển và đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.
Nhịp độ tăng trưởng GTSX công nghiệp – xây dựng của Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo trong giai đoạn 2000 – 2007 bình quân đạt 32,5%/ năm, trong đó, CN – TTCN tăng trưởng cao gấp 2 lần so với xây dựng. Nhờ phát triển SXCN đã kích thích sự gia tăng các hoạt động thương mại – dịch vụ tại khu vực và đã góp phần làm tăng đáng kể GTSXCN cũng như chỉ số bán lẻ tiêu dùng trên địa bàn Tỉnh.
Hoạt động thương mại và dịch vụ ở đây có lợi thế phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng cũng như các loại hình kinh doanh, làm cho môi trường kinh doanh thương mại tại khu vực rất sôi động, ngày càng thể hiện rõ là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ du lịch với thị trường trong Tỉnh, cả nước và một số nước trong khu vực. Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, ngân hàng, bưu chính viễn thông,… được đầu tư phát triển, từng bước đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên địa bàn.
Trong 10 năm qua, cùng với nguồn vốn đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và một số nguồn vốn khác của các ngành, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương huyện Hướng Hóa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các công trình kết cấu hạ tầng như: Đường dây và trạm cao thế 110 kV; hệ thống cáp quang viễn thông; đường quốc lộ; nhà ga cửa khẩu,… tạo nên một hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong khu vực.
Có được kết quả như ngày hôm nay, trước hết phải kể đến sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo bằng những chính sách đặc biệt ưu đãi để thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển cơ sở hạ tầng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Lao Bảo luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, nhất là của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và nhất là trong giải quyết kịp thời những vướng mắc đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh những thành quả mà Lao Bảo đã đạt được, còn tồn tại một số khó khăn cơ bản như: Khu kinh tế cách các trung tâm kinh tế lớn khá xa; do là một mô hình kinh tế mới nên được Chính phủ cho áp dụng các chính sách đặc thù có khác biệt lớn với một số chính sách chung cũng như một số khu kinh tế khác, do đó trong thực hiện còn gặp một số trở ngại; thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đã qua đào tạo. Để giải quyết những khó khăn đó, Quảng Trị đã có một số giải pháp thiết thực như, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp luật đủ mạnh để điều chỉnh mọi hoạt động phát sinh tại Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tránh tình trạng chồng chéo, vướng mắc; nghiên cứu xây dựng cơ chế liên chính phủ Việt – Lào, tạo cơ sở pháp luật thông thoáng và sự tương tác để thúc đẩy sự phát triển của hai Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và tiếp tục huy động và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực đáp ứng yêu cầu phát triển KT – XH. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư nhằm huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư cho phát triển sản xuất – kinh doanh. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất để tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút người lao động. Chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần đưa Quảng Trị trở thành tỉnh phát triển.