Chỉ tại trời mưa!
Một nhân viên bán hàng trẻ (nhưng diện mạo không có gì tươi tắn mấy) tại một tiệm kinh doanh giầy dép trên đường Hai Bà Trưng - chợ Tân Định, TP.Hồ Chí Minh đã ưu tư cho biết như vậy, khi nghe tôi tò mò hỏi thăm về doanh số bán hàng trong tiệm của mình.
Không phải chỉ có ở chợ Tân Định, mà chợ Bến Thành, chợ An Đông và nhiều điểm kinh doanh giầy dép tại quận 3, quận 4, quận Tân Bình cũng đều có tình trạng tương tự vừa nêu.
Đem thắc mắc này đến gõ cửa mà không hẹn trước với văn phòng “Hội Da- Giầy TP. Hồ Chí Minh”, PV Công nghiệp Tiếp thị được biết thêm về bức tranh da giầy Việt Nam như sau: “Không như các quốc gia tiên tiến ở châu Âu và châu Mỹ, thị trường tiêu thụ giầy dép ở Việt Nam mỗi năm chỉ rộ lên một lần vào những tháng cuối năm ta và đầu năm Tây. Đó là dịp Tết Nguyên Đán, người ta đổ xô đi mua giầy dép cho bản thân và cho gia đình để dùng... cho đến Tết năm sau!” Anh K. một chuyên gia Hội Da- Giầy TP.HCM đã vô tư giải thích như vậy.
Như sợ tôi còn “lờ mờ” chưa hiểu, chuyên gia này giải thích cụ thể: Mùa mưa đến rồi thì đa số người tiêu dùng (trừ trường hợp nhân viên văn phòng các cơ quan và công ty lớn) là bỏ giầy, đi dép da cho khỏi bị ủng nước, vì chân đi giầy gặp mưa thì rất lạnh và khó chịu! Vì vậy mà giá cả của mỗi đôi dép da coi được cũng cả trăm ngàn đồng. Cá biệt hàng hiệu, đế đúc giá từ 120-200 đồng (đắt hơn giá giầy) vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Khó khăn và nguyên nhân sâu xa...
Báo cáo mới nhất của Hội Da- Giầy TP.HCM gửi đến Chủ tịch UBND TP.HCM (ngày 21/4/2005) đã nêu nên một thực trạng đáng được lưu ý:
“Ngành Da- Giầy Việt Nam là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ đủ đáp ứng cho người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đứng hàng thứ 4 trên thị trường giầy dép thế giới... Tuy hiện nay, ngành Da - Giầy đã đặt được hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, nhưng tương lai phát triển bền vững thì lại bấp bênh, bởi vì đa số các công ty, xí nghiệp sản xuất giầy dép của ta vẫn còn nhận làm gia công cho các đối tác nước ngoài. Về thương mại, đầu vào cũng như đầu ra đều do các đối tác nước ngoài chỉ định cung cấp mua nguyên liệu và phân phối sản phẩm”.
Chánh văn phòng Hội Da Giầy TP. HCM, ông Nguyễn Văn Khánh phân tích những nguyên nhân chính đã đưa đến tình trạng không vui như vừa nêu là do: “Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất giầy, dép và khâu thiết kế mẫu mã còn kém. Đa số DN vẫn còn nhận làm gia công nên mẫu mã phụ thuộc vào nước ngoài. Hơn nữa, chúng ta chưa có trường lớp chính quy để đào tạo nhân tài như cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý chuyên ngành Da, Giầy. Khâu tiếp thị còn nhiều hạn chế, không thường xuyên tiếp cận để hội nhập vào khu vực và thế giới. Về thương hiệu thì cũng rất hiếm tìm thấy những đôi giầy mang nhãn hiệu Việt Nam bầy bán trên thị trường quốc tế. Trong khi thị trường nội địa thì giầy, dép các nước lân cận lấn át hàng nội qua đường phi mậu dịch với giá bán rất thấp, khiến DN Việt Nam khó lòng cạnh tranh”.
Một nguồn tin kinh tế thị trường cho hay, kim ngạch xuât khẩu của ngành Da - Giầy trong quý 1/2005 chỉ đạt 650 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này là quá thấp, bởi mục tiêu tăng trưởng của Ngành trong năm nay lên đến 28%.
Ngoài yếu tố giầy Trung Quốc giá rẻ, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu da giầy trong nước trở nên khó khăn hơn bao giờ hết là công tác thị trường quá kém, thông tin về mẫu, mốt không theo kịp mùa, nên sản phẩm làm ra không phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Trong tình hình như vậy, các chuyên gia dự báo ngành Da - Giầy sẽ khó hoàn thành kế hoạch xuất khẩu 3,1 tỷ USD của năm 2005.
Chuẩn bị gì cho WTO?
Trả lời câu hỏi của PV Công nghiệp Tiếp thị: Các doanh nghiệp Da, Giầy Việt Nam đã chuẩn bị gì cho việc Việt Nam sắp gia nhập vào WTO? Phát ngôn viên của Hội Da - Giầy TP. HCM cho biết: Hội đã có chương trình khuyến cáo các doanh nghiệp Da, Giầy trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước nên tự dựa vào bản thân. Bỏ dần việc gia công, phải tự sản xuất thì mới đứng vững. nếu không “sẽ thua đau thê thảm trên sân nhà!”. Còn về Nhà nước, Hội kiến nghị: Xin được giảm thuế suất thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu da, giầy xuống còn dưới 3%, hoặc thuế suất bằng (0). Điều này, Hội rất hy vọng sẽ được cấp trên sớm giải quyết để tương lai ngành Da- Giầy Việt Nam ngày một tươi sáng hơn./.