Chính sách “Bàn tay sắt” của Thái Lan
Trong nỗ lực mới nhất nhằm tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, Văn phòng Kế hoạch và chính sách năng lượng Thái Lan (EPPO) đã đề xuất 8 biện pháp có tính bắt buộc trong việc sử dụng xăng dầu. Vừa qua, Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã than phiền về thái độ thiếu cộng tác của người dân trong việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng giữa lúc giá dầu mỏ tăng cao. Vì vậy, Chính phủ Thái Lan còn có chính sách khuyến khích việc sử dụng xe chạy bằng khí đốt tự nhiên. Người nào chuyển đổi xe máy sang dùng khí tự nhiên sẽ được hỗ trợ 10.000 baht. Hiện trên cả nước Thái Lan có 1.000 trạm bán khí tự nhiên và đến cuối năm nay khoảng 10.000 xe của các cơ quan nhà nước sẽ được chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên, giúp tiết kiệm 50 triệu lít xăng mỗi năm. Bên cạnh đó, 14.000 xe sử dụng dầu diesel, phần lớn là xe buýt, cũng sẽ được chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, để tăng tính chất bắt buộc, Chính phủ Thái Lan đã quyết định triển khai 8 chính sách tiết kiệm xăng dầu. Cụ thể là:
- Cấm bán xăng dầu từ 21g đến 5g sáng hôm sau ở nội thành.
- Xác định thứ hai là ngày gia đình và ngày tiết kiệm năng lượng nhằm hạn chế giao thông trên đường phố.
- Khuyến khích dùng ô tô loại nhỏ và đánh thuế nặng các loại ô tô có dung tích máy trên 1.800cc (nếu có thể cấm nhập khẩu các loại xe này).
- Ra chiến dịch giảm tiêu thụ dầu diesel
- Kêu gọi các hãng sản xuất ô tô ghi rõ mức tiêu thụ nhiên liệu của máy xe
- Phân hạng các loại taxi ở những trung tâm giải trí và mua sắm.
- Nâng phí đậu xe bằng cách tăng thuế các gara có diện tích lớn hơn 1.600m2
- Củng cố các quy định giao thông và kiểm soát chặt chẽ các xe thải nhiều khí.
Theo Thủ tướng Thaksin, một thông điệp rõ ràng cần được gửi tới người dân là nếu việc tự giác không được thực hiện, Chính phủ sẽ có những biện pháp cưỡng chế. Ông nói: “Chúng ta phải liên tục gửi đi tín hiệu rằng, sự tự mãn trong việc sử dụng năng lượng, làm đất nước trì trệ và điều này sẽ giúp thúc giục người dân tiết kiệm”.
Công nghệ của Hàn Quốc và Nga
Hơn bao giờ hết, hiện nay đối với các ngành công nghiệp chủ lực của Hàn Quốc như xi măng, sắt, thép, kính, gốm sứ, dệt nhuộm và vật liệu xây dựng, vấn đề tiết kiệm năng lượng đang trở nên rất bức xúc. Đối với các nhà mày này, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện 2 biện pháp chính để tiết kiệm nhiên liệu là: Tăng hiệu suất của các thiết bị trao đổi nhiệt như lò hơi, giàn lạnh, máy chưng cất và sử dụng các loại nhiên liệu mới như xăng pha cồn, diesel pha cồn, hỗn hợp nhũ tương mazút và nước.
Việc không phải dùng hóa chất để làm vệ sinh lò sẽ giúp bảo vệ môi trường, công nhân không phải dừng lò để làm vệ sinh, đảm bảo cung cấp ổn định nguồn hơi để sản xuất. Và dĩ nhiên, đốt càng ít dầu thì càng tiết kiệm và càng ít ô nhiễm môi trường không khí.
Một phương pháp tiết kiệm nhiên liệu là dùng hỗn hợp nhũ tương mazút và nước để đốt. Việc tạo nhũ tương để đốt tốt hơn. ở các nước châu Âu, đặc biệt là Nga, Đức, Canada, Mỹ... đã bắt đầu sử dụng khoảng 30 năm trước, giờ đây, khi giá dầu tăng cao thì việc áp dụng công nghệ này càng mang lại hiệu quả cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo nhiên liệu động cơ tên lửa của Nga đã chế tạo thành công thiết bị trộn đồng nhất bằng phương pháp siêu âm CHS 6, CHS-14 (cavitation homogenizing system) có thể tán mịn các chất lỏng hoặc nhiên liệu xuống còn khoảng 1-5mc, và trộn đồng nhất nó, tạo ra nhũ tương có tính ổn định không dưới 1 năm. Các lợi thế của việc đốt nhũ tương tạo ra từ thiết bị này là: Đốt nhũ tương tiết kiệm từ 11 - 18% dầu FO, giảm lượng CO, NOx, SOx trong khí thải xuống 60-80%. Một ứng dụng hết sức quan trọng là thiết bị này có thể trộn lẫn cồn vào xăng để tạo ra xăng pha cồn. Các máy trộn truyền thống không thể trộn lẫn được cồn và xăng vì cồn và xăng có trọng lượng riêng khác nhau. Đó cũng là một thứ nhiên liệu giá rẻ hết sức tiết kiệm.
Những kinh nghiệm trên đây của các quốc gia đáng để chúng ta tham khảo, học hỏi, nhằm nhanh chóng đưa ra một chiến lược toàn diện nhất trong tình hình giá dầu đắt đỏ như hiện nay./.