PV: Ông suy như thế nào về chính sách KH- CN đang được "vận hành" ở Việt Nam hiện nay?
TS.Trần Xuân Hoài: Khoa học công nghệ là một lực lượng sản xuất trực tiếp, cần được tổ chức và đối xử như là một lực lượng sản xuất đặc biệt. Sự thực là, hiện nay đối với khoa học, về điều hành thì dùng thủ tục của cơ quan hành chính, về tổ chức nhân sự thì sử dụng các biện pháp của một đoàn thể quần chúng, có lẽ cách làm đó không thực sự thích hợp để giải phóng một lực lượng sản xuất cao cấp. Cộng đồng khoa học ước mơ một sự tháo gỡ tương tự như tác động của "nghị quyết 10" đối với nông dân và nông nghiệp nước nhà. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không phải ông xã (chủ nhiệm hợp tác xã) hay ông đội (đội trưởng đội sản xuất) là nhân tố quyết định đến sự phát triển của nông nghiệp nước ta. Tình hình trong hành ngũ khoa học công nghệ của chúng ta hiện cũng giống như nông nghiệp trước " khoán 10". Tuy nhiên, cần nhận ra sự thật rằng, khác với một tầng lớp nông dân hùng hậu và một nền nông nghiệp có truyền thống, lực lượng và trình độ khoa học công nghệ của nước ta "đang nằm ở nhóm cuối" so với khu vực. Lực lượng khoa học công nghệ của nước ta hiện chưa vượt qua trình độ "ngưỡng" để có thể thực sự làm động lực sản xuất. Vì vậy, ngoài chính sách tháo gỡ còn cần có một chính sách nuôi dưỡng vật chất và tinh thần đặc biệt:
PV: - Thế còn vấn đề "Nhân tài" cũng như " tập hợp" và "đào tạo" nhân tài ( đích thực tài) mà chống được căn bệnh bằng cấp, háo danh, thì sao?
TS. Trần Xuân Hoài: Người Việt Nam ham học, có chí tiến thủ, có một vài cá nhân thông minh xuất chúng, nhưng nhìn chung độ thông minh trung bình chưa cao và không có truyền thống kỹ thuật thực hành. Điều kiện vật chất kém xa khu vực; thông tin hạn chế, kinh tế lạc hậu…. nhưng dân tộc ta không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu và mong muốn nóng bỏng làm sao nhanh chóng tiến lên ngang hàng với các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Điều quan trọng là, chúng ta phải "tập hợp" và " đào tạo" những con người tâm huyết, tạo nên một cộng đồng khoa học có tinh thần tự hào dân tộc cao để tạo khả năng bù đắp những hạn chế về trình độ và vật chất. Kinh nghiệm các cường quốc khoa học Đông Bắc á trong thế kỷ trước cho thấy, ý chí dân tộc đã giúp họ mở cửa phát triển khoa học công nghệ một cách nhanh chóng. Trong một cộng đồng khoa học như vậy, cần giảm thiểu mối quan hệ thứ bạc hành chính tối đa, làm sao cho chức vụ và biên giới hành chính không còn là nỗi ám ảnh tới mục đích phấn đấu của nhà khoa học. Cộng đồng khoa học cần được xây dựng theo mối quan hệ của công việc; quan hệ của người hướng dẫn, chỉ huy công việc với các cộng sự, các học trò. Vai trò của chức vụ hành chính phải và chỉ là vai trò phục vụ cộng đồng khoa học hoạt động. Trình độ dân trí và nền tảng trí thức, có lẽ khó có nước nào trong số các quốc gia đang phát triển có tiền đề thuận lợi để nâng cao dân trí như dân tộc chúng ta. Thật là đáng tiếc nếu chúng ta hạn chế hoặc làm lệch lạc lòng hiếu học của dân tộc. Cần phải phát triển tối đa mọi hình thức học tập sau mức phổ thông, mở mọi loại trường lớp có thể, dưới mọi hình thức và trình độ. Không nên cứng nhắc về chuẩn trình độ hoặc trình độ quốc gia. Để chữa căn bệnh tự nhiên ở một quốc gia nông nghiệp phương Đông về sự hiếu danh và bằng cấp cấp thì tốt nhất là cung cấp đầy đủ mọi cơ hội đạt được các loại danh vị và bằng cấp, dù chỉ là để trang trí cho cuộc đời. Bình dân hoá dần các danh vị, bằng cấp để giảm bớt sự hiếu danh trong cộng đồng. Trình độ đào tạo và học tập thực sự là do sự định giá của xã hội. Đầu tư cho học tập, dù từ bất kể nguồn nào, gia đình, xã hội, hay nhà nước…. đều phải phấn đấu, ít lãng phí nhất. Không có gì bảo đảm 100% rằng, chỉ những người học giỏi, điểm cao trong các trường học danh tiếng mới là nhân tài. Nhân tài cho khoa học và công nghệ chỉ thực sự xuất hiện qua sự đào luyện và chọn lọc một một cộng đồng có trí tuệ.
PV: Vậy Nhà nước và xã hội cần phải xây dựng một "nền tảng tri thức" dựa trên mô hình và phương thức nào, thưa ông?
TS. Trần Xuân Hoà: Nhà nước và xã hội cần nhanh chóng xây dựng một nền tảng tri thức. Con đường tốt nhất là khuyến khích nhập khẩu dưới một hình thức. Tri thức tuy cũng là một dạng hàng hoá cao cấp, nhưng khác với khẩu hiệu theo kiểu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, mà phải làm ngược lại. Tri thức trong kho tàng của nhân loại, cần phải tìm cách đưa về cho người Việt Nam sử dụng. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế nhập tri thức hiện đại cho sản xuất, không nên có yêu cầu cứng nhắc phải sử dụng công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam tạo ra. Nhà nước nên dành một khoản đầu tư lớn cho công việc này. Các nghiên cứu ứng dụng và triển khai của chúng ta chỉ có thể có ích và có trình độ khi được tiến hành song song trên nền tảng vô vàn các thiết bị và công nghệ đã được các ngành kinh tế nhập về. Chọn lọc, làm chủ và phát triển các thiết bị và công nghệ đó, lúc này là nhiệm vụ chính. Đây cũng là cơ hội để tự nâng cao đạt đến trình độ "ngưỡng" phát huy tác dụng của khoa học công nghệ Việt Nam".
PV: Xin hỏi ông câu cuối: "Mô hình phát triển cho KH- CN như thế nào là hợp lý và coi đó như là một kiến nghị để đi tới một chính sách KH- CN hợp với xu thế trên thế giới cũng như thực tiễn hiện nay của Việt Nam?
TS. Trần Xuân Hoà: Mô hình phát triển, và tình hình phát triển khoa học công nghệ ngày càng khác hẳn trước đây, điều kiện và cơ hội phát triển cũng có nhiều yếu tố mới. Do đó có thể tham khảo các mô hình phát triển của các nước đi trước, nhưng không thể bắt chước, mà phải tìm cách riêng cho chúng ta. Việc chọn lựa định hướng và các đầu tư phát triển khoa học công nghệ cho nước ta chính là mấu chốt của mô hình phát triển. Điều này, cần có giải pháp đặc biệt, thí dụ: việc định hướng phát triển và đầu tư cho KH - CN nên chăng phân làm hai loại. Một là định hướng và phát triển đầu tư cưỡng bức. Hai là sự điều tiết của thị trường. Nhà nước ta cần và chỉ nên chăm lo chính đến loại phát triển cưỡng bức. Cụ thể là đặt ra một vài yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ rất cụ thể (ví dụ, trong 3 năm làm ra chíp điện tử LSI, 5 năm làm ra công nghiệp kháng sinh tổng hợp, 7 năm giải quyết xong giống chuyển gen đặc biệt, 10 năm có tên lửa, vệ tinh….) không phải chỉ nêu những hướng khoa học trọng điểm chung chung (như vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… mà không chỉ tiêu cụ thể). Như hiện nay những việc cụ thể này phải là chìa khoá và đầu tàu để thay đổi tình trạng công nghệ của đất nước. Cần tập trung đầu tư lớn cho những tài năng xuất sắc nhất ( 60 - 70% kinh phí nghiên cứu khoa học công nghiệp), để đủ điều kiện thực hiện các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao. Những vấn đề ứng dụng khác, cần để thị trường điều tiết và nhà nước chỉ hỗ trợ ( 30- 40% kinh phí còn lại). Vấn đề là làm sao cho những mũi nhọn đầu tư cưỡng bức được chọn lựa xác đáng và giao việc cho nguươì thực sự biết làm. Các tổ chức khoa học của nhà nước cũng phải là dạng tổ chức để thực hiện công việc đã định hướng bắt buộc đó. Không để tồn tại các tổ chức khoa học công nghệ kiểu hành chính, hữu danh vô thực như hiện nay. Làm như vậy, nhà nước sẽ tập trung được tiềm lực để giải quyết những nhiệm vụ khoa học trọng yếu của đất nước.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời cuộc phỏng vấn này.