Lũ trẻ con đứa nào đứa nấy mồm há hốc, mắt tròn xoe đen láy như những hạt nhãn, xôn xao ồ lên với nhau những tiếng thán phục: "Ôi, con rắn này, con gà, con lợn, lại cả con trâu nữa… Ông ơi, cái bình này có phải dùng để cắm hoa không hả ông? Hôm qua, mẹ cháu mới mang về một cái lọ to ơi là to, lại đẹp nữa, bảo là để Tết cắm hoa đào… Ông ơi ông dậy bọn cháu với ông nhé?… Nhưng mà cứ thế này đổ nước vào bình có được không hả ông? Ông làm thế nào mà giỏi thế?"… Nghệ nhân già móm mém với nụ cười không ra tiếng, mồm không ngớt trả lời những câu hỏi được phát ra từ những cái miệng bé xíu, tay vẫn nhịp nhàng nặn nặn, vuốt vuốt. Cái bàn xoay cứ xoay tròn vun vút. Đôi bàn tay to bè, có rất nhiều những nốt đồi mồi, chậm rãi, thành thục "biểu diễn" trước hàng chục cặp mắt thán phục của lũ trẻ. Hơn 30 năm sống và làm nghề nơi mảnh đất Phù Lãng cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ ông lại biểu diễn trước nhóm khán giả nhí một cách hào hứng đến thế. Giữa khung cảnh rộng rãi, bát ngát và trang trọng của một khu bảo tàng lớn của đất nước- Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, không màng đến cái nắng lãng mạn của mùa thu Hà Nội, mặc kệ buổi trưa đang rón rén đến gần, nỗi háo hức con trẻ, niềm vui của người già dường như chẳng có giới hạn…
Lũ học sinh ríu rít đó gồm 60 em ở độ tuổi từ 12- 15 đến từ 3 ngôi trường THCS Lê Quý Đôn, Thực nghiệm và Làng trẻ SOS. Trong vòng 3 tháng 9, 10, 11, vào hai buổi sáng thứ bảy, chủ nhật, tạm biệt những cuộc đi chơi nhàm chán, các em được chơi và học ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam một môn học rất thú vị, học làm đồ gốm. Tha hồ nghịch đất sét, tha hồ nhào nặn la liệt những con chó con mèo, con chim con cá, những cái lọ cái bình, bát ăn, cái niêu… Tha hồ tay chân, quần áo, đầu tóc lấm lem đỏ quạch đất sét, thế mà chẳng bị mắng mỏ như mọi khi, lại còn được khen nữa… Và các thầy giáo thì cứ như là những ông tiên có phép thần, thoắt cái biến những cục đất sét thành rất nhiều những thứ vật dụng trong nhà… Lũ trẻ hoàn toàn chưa hiểu thế nào là một nghệ nhân, thế nào là "khôi phục làng nghề thủ công truyền thống", chúng chỉ cảm thấy thật vui, thật khoái khi tự mình nặn được một con chó, con trăn, cái ấm nước, quả chuối… từ những cục đất sét mịn đỏ. Niềm vui của con trẻ chỉ giản đơn như vậy. Song, đó cũng chính là mục đích đầu tiên của những người lớn khi thực hiện dự án "Khôi phục và bảo tồn di sản văn hoá cổ truyền dân tộc" do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNESCO.
Xuất phát từ mong muốn được lưu giữ và phát triển các nghề thủ công truyền thống đang ngày càng mai một và có nguy cơ thất truyền, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã xây dựng nên một dự án rất đặc biệt, song cũng vô cùng thiết thực - Đó là dự án, đưa một số làng nghề thủ công truyền thống vào dạy cho các em học sinh như một môn học hướng nghiệp. Theo dự tính, Bảo tàng sẽ triển khai 5 nghề, đó là: Nón làng Chuông, Tranh dân gian hàng Trống, Gốm Phù Lãng, Giấy gió và Đồ chơi bằng giấy của trẻ em. Là một làng nghề đang tồn tại và khá phát triển, Gốm Phù Lãng được chọn làm làng nghề thí điểm đầu tiên.
Theo trình tự dự án, trong những buổi học lý thuyết các em sẽ được bắt đầu từ việc tìm hiểu về bản chất, cũng như ứng dụng thần kỳ của những "cục đất sét" trong đời sống hàng ngày và trong nghệ thuật tạo hình. Để cụ thể hoá, các em được tổ chức cho đi thăm quan làng gốm Phù Lãng, được tận mắt nhìn thấy những công trình của đất và người của làng gốm được truyền tụng từ lâu. Trong những buổi thăm quan thế này, cảm nhận của một đứa trẻ sẽ được thay đổi từ cảm giác nhìn ngắm, nghe ngóng, tiếp cận, rồi đến mong muốn được áp dụng. Đối với những trẻ trong độ tuổi 12-15, nhận thức đã khá phát triển, các em sẽ có ý niệm về gốm, về vùng đất Phù Lãng ngàn năm và các em hoàn toàn có thể say mê nghề gốm. Sau những buổi đi "thực tế" đó, các em sẽ bắt tay vào sáng tác những tác phẩm của mình. Một hình thức giáo dục "mở" sẽ được áp dụng trong lớp học. Đó là kiểu học và dạy rất ngẫu hứng, không gò bó, khuyến khích sáng tạo, một lối tiếp thu và truyền thụ rất tự nhiên. Mong muốn tìm thấy những tài năng trẻ, nhiều triển vọng, nhằm "ươm giống" nguồn nhân lực mới vừa biết trân trọng, yêu quý nghề gốm cổ truyền, vừa biết làm nghề để bảo tồn và phát triển gốm Phù Lãng trong tương lai- đó tuy không phải là mục đích chính của dự án, song chính là những mong muốn, hy vọng của những người lập dự án.
Sau khi chọn lựa, thậm chí trải qua một kỳ sát hạch, Bảo tàng chọn được 5 nghệ nhân Phù Lãng mời về làm giáo viên dạy học cho các em. Trong khuôn viên Bảo tàng, một căn nhà mái lá vuông vắn, thoáng mát mới được dựng lên, đó chính là xưởng gốm. Phía bên ngoài xưởng là một dãy có đến 6, 7 chiếc máy nước vừa mới được hoàn thiện vẫn còn ngai ngái mùi xi măng, vôi vữa. Những chiếc bàn xoay được sắp xếp ngăn nắp. Xa xa là chiếc lò nung ga vững chắc… Tất cả đã được chuẩn bị đầy đủ để chờ các "nghệ nhân bé con" tác nghiệp.
Tuy nhiên, đó chỉ là những sự chuẩn bị mang tính chất bề nổi. Nói về "bề chìm", ông Nguyễn Trung Dũng- Trưởng phòng Giáo dục của Bảo tàng đã cho biết: "Trước khi dự án đi vào thí điểm mấy tháng, với mỗi làng nghề thủ công dự tính sẽ đem vào giảng dạy, các cán bộ Bảo tàng chúng tôi phải lập một bản báo cáo khoa học dài khoảng vài chục trang để trình UNESCO tại Việt Nam duyệt. Họ đã đồng ý với những nhận định của Bảo tàng và quyết định bảo trợ cho dự án". Dự án có nhiều thuận lợi với nghề gốm Phù Lãng, vì tính chất nổi tiếng và không quá phức tạp do chưa bị mai một quá nhiều. Song, với 4 nghề còn lại thì các cán bộ Bảo tàng Dân tộc Việt Nam cũng gặp một số khó khăn khi lập báo cáo. Tranh hàng Trống chẳng hạn. Nó hoàn toàn là một thú vui chơi tranh và vẽ tranh mà bất cứ ai cũng có thể tham dự. Nhưng bấy lâu nay, chúng ta đã quan niệm sai lệch cho rằng, tranh hàng Trống đi theo hai trường phái tranh thờ và tranh thị dân. Và báo cáo cũng đưa ra những nghi ngờ đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mai một loại tranh có nguồn khởi phát từ một con phố trong 36 phố phường Hà Nội. Vì thế, có thể thấy sự cần thiết phải nhìn nhận cho đúng về các nghề thủ công truyền thống, từ đó mới có thể tìm ra cách khôi phục, phát triển.
Đã từ lâu, chúng ta không ngừng kêu gọi giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ lấy vốn cổ, bảo tồn di sản văn hoá cổ truyền… mà hầu như quên mất một đối tượng rất nhạy cảm và dễ tiếp thu đó là trẻ em. Vì thế, dự án "Khôi phục và bảo tồn di sản văn hoá cổ truyền dân tộc" với hành động đưa nghề thủ công truyền thống vào học đường rất táo bạo, song thực sự có ý nghĩa đã đem đến cho tâm hồn trẻ thơ những niềm say mê mới, lành mạnh, giản dị mà đầy sáng tạo./.