Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc với Bộ Công Thương

Ngày 20/11/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm và làm việc tại trụ sở Bộ Công Thương 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Lãnh đạo Bộ báo cá

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những kết quả chủ yếu ngành công thương đạt được trong 10 tháng vừa qua của năm 2008 như sau:

Về sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 547.212,2 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực quốc doanh Trung ương tăng 7,7%, khu vực quốc doanh địa phương giảm 1,7%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 21,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,8%.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động giá cả, tình hình lạm phát, thời tiết, dịch bệnh... nhưng các doanh nghiệp trong toàn ngành đã có nhiều giải pháp để duy trì và phát triển sản xuất, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nền kinh tế về những sản phẩm quan trọng như điện, sắt thép, phân bón, than mỏ, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng vẫn có tăng trưởng so cùng kỳ năm trước như điện sản xuất tăng 12,2%, điện thương phẩm tăng 14,3%, phân lân các loại 8,7%, biến thế điện 18,8%, xe chở khách, xe tải tăng từ 53 - 64%, bia các loại 14,3%, hàng may mặc tăng 33,9%, giấy các loại tăng 8,5%, giày dép tăng 4,1%...

Về đầu tư xây dựng, thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững mà Chính phủ đề ra, ngành công thương đã tổ chức rà soát để đình hoãn, giãn tiến độ nhiều dự án chưa cấp thiết với tổng số vốn khoảng 7.300 tỷ đồng; đồng thời tập trung sự chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ những dự án trọng điểm quốc gia như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuỷ điện Sơn La, dự án cần hoàn thành trong năm để huy động thêm năng lực sản xuất hoặc chuẩn bị khai thác vào năm 2009, nhất là các dự án thuộc ngành năng lượng, ngành thép... Kết quả đã đưa vào vận hành một số dự án như tổ máy số 1 và số 2 thuỷ điện Tuyên Quang, nhà máy điện Cà Mau 1 và 2...

Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 53,67 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm khoảng 44,9%, tăng 41,7% so với cùng kỳ (không kể dầu thô thì khu vực này tăng 40,7% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 55,1%, tăng 33% so với cùng kỳ. Đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là dầu thô 9,4 tỷ USD, hàng dệt may 7,6 tỷ USD, thuỷ sản 3,8 tỷ USD, giày dép 3,7 tỷ USD, gạo 2,6 tỷ USD, hàng điện tử và linh kiện máy tính 2,2 tỷ USD, sản phẩm gỗ 2,2 tỷ USD, cà phê 1,6 tỷ USD, cao su 1,4 tỷ USD, than đá 1,3 tỷ USD; nếu đẩy mạnh được xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của năm 2008 thì sẽ có thêm mặt hàng dây và cáp điện đạt 1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đạt 70 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,2 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Việc nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ theo 3 nhóm hàng: nhóm cần nhập khẩu, nhóm cần kiểm soát và nhóm cần hạn chế nhập, nên mức nhập khẩu qua từng tháng có xu hướng giảm dần. Biện pháp này đã góp phần làm giảm mức nhập siêu cao điểm tháng 4 là 3,2 tỷ USD xuống 1,9 tỷ  USD vào tháng 5 và từ tháng 6 tới tháng 10 đều dưới 1 tỷ USD, thấp nhất là tháng 9 còn 237 triệu USD. Do đó mức nhập siêu 10 tháng mới ở mức 16,33 tỷ USD, bằng 23,3% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2007 là trên 29%).

Đối với thị trường trong nước, mặc dù trong 10 tháng qua, tình hình giá cả trong nước có nhiều biến động, thời tiết, dịch bệnh, lạm phát đã tác động tới tình hình tiêu thụ hàng hoá trong nước, song cùng với các Bộ, ngành hữu quan, Bộ Công Thương đã bảo đảm cung cầu các mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế với giá cả tương đối ổn định, không để xảy ra các cơn sốt hàng, sốt giá kéo dài. Một số hiện tượng xảy ra tại một vài địa phương trong tháng 4 về gạo đã được xử lý kịp thời và tình hình được ổn định trở lại nhanh chóng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ 10 tháng đạt 782 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,64% so với tháng 12/2007.

Cùng với việc phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ thì các hiện tượng gian lận trong kinh doanh cũng xuất hiện như hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm... Lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý hàng nghìn vụ việc vi phạm pháp luật, thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động xây dựng hành lang pháp lý giữa Việt Nam với các nước thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định song phương và đa phương, mở ra thị trường mới cho hoạt động của doanh nghiệp. Bộ cũng đã tích cực và chủ động chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của các Uỷ ban hỗn hợp giữa Việt Nam và các nước; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư từ Bộ tới các Sở Công Thương.

Từ nay đến hết năm 2008, toàn ngành công thương đang tập trung hết sức thực hiện nghiêm túc mọi chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện tốt nhất kế hoạch năm 2008. Dự báo giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2008 đạt khoảng 15,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 64 tỷ USD. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu hàng hoá cho tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Kỷ Sửu; tích cực chuẩn bị các điều kiện để bước vào thực hiện kế hoạch năm 2009 mà Quốc hội vừa thông qua.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng báo cáo với Thủ tướng những mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch  ngành công thương phấn đấu đạt được trong năm 2009 để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 là 6,5%, bao gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 16% so với năm 2008, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng 10% so với thực hiện năm 2008 (công nghiệp và xây dựng tăng 8%); Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 72,3 tỷ USD, tăng 13% so với thực hiện năm 2008; Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 91 tỷ USD, tăng 10%, nhập siêu hàng hoá năm 2009 khoảng 18,7 tỷ USD, bằng 25,8% so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá; Bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng trọng yếu cho nhu cầu sản xuất và đời sống, không để xảy ra sốt hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng theo mục tiêu Chính phủ đề ra.

Kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các nội dung liên quan đến doanh nghiệp và tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng: Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kịp thời nghiên cứu sửa đổi chính sách đất đai đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá; đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cổ phần hoá các tổ chức sự nghiệp (viện, trường, trung tâm...); sớm ban hành Nghị định về các tập đoàn kinh tế, tạo khung pháp lý cho hoạt động và quản lý mô hình kinh tế này; cho phép Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục sắp xếp tổ chức một số đơn vị trong Bộ để nâng cao hơn hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và một số lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của ngành công thương cũng như đóng góp và vai trò của các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu, giữ vững tăng trưởng công nghiệp, phát triển được thị trường bán lẻ trong nước. Thủ tướng mong rằng trong năm 2009, Bộ Công Thương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức phải đối đầu do sự suy giảm của kinh tế thế giới để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt ưu tiên việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức 6,5% để giữ vững an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội.

Thủ tướng cũng nêu ra một số giải pháp như: Tìm mọi cách duy trì sản xuất công nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động; tranh thủ đầu tư, kích thích đầu tư vào công nghiệp. Về thương mại, Thủ tướng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty cố gắng mở rộng thị trường trong nước bằng cách đầu tư vào các sản phẩm tiêu thụ trong nước, quyết liệt cùng chỉ đạo với nhà nước, phát huy vai trò để sản xuất và kinh doanh có hiệu quả. Về quản lý thị trường, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ về việc tăng cường lực lượng, xử phạt nghiêm minh các hành vi gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường.