Thị trường bán lẻ: Tiếng chuông trước giờ G

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ mở cửa các lĩnh vực bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Các doanh nghiệp Mỹ được lập liên doanh với Việt Nam vào ngày 01-1-2009, thành lập công ty 100% vốn nước ngoài

 

Bùng nổ thị trường bán lẻ

Chỉ trong tháng 7, tại TP.HCM, hàng loạt doanh nghiệp đã cho ra đời những chuỗi cửa hàng bán lẻ tiện lợi như G7 Mart của Công ty CP G7 Mart, Saigon Co-op, Citimart, hệ thống Small Mart 24h/7 của Công ty TNHH DV TM-SX Phạm Trang… được trang hoàng đẹp đẽ, hàng hóa sắp xếp ngăn nắp, đẹp mắt, thu hút đông đảo khách hàng tham quan và mua sắm.

Saigon Co-op “lên đời” 20 cửa hàng tiện nghi hiện đại trên cơ sở nâng cấp các hợp tác xã thành viên trước đây. Mặt khác, tiếp tục tìm mặt bằng để hình thành các cửa hàng Co.op Mart mới và sẵn sàng hỗ trợ vốn để đa dạng hóa chủng loại ngành hàng, hiện đại hóa kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng giám đốc Saigon Co-op cho biết, đến cuối năm 2006, số cửa hàng sẽ tăng lên 50, hết năm 2007 sẽ là 100. Trong thời gian tới, các cửa hàng bán lẻ tiện lợi của Saigon Co-op sẽ xuất hiện ở các tỉnh, thành phía Nam.

 So với cửa hàng Co-op, các cửa hàng của G7 Mart có quy mô lớn hơn, chủng loại đa dạng và phong phú với 500 cửa hàng hoạt động trong cả nước, 70 trung tâm phân phối và 9.500 cửa hàng thành viên chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến, đến năm 2010, sẽ phát triển thêm 5.000 cửa hàng do G7 Mart trực tiếp quản lý. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, cùng với việc kinh doanh các ngành hàng, G7 Mart sẽ cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam như “thẻ tiện lợi”, “dịch vụ thanh toán tiện lợi” dành cho khách hàng không có thời gian để thanh toán điện thoại, nước, internet… Trong tương lai gần, tất cả các nhà cung cấp có nhu cầu đều có thể trở thành thành viên của G7 Mart. G7 Mart phối hợp với họ bằng cách đầu tư cho  một cửa hàng từ 100-150 triệu đồng, cung cấp hệ thống nhận diện, huấn luyện phương thức bán hàng hiện đại, cung cấp giải pháp chuẩn hóa trong trưng bày hàng, hệ thống quản lý bán lẻ, hệ thống bảng hiệu quảng cáo… Sau khi biến nhà sản xuất và chủ cửa hiệu thành người nhà của G7 Mart, mọi chi phí trung gian, chi phí vận chuyển được cắt bỏ. Giá bán của G7 Mart là giá mà nhà sản xuất đưa ra và cùng thống nhất một giá trên toàn quốc. G7 Mart đang nuôi tham vọng mở rộng kinh doanh tại nước ngoài với trung tâm thương mại mang tên “Viettown” để đưa thương hiệu, hàng hóa Việt ra thế giới.

Không chậm trễ, hệ thống Citimart của Công ty Đông Hưng cũng đang gấp rút ra mắt 10 cửa hàng tiện nghi len lỏi tại các khu chung cư cao cấp. Trong năm 2007, Công ty này sẽ mở 2 trung tâm thương mại ở Đà Lạt và Nha Trang. Ông Nguyễn Đức Lễ, Phó Tổng giám đốc phát triển của Citimart cho biết, Công ty sẽ phối hợp với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xây dựng chuỗi của hàng tiện ích tại các trạm xăng của Petrolimex.

Tuy mới ra đời nhưng hệ thống Small Mart 24h/7 đã có 4 cửa hàng tiện lợi nằm trên các vị trí thuận lợi tại TP.HCM, với đủ loại hàng hóa thiết yếu mà giá tương đương với siêu thị. Small Mart còn giao hàng tận nhà mà không tính cước phí. Khách hàng thanh toán mua hàng theo tuần hoặc theo tháng. Mục tiêu của Small Mart nhắm đến khách hàng ở những khu trung tâm cao cấp. Giám đốc Phạm Đoan Trang đã không ngần ngại tiết lộ kế hoạch sẽ xây dựng 10 cửa hàng trong năm nay và tăng lên con số 30 trong năm tới. Mục đích của Small Mart là đem đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, an toàn, rõ ràng về nguồn gốc… Hiện tại, 80% sản phẩm của Small Mart là ngoại nhập, 20% là của công ty trong nước và liên doanh.

Ưu điểm của các cửa hàng bán lẻ có mặt trên các đường phố giúp người tiêu dùng dễ dàng mua hàng, phục vụ mọi lúc mọi nơi. Tùy theo đối tượng dân cư mà từng cửa hàng sẽ có những mặt hàng chủ lực khác nhau để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.

Nhà sản xuất vào cuộc

Thấy được hiệu quả của các đơn vị kinh doanh bán lẻ trong thời gian qua, các nhà sản xuất cũng không ngần ngại triển khai hệ thống các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cho riêng mình. Chỉ trong nửa cuối tháng 7-2006, Vissan đã khai trương thêm 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tự chọn, nâng tổng số lên gần 30 cửa hàng, hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau của thành phố. Dự kiến trong quý IV, Vissan sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 cửa hàng nữa. Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, Satra đang tìm thêm đối tác từ phía Mỹ để cung cấp máy móc thiết bị cho Vissan sản xuất một số loại thức ăn nhanh. Satra sẽ đầu tư cho Vissan khoảng 2 triệu USD nhằm phát triển nhanh mạng lưới bán lẻ trên địa bàn toàn quốc.

Các “đại gia” trong ngành may mặc, chế biến thủy hải sản như Việt Tiến, May Nhà Bè, May Phương Đông, Công ty Chế biến thủy hải sản APT, Agifish, Kinh Đô… cũng liên tục mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Chỉ trong thời gian rất ngắn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã mở 36 siêu thị Vinatex trên địa bàn cả nước.

Các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng tăng cường đầu tư vốn, đầu tư nhân lực và tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh. Các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ dần dần sẽ tạo ra một quy trình quản lý khép kín toàn bộ từ nguyên liệu sản xuất cho đến bao bì đóng gói, sử dụng tối đa lợi thế sẵn có từ các doanh nghiệp thành viên. Đa dạng hóa sản phẩm gắn với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối để chiếm thị phần, như cách làm của Satra hiện nay.

Đưa TTTM-ST về tỉnh

Kinh doanh bán lẻ sẽ trở thành nhu cầu mua sắm văn minh, hiện đại trong xã hội ngày nay. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang ngấp nghé thị trường Việt Nam với nhiều lý do. Nhiều dự án xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị đang được triển khai và thực hiện như Hùng Vương Plaza, Saigon Paragon, Times Square, Saigon Peal… Riêng Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hiện đang sở hữu hơn 10 dự án xây dựng TTTM-ST, vốn đầu tư trung bình từ 40-50 tỉ đồng/dự án, thậm chí có dự án tổng vốn đầu tư lên tới 120 triệu USD như dự án cải tạo Thương xá Tax thành TTTM Quốc tế…

Sắp tới, hàng loạt chợ của TP.HCM sẽ chuyển thành các ST-TTTM như chợ Bà Chiểu, chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Văn Thánh. Mặt bằng nhiều chợ đầu mối đã được di dời như chợ cá Chánh Hưng, chợ cá Xóm Củi, Sân cá 50 Phan Văn Khỏe… sẽ trở thành các ST và TTTM hoặc kho cung ứng hàng hóa.

Giờ đây, các TTTM-ST không chỉ tập trung ở những thành phố lớn mà nó còn được nhân rộng ở các tỉnh thành như ở Nha Trang có dự án khu liên hợp Hòn Ngọc Việt (đảo Hòn Tre) do Công ty TNHH Hòn Tre đầu tư. Tại Đà Nẵng, các khu thương mại cao cấp cũng được xây dựng bao gồm trong dự án đa chức năng Indochina Riverside Towers với tổng vốn đầu tư 27 tỉ USD (100% vốn đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH Indochina Tower), bao gồm 2 tòa tháp với các khu thương mại văn phòng và căn hộ cho thuê. Tại Vũng Tàu có Đông Hải Building…

Ngoài ra, Satra và Saigon Co-op liên kết để xây dựng 2 siêu thị tại Đà Nẵng và Long Xuyên với tổng vốn đầu tư khoảng từ 45-55 tỉ đồng/dự án. Mỗi đơn vị cũng đang tiếp tục triển khai các dự án liên kết với các tỉnh để nhanh chóng phủ kín ST-TTTM tại nhiều tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên, Đồng Nai…

Có thể khẳng định rằng, việc đầu tư nâng cấp và mở rộng các TTTM-ST trong cả nước là một yếu tố hết sức cần thiết để thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn, góp phần đem lại văn minh cho đất nước.

  • Tags: